16:29 01/10/2024 36
Cùng điểm qua thành tích xuất sắc của10 tài năng trẻ nhận Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2024.
1.TS Ngô Khắc Hoàng, Giáo sư trợ lý, Đại học Linköping, Thụy Điển
Người đầu tiên trong danh sách 10 tài năng trẻ nhận Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2024 là TS Ngô Khắc Hoàng, Giáo sư trợ lý, Đại học Linköping, Thụy Điển. Sinh năm 1992, TS Ngô Khắc Hoàng là tác giả chính của công trình nghiên cứu "Unsourced Multiple Access With Random User Activity”. Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích giới hạn về hiệu quả sử dụng năng lượng của một hệ thống đa truy cập cực lớn để trả lời câu hỏi: Khi hàng trăm thiết bị cùng phát đồng thời trên một đơn vị tài nguyên hữu hạn, đâu là mức năng lượng tối thiểu để đạt được một độ tin cậy cho trước?
TS Ngô Khắc Hoàng
Điểm mới trong nghiên cứu là các thiết bị truy cập một cách ngẫu nhiên hoàn toàn. Khi nhận được tín hiệu, trạm thu không biết những thiết bị nào đang phát và có bao nhiêu thiết bị đang phát. Các nghiên cứu trước đều giả sử (một cách lý tưởng hoá) là trạm thu không biết những thiết bị nào đang phát, nhưng lại biết số lượng thiết bị đang phát. Giả thiết của nghiên cứu này đúng với thực tế hơn, và dẫn đến những khía cạnh chưa được khai thác, như sự đánh đổi giữa phát hiện sai (misdetection) và báo động giả (false alarm). Công trình đăng trên bài báo được xuất bản bởi tạp chí uy tín IEEE Transactions on Information Theory.
2. TS Nguyễn Văn Sơn, Giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội
TS Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1993) tác giả công trình nghiên cứu “CodeJIT” cho phép phát hiện sớm các thay đổi (còn gọi là commit) nguy hiểm tạo ra các lỗ hổng bảo mật trong quá trình phát triển phần mềm, giúp các nhà phát triển có thể kiểm tra và sửa chữa các commit này kịp thời khi chúng vẫn còn mới và dễ theo dõi. Kết quả thực nghiệm cho thấy CodeJIT đạt độ chính xác cao trong việc xác định commit nguy hiểm, lên tới 90%, vượt trội gần hai lần so với các phương pháp tiên tiến không tập trung vào mã nguồn.
TS Nguyễn Văn Sơn
Giải pháp này có thể được áp dụng rộng rãi trong các dự án phần mềm để tăng cường bảo mật ngay từ giai đoạn phát triển và có thể áp dụng cho các tổ chức phát triển phần mềm, đặc biệt là những tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng như an ninh mạng, y tế, hoặc tài chính, nơi mà việc phát hiện lỗ hồng phần mềm sớm và chính xác là rất quan trọng.
3. TS Lê Kim Hùng, Trưởng Bộ môn Truyền thông, khoa Mạng máy tính và Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
Sinh năm 1990, TS Lê Kim Hùng là tác giả chính của công trình nghiên cứu “Nghiên cứu thuật toán lấy mẫu thích ứng cho thiết bị trong Internet vạn vật quy mô lớn”. Mục tiêu của công trình nghiên cứu là giải quyết thách thức về tiết kiệm năng lượng trong các hệ thống IoT quy mô lớn, nơi sử dụng một số lượng lớn các thiết bị IoT giá rẻ với nguồn năng lượng hạn chế (thường là pin). Việc thu thập và truyền dữ liệu liên tục có thể nhanh chóng làm cạn kiệt năng lượng của các thiết bị này, làm ảnh hưởng đến tuổi thọ và hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống.
TS Lê Kim Hùng
Do đó, nghiên cứu hướng tới tối ưu tần suất thu thập dữ liệu của thiết bị, trong khi vẫn đảm bảo chất lượng dữ liệu cho các hoạt động phân tích và ra quyết định. Tính mới của nghiên cứu này nằm ở việc là một trong những thuật toán lấy mẫu đầu tiên đảm bảo đồng thời cả chất lượng dữ liệu và mức tiết kiệm năng lượng mong muốn. Công trình nghiên cứu đã được cấp bằng sáng chế quốc tế và đang được ứng dụng tại công ty GreencityZen, Pháp. Công trình được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín ISI-Q1 thuộc nhà xuất bản IEEE với Impact Factor 3.4.
