Thủ khoa Đại học Dược: Tự hào khi được chăm sóc sức khỏe cộng đồng

17:19 22/11/2021        2274



Với mong muốn chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Đỗ Thị Thu Hằng, Thủ khoa xuất sắc trường Đại học Dược Hà Nội sớm lựa chọn hướng nghiên cứu các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc trên bệnh nhân ung thư. Hằng cũng hoàn thành xuất sắc khóa luận với đề tài liên quan đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

Đồng hành cùng bệnh nhân Covid-19

Theo học ngành liên quan đến sức khỏe con người nên ngay từ đầu Hằng đã chú trọng đến gắn lý thuyết với thực hành. Tình cờ đọc được bài chia sẻ và kêu gọi của một giảng viên trong trường, cô gái trẻ biết đến Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, hỗ trợ theo dõi sức khoẻ từ xa cho bệnh nhân F0, F1 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã rất hào hứng tham gia và trở thành tình nguyện viên ngay trong đợt đầu tiên.

Tính đến thời điểm hiện tại, sau khoảng 3 tháng tham gia vào mạng lưới, Hằng đã hỗ trợ được khoảng hơn 300 bệnh nhân F0, F1. Hằng cho biết, tuy con số này rất nhỏ bé so với các bác sĩ, tình nguyện viên khác trong mạng lưới nhưng cô gái trẻ rất vui và tự hào vì có thể góp một chút công sức nhỏ bé vào việc đẩy lùi Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Niềm vui lớn hơn là tất cả bệnh nhân được Hằng gọi điện hỗ trợ đều khoẻ mạnh và vượt qua được giai đoạn khó khăn. Khoảng thời gian 3 tháng không dài nhưng cô gái trẻ luôn sẵn sàng hỗ trợ bất cứ khi nào họ cần.

“Mình vẫn nhớ lần gọi điện cho một bệnh nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi giới thiệu về mạng lưới và xin phép hỏi một chút thông tin về tình trạng sức khoẻ, bệnh nhân đồng ý. Tuy nhiên, mình hỏi được một vài thông tin thì bỗng nhiên bệnh nhân tắt máy.

Lúc đó, mình nghĩ chắc hỏi nhiều quá làm phiền bệnh nhân nên họ khó chịu và định không gọi lại nhưng không hiểu sao vẫn ấn nút gọi. Lần này bệnh nhân nghe máy và nói do mình hỏi kỹ quá nên tưởng là đa cấp…”, Hằng kể

Tuy nhiên, sau khi hiểu rõ hơn về mạng lưới, bệnh nhân đã rất vui vẻ chia sẻ về tình trạng sức khoẻ của bản thân. Có một số bệnh nhân đã khỏi bệnh hoặc đủ điều kiện để ngừng theo dõi nhưng vẫn muốn Hằng gọi điện hàng ngày để chia sẻ và hỏi thăm về sức khoẻ khiến cô gái trẻ rất vui vì đã thực sự giúp ích cho cộng đồng.

Ngoài tích cực tham gia Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, Hằng còn là thành viên của Câu lạc bộ tiếng Anh và quỹ hỗ trợ sinh viên trong trường, cũng như hiến máu tình nguyện. Qua các hoạt động Hằng không chỉ thực hành lý thuyết mà còn rèn luyện kỹ năng mềm cho bản thân.

Hướng đến bệnh nhân ung thư

Theo học trường Đại học Dược là một cơ duyên với cô gái quê ở xã Tam Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội) này. Tốt nghiệp THPT, Hằng thi đỗ cả hai trường Đại học Ngoại thương và Đại học Dược Hà Nội. Ngoại thương luôn là mơ ước của Hằng những năm tháng cấp ba nhưng khi nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại ngành nghề muốn theo đuổi cô gái trẻ lại quyết định chọn Dược.

Hằng nhận thấy rằng Dược là ngành rất thiết yếu với cuộc sống. Nếu học ngành này, cô gái trẻ có thể ứng dụng những kiến thức được học về thuốc để chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình, những người xung quanh và giúp đỡ nhiều người khác trong cộng đồng.

“Suy nghĩ đó khiến mình thay đổi nguyện vọng vào những ngày cuối cùng và quyết định trở thành sinh viên của trường Đại học Dược Hà Nội”, Hằng chia sẻ.

Để nắm vững kiến thức, Hằng tham gia nghiên cứu khoa học tại bộ môn Dược lâm sàng với hướng nghiên cứu các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc trên bệnh nhân ung thư. Đề tài khoá luận tốt nghiệp dược sỹ đại học của cô gái trẻ cũng hướng đến những bệnh nhân này với tên gọi: “Phân tích chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư vú đang điều trị hoá chất tại một số bệnh viện chuyên khoa ung bướu trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19”.

Hằng cho biết, bệnh nhân ung thư là đối tượng dễ bị Covid-19 tấn công và tổn thương nhất. Họ cũng phải đối diện với những lo lắng khác như dễ bị mắc bệnh trong quá trình di chuyển hay việc điều trị bị gián đoạn. Những lo lắng này có thể tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Mong muốn xác định các yếu tố có liên quan nhằm hướng đến đánh giá chính xác và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư trong giai đoạn dịch bệnh là động lực chính thúc đẩy Hằng lựa chọn và tiến hành nghiên cứu.

Để thu thập số liệu cho đề tài, Hằng phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, hướng dẫn họ cách điền vào phiếu thu thập số liệu. Do vẫn trong giai đoạn dịch Covid-19 nên nhiều bệnh nhân cũng e ngại với việc tiếp xúc với nghiên cứu viên. Nhiều người còn không đồng ý tham gia vào nghiên cứu…

“Khoảng thời gian thu thập số liệu tại bệnh viện thực sự là một khoảng thời gian vất vả với mình, đi từ sáng sớm và về lúc tối muộn. Mình về đến nhà là mệt lả không có sức làm việc gì khác nữa. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó cho mình nhiều bài học và những kỷ niệm đẹp mà có lẽ sẽ không bao giờ quên”, Hằng tâm sự.

Vượt qua khó khăn Hằng đã hoàn thành xuất sắc khóa luận được thầy cô đánh giá cao. Quan trọng hơn, cô gái trẻ đã có những giải pháp thiết thực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống bệnh nhân ung thư cũng như chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC