10:19 28/10/2019 1719
Đôi mắt không thể nhìn thấy và phải học muộn tới 9 năm nhưng Nguyễn Thị Hồng vẫn xuất sắc trở thành thủ khoa của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Không may mắn khi mất đi ánh sáng nhưng Hồng sở hữu nghị lực phi thường.
Tai nạn năm 14 tuổi
Hồng sinh ra khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác. Cô bé cũng là niềm tự hào của gia đình với thành tích học tập xuất sắc. Bố mẹ tin Hồng sẽ có một tương lai tươi sáng thế nhưng tai nạn năm 14 tuổi đã cướp đi đôi mắt của cô bé. “Một cú va đập mạnh khiến mình bị vỡ nhãn cầu, tê liệt dây thần kinh. Đôi mắt cứ thế mờ dần khiến mình hoảng sợ, chới với” - Hồng kể.
Bố mẹ tá hoả đưa Hồng đến các bệnh viện nhưng lúc này cả hai bên mắt của cô gần như không còn nhìn thấy. Mẹ khóc nghẹn, bố nuốt nước mắt vào, Hồng khi ấy còn nhỏ nên chưa hiểu hết được bản thân sẽ thiệt thòi như thế nào khi hai mắt không nhìn thấy. Cô bé chỉ biết, ngày mai sẽ không được đi học, xem ti vi hay vui chơi như các bạn…
Nhiều người cũng bắt đầu có ánh nhìn khác về Hồng. Họ tò mò theo dõi xem cô gái đi đứng ra sao, làm gì. Họ xì xào mỗi lần Hồng đi qua. Chính điều đó khiến cô gái thấy sợ, thu mình lại. Suốt 3 năm đầu, hầu như Hồng không dám bước chân ra khỏi nhà. Thế giới của cô vốn chặt hẹp lại càng thu nhỏ lại với bốn bức tường.
Ở nhà nên Hồng làm bạn với chiếc đài radio. Tình cờ, cô gái nghe được trên đài câu chuyện về một người bị liệt toàn thân, chỉ có đầu và một chân cử động được. Thiệt thòi đủ mọi thứ như thế nhưng người đàn ông ấy vẫn ngồi xe lăn, đi bán vé số dạo và suốt ngày cười nói, hát ca.
“Khi được hỏi tại sao có thể luôn vui vẻ như thế, ông ấy trả lời: “Nếu như tôi khóc mà có thể tốt hơn thì tôi sẽ khóc. Còn nếu tôi khóc mà không thể thay đổi được điều gì thì tại sao tôi không cười”. Nghe câu nói đó mình đã khóc. Mình bị hỏng mắt nhưng vẫn còn chân tay lành lặn. Tuy hơi khó khăn nhưng mình vẫn may mắn hơn rất nhiều người, tại sao lại khép mình lại?”
Suy nghĩ ấy khiến Hồng lạc quan hơn nhưng làm thế nào để thoát ra khỏi tình cảnh đó thì cô gái không biết. Cũng chẳng có ai chỉ cho Hồng phải làm gì, rồi cũng chính qua chiếc đài, cô gái biết đến những học sinh khiếm thị ở trường Nguyễn Đình Chiểu.
Đương đầu với thử thách
Hồng rất ấn tượng với bài viết về những học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu bị khiếm thị vẫn làm việc, học Âm nhạc và ngoại ngữ. Họ làm việc để tự chăm lo cho bản thân chứ không phải phụ thuộc vào người khác. Những tấm gương đó tạo động lực để Hồng quyết tâm đi học. Thế nhưng ông bà phản đối kịch liệt việc đi học vì lo lắng cho Hồng. Chính cô gái nhỏ phải làm công tác tư tưởng để thuyết mọi người trong đình đồng ý.
