10:25 30/08/2019 1256
Những ngày này, trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh có một triển lãm đặc biệt về cuộc đời và sự nghiệp của Người từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế. Triển lãm khiến ai đã đến nơi này cũng không thể không ghé thăm.
Với tên gọi “Chủ tịch Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế”, triển lãm chia làm ba phần: Quê hương, gia đình và thời thơ ấu; Người thanh niên yêu nước, người chiến sĩ cách mạng và vị lãnh tụ thiên tài; Bản Di chúc thiêng liêng: Sự kết tinh tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Triển lãm trưng bày hơn 100 tư liệu quý của Việt Nam và Mỹ, Nga, Pháp. Trong có những tài liệu vô cùng quý giá mà các cơ quan lưu trữ ở Việt Nam từng tìm kiếm sưu tầm nhưng chưa có được, như: Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngoại trưởng Hoa Kỳ ngày 22/10/1945 về việc nền độc lập của Việt Nam cần sự công nhận của Liên Hiệp Quốc; Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman ngày 18/1/1946 về việc đề nghị Mỹ cùng Liên Hợp quốc can thiệp và có giải pháp trước cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam
Bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman ngày 28/2/1946 đề nghị giúp đỡ bảo vệ nền độc lập của Việt Nam trước sự xâm lược của người Pháp…
Trưng bày thư của Tống thống Richard Nixon gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15-7-1969 thể hiện mong muốn đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam và thư hồi đáp của Bác Hồ chỉ 8 ngày trước khi Bác mất, thể hiện lập trường cứng rắn về việc Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam
Đặc biệt, lá thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư trả lời Tổng thống Richard Nixon ngày 25/8/1969 về việc Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, lá thư này được công bố. Đặc biệt, ít ai biết lá thư được viết chỉ trước 8 ngày trước khi Bác về với thế giới người hiền. Lời lẽ trong bức thư đanh thép, thể hiện rõ ý chí giành độc lập đến cùng của nhân dân Việt Nam trước Hoa Kỳ.
Nguyễn Thị Huyền, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Qua những bài học mình được biết trước khi mất, Người bị ốm rất nặng. Thế mà ngay cả lúc đau đớn vì phải chống chọi với bạo bệnh, Người vẫn dành cả tấm lòng cho dân cho nước. Tình yêu của Người thật bao la, dành cho nước, cho dân”.
Không chỉ Huyền, bất cứ ai cũng thấy xúc động, cảm phục trước tấm lòng với dân với nước của Người. Gần 10 năm mới lại có dịp về Thủ đô viếng Bác, chị Phạm Ngọc Lan (Bắc Giang) vẫn cảm thấy rưng rưng như lần đầu được đặt chân tới đây. 10 năm trước, chị là sinh viên của Học viện Tài chính nên đã có dịp cùng bạn bè vào Lăng viếng Bác.
Nhiều bạn trẻ ghi lại bức hình kỉ niệm bên triển lãm
Lần này về Hà Nội, chị Lan còn dẫn theo hai con nhỏ. Ba mẹ con chị dừng lại rất lâu tại khu triển lãm, ngắm nghía những bức ảnh và đọc các tư liệu về Người. Chị giải thích cho các con từng bức ảnh, từng dòng thông tin trên các trang giấy đã nhòe mực. “Chuyến đi là phần thưởng mình dành tặng các con cho những nỗ lực trong thời gian qua và chuẩn bị cho năm học mới. Mình muốn chúng được ngắm nhìn vị cha già dân tộc để các con cố gắng chăm ngoan học giỏi hơn. Thật may mắn khi về Thủ đô lần này mẹ con mình còn được thăm quan triển lãm đặc biệt này”.
Chàng trai trẻ Phạm Nhật Trình cùng cô bạn gái cũng mải mê cùng triển lãm. Với Trình lần đầu tiên được xem những tư liệu quý ngay tại nơi Người từng sống những năm tháng cuối đời, cảm xúc thật đặc biệt. “Hiểu về Bác hơn thì những người trẻ như mình càng phải có trách nhiệm học tập, lao động thật tốt để góp phần dựng xây đất nước” – Trình cho biết.
Triển lãm kéo dài trong suốt tuần lễ Quốc khánh, đến ngày 7/9/2019 để phục vụ công chúng và nhất là các bạn trẻ để họ hiểu và học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
PHƯƠNG THANH (Báo Tuổi trẻ Thủ đô)
Link: https://tuoitrethudo.com.vn/trien-lam-dac-biet-ve-bac-kinh-yeu-d2071779.html