16:09 17/09/2024 51
Vậy làm thế nào để xây dựng động cơ đúng đắn cho thanh niên khi vào Đảng? Trả lời câu hỏi đó chính là "chìa khóa" để nâng cao chất lượng phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên hiện nay.
Xây dựng động cơ đúng đắn cho người xin vào Đảng ngay từ đầu cũng có thể xem là bước đầu tiên của việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Đa số sinh viên luôn phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng với động cơ đúng đắn, trong sáng
Để được trở thành Đảng viên, đứng trong hàng ngũ của Đảng, khi đặt ra mục tiêu phấn đấu cho bản thân mình, người xin vào Đảng phải có một động cơ đúng đắn. Đây là vấn đề quan trọng, được đặt lên hàng đầu và có ý nghĩa quyết định để người xin vào Đảng được cấp ủy, tổ chức đảng tin tưởng và chấp nhận, kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam
Cách nay gần 60 năm, ngày 14/5/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với lớp huấn luyện đảng viên mới tại Hà Nội. Bác nói: "Vì sao chúng ta vào Đảng? Phải chăng để thăng quan, phát tài? Không phải! Chúng ta vào Đảng là để hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, làm tròn nhiệm vụ của người Đảng viên".
Người căn dặn: "Đảng không bắt buộc ai vào Đảng cả. Vào thì có nhiệm vụ, có trách nhiệm của đảng viên, nếu sợ không phục vụ được Nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay là khoan hãy vào”.
Trong bối cảnh hiện nay, xây dựng động cơ vào Đảng đúng đắn có ý nghĩa hết sức quan trọng khi các thế lực thù địch và phản động luôn tìm cách chống phá Đảng và Nhà nước ta trên nhiều mặt. Trong đó đoàn viên, thanh niên là một trong những đối tượng mà các thế lực này hướng đến bởi họ còn non trẻ về bản lĩnh chính trị, hạn chế về kinh nghiệm và cũng chính là đối tượng dễ bị kích động.
Nếu họ phấn đấu vào Đảng với động cơ không trong sáng sẽ dễ bị lợi dụng, lôi kéo, rất có thể vô tình trở thành "nội gián" bên trong Đảng, tạo điều kiện thuận lợi cho âm mưu "tự diễn biến, tự chuyển hóa" của các thế lực xấu. Vì vậy, ngay từ đầu phải xác định rõ động cơ vào Đảng một cách đúng đắn, trong sáng cho những đối tượng này để những đối tượng xấu không có cơ hội lợi dụng.
Không chỉ đối với mỗi đoàn viên, thanh niên mà bất cứ ai, nếu ngay từ đầu không xác định động cơ trong sáng khi vào Đảng thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả. Người có động cơ cá nhân khi đã thành đảng viên thì không những không ngăn ngừa được những kẻ cơ hội "chui"vào Đảng mà còn tạo cơ hội cho những kẻ "cùng hội cùng thuyền' dễ dàng đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Cứ thế, cá nhân chủ nghĩa ở trong Đảng sẽ ngày càng nhiều, đây là một trong những hậu quả nguy hiểm nhất. Đồng thời, những kẻ cơ hội chui vào Đảng có khả năng tìm mọi cách để chạy chức, chạy quyền, khi đã có chức quyền thì tất sẽ nảy sinh bè phái, chia rẽ nội bộ...
Do đó, xây dựng động cơ đúng đắn cho người xin vào Đảng ngay từ đầu cũng có thể xem là bước đầu tiên của việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Theo một kết quả khảo sát động cơ vào Đảng của đảng viên sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân trên tổng số đảng viên sinh viên đại học chính quy đang sinh hoạt là 687 người và 100 quần chúng ưu tú cho thấy: Động cơ “vì lý tưởng, mục tiêu cao đẹp của Đảng, mong muốn cống hiến cho Tổ quốc, Nhân dân” và “có môi trường rèn luyện bản thân trở nên tốt hơn, trưởng thành hơn” là hai động cơ chủ yếu để sinh viên trường xác định, phấn đấu vào Đảng với tỷ lệ lựa chọn đồng ý và hoàn toàn đồng ý ở ngưỡng lần lượt là 92,51% và 87,30% (trong đó tỷ lệ lựa chọn đồng ý là cao nhất, lần lượt là 62,20% và 59,45%), không có phiếu không đồng ý.
Kết quả này cho thấy đa số đảng viên sinh viên và quần chúng luôn phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng với động cơ đúng đắn, trong sáng, vì lý tưởng của Đảng và mong muốn rèn luyện bản thân, một phần có sự định hướng từ gia đình, người thân, bạn bè, láng giềng và các đoàn thể.
Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy, có 12,99% thừa nhận động cơ để có cơ hội thăng tiến trong công việc tốt hơn; 0,79% hoàn toàn đồng ý với mục tiêu trên; 22,44 % trung lập ý kiến.
Với mục tiêu “vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm: Có 7.09% đồng ý; 0,39% hoàn toàn đồng ý; 18,90 % trung lập.
Về các lý do khác (có mong muốn đơn thuần không rõ định hướng phấn đấu, động cơ mơ hồ) có 8.27 % đồng ý; 2,36% hoàn toàn đồng ý và có 56.69% trung lập.
Trên thực tế đã có nhiều câu chuyện về mục tiêu và động cơ vào đảng của thanh niên, sinh viên. Có trường hợp quần chúng được chi bộ bồi dưỡng, bản thân hăng hái học tập, rèn luyện, phấn đấu và được kết nạp vào Đảng, sau một vài năm được bầu vào chi ủy chi bộ xóm nhưng lại không được bầu vào Ban Chấp hành Đoàn xã.
Từ đó, đảng viên này thay đổi hẳn thái độ, bỏ bê mọi nhiệm vụ đang đảm đương, đồng thời làm đơn xin rút khỏi chi ủy chi bộ xóm, tự ý bỏ sinh hoạt và không đóng đảng phí trong ba tháng. Cuối cùng bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên.
Trong suy nghĩ của không ít người, “phải vào Đảng mới có cơ hội thăng quan tiến chức; vào Đảng giờ đây gắn liền với quyền lợi, lợi ích, công danh sự nghiệp".
Một số ít sinh viên vẫn “ngại” vào Đảng, bởi các mục tiêu, dự định cá nhân trong tương lai. Nguyễn Văn Huy (sinh viên một trường Đại học trên địa bàn TP Hà Nội) chia sẻ với niềm đam mê kinh doanh, sau khi tốt nghiệp ra trường, em sẽ tạo dựng cho mình 1 cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm và là thành viên sáng lập một công ty Luật. Trong khi đó, Lê Đình Phương (sinh viên một đại học khác) cho biết: “Mục tiêu của em sau khi tốt nghiệp sẽ xin vào làm việc tại các công ty tư nhân, mà công ty này thì họ cần người làm được việc chứ không quan tâm nhiều đến yếu tố đảng viên. Thế nên, em chỉ cố gắng học nghề cho thật tốt để sau này xin việc được dễ dàng”.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, có rất nhiều yếu tố tác động đến nhận thức của sinh viên, có thể kéo sinh viên rời xa những mục tiêu phấn đấu ban đầu. Vì đã có những sinh viên muốn phấn đấu vào Đảng nhưng sau đó hoạt động khởi nghiệp lại cuốn các em vào những ngã rẽ mới và xao nhãng việc học tập, rèn luyện. Một số khác lại phân vân chưa biết mình sẽ công tác ở đâu, nơi công tác có cần “mác” đảng viên hay không mà phấn đấu. Có bạn sau khi tìm hiểu rồi lại lo ngại nếu vào Đảng mà để đứt đoạn sinh hoạt thì có ảnh hưởng gì đến tương lai sau này hay không...
Đã có không ít sinh viên được kết nạp tại trường nhưng sau khi tốt nghiệp do công việc không ổn định nên họ không chú trọng đến sinh hoạt Đảng, không phát huy được vai trò của người đảng viên. Điều này ít nhiều làm ảnh hưởng đến nhận thức của các thế hệ sinh viên sau này đối với việc vào Đảng và mục tiêu vào Đảng…