Nguyễn Thị Hồng, thủ khoa có nghị lực phi thường
Tuy nhiên, thời điểm ấy trường Nguyễn Đình Chiểu chỉ nhận người nhiều nhất 16 tuổi, Hồng khi ấy đã 20. Khó khăn lại đến khiến Hồng có chút buồn nhưng cô gái không nản lòng. Hồng nhờ bố mẹ xin vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố để học những ngày cuối tuần. Trong tuần, cô đi làm xoa bóp, bấm huyệt. Mỗi tháng, Hồng nhận được 600.000 đồng. Số tiền này đủ để cô gái tự nuôi sống bản thân mà không cần xin bố mẹ. Cũng trong thời gian này Hồng tham gia vào các hoạt động xã hội của một tổ chức phi chính phủ.
“Những ngày làm việc ở đó, mình nhận ra, có rất nhiều tổ chức, cá nhân muốn giúp đỡ người khuyết tật nhưng họ không biết phải hỗ trợ như thế nào. Ngược lại nhiều người khuyết tật cần sự hỗ trợ lại không biết kết nối với ai. Bên cạnh đó, một số người khuyết tật đang ỉ lại, tự cho mình quyền được ưu tiên… Nếu mình là nhân viên công tác xã hội, mình có thể góp phần giải quyết những vấn đề đó” - Hồng cho biết.
Đây cũng là lý do, năm 2015, khi hoàn thành xong chương trình lớp 12, Hồng đăng ký xét tuyển vào ngành Công tác xã hội của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Một chân trời mới mở ra nhưng đồng nghĩa với việc Hồng tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thử thách khác. Hai năm đầu chủ yếu học đại cương nên chẳng gây khó được cho Hồng. Những trải nghiệm thực tế được cô gái trẻ đưa vào bài học. Thế nhưng khi học chuyên ngành khó khăn với ập tới, chữ nổi ghi rất chậm, slide trôi nhanh khiến cô không thể chép được bài.
Không có tài liệu học tập, Hồng chăm chú nghe thầy cô giảng và ghi âm lại rồi về nhà tìm giáo trình trên mạng internet. Việc này cũng rất khó vì để tìm được nguyên bộ giáo trình như cô giảng dạy trên lớp là không thể. Cách Hồng làm là tìm kiếm tư liệu cho từng bài học, đọc suy ngẫm và tổng hợp theo ý hiểu.
Một nhân viên công tác xã hội tốt
Sự cần cù cùng với phương pháp học tập đúng đã giúp Hồng vượt qua được tất cả các môn. Thậm chí cô gái làm được những điều mà nhiều người bình thường phải mơ ước, đó là hoàn thành chương trình đại học chỉ mất 3,5 năm và xuất sắc giành danh hiệu thủ khoa trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Với Hồng danh hiệu thủ khoa xuất sắc cấp thành phố Hà Nội là niềm vinh dự, tự hào rất lớn nhưng đây cũng chỉ là điểm khởi đầu cho một hành trình dài ở phía sau. Cô gái muốn chứng minh có những người cơ thể không lành lặn nhưng vẫn đem lại điều tốt đẹp cho cuộc sống. Đó cũng là lý do Hồng lựa chọn ngành công tác xã hội và luôn nỗ lực học tật tốt. Hồng muốn trở thành người kết nối, giúp người khuyết tật khẳng định được giá trị của bản thân.
Hồng từng chứng kiến nhiều bạn tặng quà người khiếm thị nhưng lại không sử dụng được. Điều đó thực sự lãng phí. Trong khi đó những người khiếm thị có nhu cầu được giúp đỡ thông tin nhưng người ta lại không biết tìm sự giúp đỡ ấy ở đâu. Vì thế, Hồng sẽ cố gắng là nhân viên làm công tác xã hội giỏi, giúp mọi người biết người khuyết tật cần những điều gì,
Hiện Hồng đang nộp hồ sơ ứng tuyển vào các tổ chức phi chính phủ để có thể làm công việc đúng mong muốn. “Mình biết sẽ rất khó khăn nhưng mình sẽ tiếp tục nỗ lực. Mình đã may mắn hơn rất nhiều người khuyết tật khác khi có cơi hội đi học. Vì thế, mình sẽ cố gắng mang sự may mắn đó đến với nhiều người khác” - Hồng chia sẻ.
PHƯƠNG THANH
https://tuoitrethudo.com.vn/thu-khoa-so-huu-nghi-luc-phi-thuong-d2074577.html