4. TS Nguyễn Phước Vinh, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Phó Trưởng khoa Khoa Dược, Trường Đại học Khoa học sức khỏe, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
Được vinh danh trong lĩnh vực y- dược, TS Nguyễn Phước Vinh (sinh năm 1994) là tác giả chính của công trình nghiên cứu “Active nanovectorization of siRNAs for a specific and synergistic activity with chemotherapy in the treatment of EGFR-positive cancers”. Nghiên cứu này tập trung lên sự phát triển một hệ nano thuốc tác động đích lên các tế bào ung thư tăng cường biểu hiện protein EGFR và sử dụng liệu pháp gene can thiệp (thông qua các siARN).
TS Nguyễn Phước Vinh
Hệ nano này được kỳ vọng sẽ cho một tác dụng đặc hiệu và cộng hợp với liệu pháp hóa trị trong điều trị các bệnh ung thư mà ở đó protein EGFR được tăng cường biểu hiện. Mục tiêu đã đạt được trong công trình khoa học giúp phát triển và tối ưu hóa một hệ nano dẫn thuốc để có thể phân phối các đoạn gene can thiệp đến tế bào ung thư một cách đặc hiệu. Công trình đã được đăng trên 5 tạp chí hạng Q1 thuộc danh mục Scopus/SCIE.
TS Vinh đạt giải thưởng xuất sắc về Bào chế năm 2022 của Viện Hàn lâm Dược học Cộng Hòa Pháp.
5. TS Lê Bá Vinh, Nghiên cứu viên Trường Dược, Đại học Korea, Hàn Quốc
Sinh năm 1993, TS Lê Bá Vinh là tác giả chính của công trình nghiên cứu “Xác định các chất ức chế triterpenoid saponin của interleukin IL-33 tuyền tín hiệu từ rễ cây hoàng kỳ”. Công trình nghiên cứu về IL-33 và ST2 là hai thành phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch, đóng vai trò thiết yếu trong việc điều hòa các phản ứng viêm và miễn dịch.
TS Lê Bá Vinh
Nghiên cứu về IL-33 và ST2 đang mở ra những tiềm năng mới trong việc phát triển các liệu pháp điều trị các bệnh viêm mãn tính và dị ứng. Mô hình nghiên cứu này cũng có thể áp dụng rộng rãi để sàng lọc các chất trên cùng mô hình viêm da dị ứng, mang lại tiềm năng trong phát triển các phương pháp điều trị mới và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Công trình đã được công bố trên tạp chí Q1 (Journal of Functional Foods) của nhà xuất bản Elsevier (IF 5.6, CI11).
6. TS Võ Trường Giang, Nghiên cứu viên, Viện Bền vững về hóa học, năng lượng và môi trường, Cơ quan Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ Singapore.
TS. Võ Trường Giang (sinh năm 1991), tác giả chính của công trình nghiên cứu “Phương pháp Âm Carbon khai thác khoáng sản từ nước muối siêu mặn”. Công trình cung cấp một giải pháp đột phá cho những thách thức kép về xử lý nước muối thải và phát thải CO2 liên quan đến khử mặn nước biển.
TS Võ Trường Giang
Nghiên cứu mang đến các lợi ích kinh tế thu được từ việc thu hồi các khoáng sản có giá trị có thể tăng cường khả năng công nghiệp của Việt Nam và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí Applied Catalysis B: Environmental and Energy, IF 20.2, Q1, xếp hạng 1/81 lĩnh vực Kỹ thuật môi trường.
7. TS Trương Hải Bằng, Nghiên cứu viên, Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Văn Lang.
Sinh năm 1990, TS Trương Hải Bằng là tác giả chính của công trình nghiên cứu “Tổng hợp xúc tác quang từ tính kích thích bởi vùng ánh sáng nhìn thấy CuFe2O4/Bi2WO6/mpg-C3N4 nhằm xử lý chất hữu cơ tổng trong nước”. Mục tiêu của công trình bao gồm tổng hợp và nghiên cứu ứng dụng hệ xúc tác quang composite từ tính ba thành phần CuFe2O4/Bi2WO6/mpg-C3N4 có hoạt tính dưới tác dụng của ảnh sáng khả kiến và khả năng thu hồi dễ dàng bằng từ tính nhằm phân hủy hiệu quả chất ô nhiễm hữu cơ (NOM) tổng trong xử lý nước mặt.
TS Trương Hải Bằng
Công trình có tính mới bao gồm: composite 3 thành phần kết hợp ưu điểm của CuFe2O4, Bi2WO6, mpg-C3N4 lần đầu tiên được tổng hợp, phân tích chuyên sâu và công bố. Quá trình xúc tác quang phân hủy của các thành phần hữu cơ và các nhóm có tính chất quang đặc trưng trong NOM được phân tích chuyên sâu ở mức độ phân tử. Công trình đã được công bố trên tạp chí Chemical Engineering Journal (Impact factor: 16.7, H-index: 309, đứng đầu nhiều chuyên ngành hẹp theo thang điểm H-index của Scimago).
8. TS Phạm Thanh Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
TS Phạm Thanh Tuấn Anh (sinh năm 1992), tác giả chính của công trình “Nghiên cứu chế tạo vật liệu màng mỏng dựa trên nền ô-xít kẽm ứng dụng chuyển hóa nhiệt thải dư thành năng lượng điện và bảo vệ môi trường”. Công trình này tập trung vào cấu trúc và ứng dụng vật liệu ZnO ở dạng màng mỏng, nhằm phù hợp thay thế, tích hợp và ứng dụng cho các loại cảm biến, pin trong các linh kiện, thiết bị đeo cơ thể.
TS Phạm Thanh Tuấn Anh
Công trình đã được công bố và báo cáo tại các hội nghị quốc tế, quốc gia, trong đó có 12 công bố khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín (11 bài xếp hạng Q1, 1 bài xếp hạng Q2) và vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, triển khai.
9. TS Nguyễn Viết Hương, Phó trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa.
Sinh năm 1990, TS Nguyễn Viết Hương, tác giả chính của công trình nghiên cứu “Phát triển công nghệ lắng đọng đơn lớp nguyên tử (ALD) ở áp suất khí quyển”. ALD được biết đến là một trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, cho phép kiểm soát quá trình lắng đọng màng mỏng nano đến từng đơn lớp nguyên tử.
TS Nguyễn Viết Hương
Tuy nhiên, công nghệ ALD truyền thống có chi phí cao do yêu cầu hệ thống chân không phức tạp và tốc độ lắng đọng chậm, khiến nó chưa phù hợp với nhiều ứng dụng công nghiệp đòi hỏi diện tích phủ lớn và tốc độ nhanh.
Kế thừa các nghiên cứu trước đó trên thế giới, tác giả đã cải tiến, thiết kế và phát triển hệ thống S-ALD đầu tiên trong nước, cho phép chế tạo màng mỏng nano ở nhiệt độ thấp, tốc độ cao, không sử dụng buồng chân không.
TS. Nguyễn Viết Hương đã công bố 23 công trình thuộc danh mục Q1 trên các tạp chí quốc tế uy tín liên quan đến công nghệ này.
10. TS. Trần Ngọc Quang, Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
TS Trần Ngọc Quang
TS Trần Ngọc Quang (sinh năm 1990), tác giả chính của công trình nghiên cứu “Generating Highly Active Oxide-Phosphide Heterostructure Through Interfacial Engineering to Break the Energy Scaling Relation Toward Urea-Assisted Natural Seawater Electrolysis”. Công trình này tiên phong trong việc kết hợp chất thải urê và nước biển tự nhiên để sản xuất nhiên liệu hydro xanh bằng công nghệ điện phân, góp phần tìm ra các giải pháp nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch hiện nay.
Nghiên cứu này cung cấp chất xúc tác rẻ và có nhiều trong tự nhiên nhằm thay thế các chất xúc tác kim loại quý hiếm và đắt tiền. Công trình được đăng trên tạp chí Journal of Energy Chemistry 97 (2024) 687–699, IF: 14, Top 4 Electrochemistry.