14:46 16/04/2023 411
Cô gái trẻ Triệu Như Quỳnh, sinh năm 1990, hiện là giáo viên trường Mầm non A Liên Ninh. Sinh ra và lớn lên tại thôn Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, Quỳnh biết làm bánh Trung thu từ nhỏ. Trong họ hàng của Quỳnh có nhiều hộ làm bánh. Còn gia đình cô, vào thời gian cao điểm như vào dịp Tết Trung thu cũng làm bánh để bán theo thời vụ. Là con, em trong làng nghề truyền thống nên cô làm bánh Trung thu rất thành thạo.
Như Quỳnh chia sẻ: “Trong thôn Nội Am phải tới hơn nửa số các hộ dân ở đây theo nghề truyền thống làm bánh Trung thu. Thế hệ trẻ chúng mình ở đây hầu như là con, cháu của các hộ sản xuất, kinh doanh bánh nên chắc chắn sẽ theo nghề truyền thống. Bởi kinh doanh mặt hàng này cũng rất ổn, nghề làm bánh còn cho nhiều người có công việc ổn định và phát triển kinh tế địa phương”.
Vì thế, chính bản thân Như Quỳnh rất yêu nghề làm bánh và vẫn hướng tới nghề truyền thống dù cô đang làm giáo viên mầm non. Cô giáo 9X kể, có thời điểm vào mùa, thức đêm làm bánh mà có lúc Quỳnh ngủ quên. Thời điểm cả làng rộn ràng làm bánh Trung thu thường từ đầu tháng 8 đến hết rằm Trung thu. Vào mỗi dịp này, Quỳnh cũng mang bài học làm bánh cổ truyền để dạy học sinh, qua đó truyền thêm lửa nghề truyền thống cho các em ngay từ tuổi thơ.
Là con của chủ hộ làm bánh có thâm niên cả trăm năm, từ đời ông bà, Nguyễn Thế Nam, sinh năm 1997, đã trở thành một anh thợ làm bánh giỏi. Hiện tại công việc chính của chàng trai trẻ là tự chủ kinh doanh và giúp sức cùng bố mẹ tại cơ sở bánh của gia đình.
Nam cho biết, nghề truyền thống này từ thời ông nội của Nam và truyền đến các bác, bố mẹ của cậu. Nam cũng được làm bánh từ tấm bé. Trong mùa Trung thu, làng Nội Am vô cùng nhộn nhịp.
Nguyễn Thế Nam kể: “Khi mới học nghề, mình thấy khó nhất là bước cho bánh vào khuôn, ban đầu hơi bị gượng nhưng làm nhiều rồi quen và trở nên thuần thục. Cơ sở bánh nhà mình chia ra từng công đoạn cho từng người, có người sẽ đánh bột, người nặn, nhào bột, người làm nhân, đóng bánh, đóng gói. Làm bánh Trung thu cần sự tỉ mỉ, cầu kỳ, người thợ bánh cần phải đặt hết tâm huyết của mình vào thì hương vị bánh mới ngon”.
Chàng trai 9X cho hay, ngày xưa bánh Trung thu chỉ có nhân đậu xanh, thập cẩm, bây giờ thì nhiều vị hơn như: Đậu đỏ, trà xanh, dăm bông… Không ít bạn trẻ ngày nay theo đuổi nghề làm bánh bởi đây là nghề “cha truyền con nối”, truyền thống và chắc chắn sẽ được gìn giữ, phát triển mở rộng.
Theo chị Tạ Thu Sa, UVBCH Thành đoàn Hà Nội, Bí thư Huyện đoàn Thanh Trì, bánh Trung thu - nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc với hình tròn hoặc hình vuông thay cho lời cảm ơn của những người nông dân đến trời đất và thiên nhiên đã ban tặng một vụ mùa thuận lợi, tốt tươi. Rằm tháng 8 trở thành Tết đoàn viên để mọi người tặng nhau những chiếc bánh với ý nghĩa chúc cho mọi điều trong cuộc sống được tròn đầy, viên mãn.
“Trải qua thời gian xây dựng, phát triển làng nghề, hiện nay, tại thôn Nội Am, xã Liên Ninh còn 11 hộ kinh doanh bánh Trung thu truyền thống. Từ tháng 7 âm lịch hằng năm, các cơ sở kinh doanh bắt đầu khởi động làm bánh, cao điểm trong khoảng 1/8 đến 15/8 âm lịch. Cứ vào dịp này, đi từ đầu làng đến cuối làng, hương thơm của bột nếp - bánh dẻo, lá chanh - bánh nướng thoảng thoảng trong gió. Tiếng gõ lạch cạnh vui tai của khuôn gỗ - nay thêm khuôn nhựa, ai nấy đều nức lòng”, chị Sa chia sẻ.
Ông Tạ Duy Đông, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Liên Ninh cho biết: “Thôn Nội Am có nghề làm bánh mứt kẹo từ lâu đời nay. Trong những năm qua, nghề này, đặc biệt là sản phẩm bánh Trung thu truyền thống đã được các hộ gia đình trong thôn duy trì và phát triển. Về tiêu chuẩn chất lượng thì các hộ gia đình đã có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, thương hiệu, nhãn mác. Đầu năm 2023, thành phố Hà Nội đã có quyết định công nhận Nội Am là làng nghề truyền thống bánh mứt kẹo. Sản phẩm bánh Trung thu cũng là sản phẩm OCOP của thành phố”.
Đoàn Thanh niên - Hội LHTN - Hội đồng Đội huyện Thanh Trì cùng Đảng ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam xã Liên Ninh tổ chức Liên hoan Bàn tay vàng làng nghề truyền thống bánh Trung thu xã Liên Ninh năm 2023.
Tham gia chương trình liên hoan có 7 hộ trực tiếp tham gia làm bánh gồm đại diện chủ hộ và đoàn viên, thanh niên là con em của chủ hộ kinh doanh và đoàn viên, thanh niên địa phương.
Thông qua chương trình này, Ban tổ chức muốn truyền tải thông điệp “Hãy cùng giữ lửa truyền thống làng nghề” đến thế hệ trẻ và Nhân dân địa phương.