Trường học số - giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô

09:48 01/09/2023        853



Ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số.

 

 

Chuyển đổi số được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 của toàn ngành giáo dục Thủ đô. Ảnh: Tuyết Nhi

Ngành Giáo dục đang "hòa mình" vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia

Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số.

Thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ, ghi nhận hiệu quả tích cực. Việc này đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy từ truyền thống sang tích cực, giúp người dạy và người học phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, sự chủ động và đạt hiệu quả. Không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn tiết kiệm thời gian, nhà giáo có thêm thời gian cho chuyên môn, sát sao học sinh hơn.

Kết quả ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của Bộ Giáo dục và Đào tạo nói riêng, ngành Giáo dục và Đào tạo nói chung đã đạt một số kết quả quan trọng: Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả trường học từ mầm non đến phổ thông bao gồm các cấu phần cơ sở dữ liệu thành phần (gồm trường, lớp, học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính...) và tổng hợp thông tin dữ liệu từ 63 sở Giáo dục và Đào tạo, 710 phòng Giáo dục và Đào tạo.

Qua đó đã số hóa, gắn mã định danh của gần 24 triệu hồ sơ học sinh (số hóa thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, sức khỏe…), hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn) từ 53 nghìn trường học và thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học.

Thực hiện Đề án số 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kết nối thành công Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý). Qua đó, đồng bộ, xác thực mã căn cước công dân và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,5 triệu giáo viên (đạt 95%) và gần 21 triệu hồ sơ học sinh (đạt 92%).

Ứng dụng CNTT phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học được triển khai đồng bộ, triệt để. Từ đăng ký dự thi, nguyện vọng xét tuyển đến nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.

Ứng dụng CNTT trong dạy học được tăng cường triển khai với toàn ngành. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn về xây dựng học liệu số và khoá học trực tuyến. Kho học liệu số toàn ngành được xây dựng và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa hơn 7.000 bài giảng điện tử E-learning có chất lượng và hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình.

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch cung cấp miễn phí phần mềm quản trị cơ sở giáo dục (phổ thông, mầm non). Phần mềm đáp ứng yêu cầu quản trị cơ bản nhà trường, đáp ứng chuẩn dữ liệu của Bộ và kết nối 100% dữ liệu với cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục.

Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại 4.0, với những kết quả tích cực từ chuyển đổi số giáo dục đạt được thời gian qua sẽ là động lực quan trọng, để từ đó tiếp tục phấn đấu, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong thời điểm hiện tại cũng như thời gian tới. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo đà để giáo dục Việt Nam bứt phá trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện hơn.

Quyết tâm tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ngành Giáo dục Hà Nội hiện có quy mô lớn nhất với hơn 2.800 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh. Một trong những công cụ để quản lý tốt là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Thời gian qua, các trường học thuộc TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số.

“Chúng tôi đã đề nghị tất cả nhà trường căn cứ bộ chỉ số về chuyển đổi số của Bộ Giáo dục và Đào tạo để rà soát các điều kiện hiện có; tham mưu chính quyền địa phương tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; triển khai hiệu quả hệ sinh thái chuyển đổi số về dạy học, kiểm tra, đánh giá; cập nhật thông tin thường xuyên lên trung tâm điều hành thông minh của ngành…Các nhà trường cũng cần tăng cường xây dựng, đóng góp vào kho học liệu số; tiếp tục bổ sung, khai thác kho học liệu điện tử https://study.hanoi.edu.vn...” – ông Trần Thế Cương cho hay

Theo ông Trần Thế Cương, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã quán triệt đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt với yêu cầu các đơn vị khi triển khai chuyển đổi số trong quản lý các khoản thu không sử dụng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục tại các nhà trường, sẽ đa dạng các kênh thanh toán và miễn phí giao dịch, bảo đảm thuận lợi nhất cho phụ huynh học sinh.

“Để thực hiện, ngày 25/8, chúng tôi đã tổ chức triển khai chuyển đổi số trong quản lý hồ sơ chuyên môn tích hợp chữ ký số cá nhân và quản lý các khoản thu không dùng tiền mặt. Đại diện các đơn vị của ngành giáo dục Hà Nội đều cho rằng, việc tích hợp chữ ký số cá nhân vào quản lý hồ sơ chuyên môn không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực, mà còn tăng tính chính xác và bảo mật, nhờ đó, việc xử lý và chia sẻ thông tin dễ dàng hơn” – ông Trần Thế Cương nhấn mạnh.

 

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC