Thanh niên tiên tiến “hiến kế” xây dựng Đoàn

15:03 16/03/2019        1234



Thanh niên tiên tiến “hiến kế” xây dựng Đoàn

Nhịp sống trẻ | Thứ ba, 19/03/2019 17:35 (GMT+7) 

 

TTTĐ - Họ là thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác được Thành đoàn Hà Nội tuyên dương. Nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn (26/3/1931 – 26/3/2019), những gương mặt trẻ ưu tú này cùng “hiến kế” để xây dựng tổ chức Đoàn thêm vững mạnh.

Phùng Văn Quảng, sinh năm 1992, Bí thư chi đoàn thôn Vật Lại 2, Xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội là “thủ lĩnh” luôn gương mẫu tiên phong trong công tác tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Anh tổ chức các chương trình hội trại cho thanh thiếu niên tại khu dân cư, duy trì tốt Đội hình xung kích vệ sinh đường làng, ngõ xóm và đường thanh niên tự quản.

Chàng trai trẻ là đảng viên, nhiều năm liền trong ban công tác mặt trận, vận động nhân dân và thanh niên ủng hộ được hàng chục triệu đồng vào các quỹ như: Qũy vì người nghèo, Đền ơn đáp nghĩa, Vì Trường Sa thân yêu… Không chỉ hăng say công tác Đoàn, Phùng Văn Quảng còn làm nhiệm vụ của một công an viên giữ gìn trật tự an ninh khu vực thôn; tham gia hoạt động trấn áp tội phạm với các đối tượng nguy hiểm được cấp trên ghi nhận đánh giá cao.

Phùng Văn Quảng (áo xanh)

Phùng Văn Quảng (áo xanh)

Luôn tích cực tuyên truyền vận động đoàn viên, thanh niên viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, đảm bảo chỉ tiêu được giao. Nhiều năm liền, anh được tặng giấy khen, bằng khen các cấp trao tặng. Năm 2018, anh được Thành đoàn Hà Nội tuyên dương Bí thư chi đoàn giỏi Thủ đô…

Phùng Văn Quảng cho biết, anh áp dụng cách tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên qua loa truyền thanh, mạng xã hội faebook để kêu gọi tham gia các phong trào, cũng như truyền tải thông tin, thông điệp của tổ chức Đoàn, Hội các cấp đến đông đảo bạn trẻ.

“Trong thời đại công nghệ 4.0, việc tuyên truyền, đoàn kết tập hợp thanh niên trở nên dễ dàng hơn khi chúng ta biết tận dụng mạng xã hội và nhiều kênh thông tin qua internet. Mình cho rằng, đây là điều mà Đoàn Thanh niên các cấp cần chú trọng, tận dụng và khai thác triệt để tiềm năng của nó trong việc phát triển tổ chức Đoàn, Hội”.

Đào Quốc Bảo

Đào Quốc Bảo

Đào Quốc Bảo, sinh năm 1996, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Mỏ - Địa chất khóa XVII, Bí thư Chi đoàn Địa chất A – K59 có bảng thành tích đáng nể, với điểm trung bình chung năm học 2017 – 2018 là 3.0/4.0, điểm rèn luyện: 94/100. Anh đã kết nạp Đảng; là “Sinh viên 5 tốt” cấp trường 3 năm liên tiếp 2016 -  2018.

Quốc Bảo còn đoạt nhiều giải thưởng, cũng như công bố nhiều bài báo về nghiên cứu khoa học, đạt thành tích trong các cuộc thi, phong trào, chiến dịch của các cấp bộ Đoàn, Hội Sinh viên như: Tiếng hát sinh viên toàn quốc; thành tích xuất sắc trong chiến dịch Mùa hè xanh; xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên…

Với “bề dày” kinh nghiệm trong công tác Hội, phong trào Đoàn, Bảo cho rằng: “Tổ chức Đoàn cần đi sâu hơn vào giáo dục lý tưởng cho sinh viên, chứ không chỉ hoạt động đơn thuần. Đoàn cần nắm vững nhu cầu của thanh niên. Không những thế, Đoàn còn phải là cơ quan bình đẳng nhất trong quá trình “tuyển dụng”, để làm sao thật sự là bạn của thanh niên, định hướng cho người trẻ, chứ không thể đi sau thanh niên. Song song với đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn tiêu biểu, có lý tưởng vì xã hội, phẩm chất, năng lực, trình độ, xứng đáng kế thừa sự nghiệp của Đảng”.

Đối với anh, khó khăn nhất trong công tác Đoàn, Hội chính là thời gian. Bảo chia sẻ, các bạn sinh viên làm Đoàn, Hội để có thể vừa học vừa hoạt động tốt cần phân bổ lịch học phù hợp và chủ yếu vào 2 kỳ chính. Còn học kỳ hè có thể dành thời gian cho công tác Đoàn, Hội và tình nguyện. Vì học theo hệ thống tín chỉ nên sinh viên chủ động sắp xếp lịch học của mình không trùng vào thời gian diễn ra các hoạt động phong trào, ngoại khóa; Từ đó sẽ hoạt động công tác Đoàn, Hội tốt hơn.

Nguyễn Phương Linh

Nguyễn Phương Linh

Nguyễn Phương Linh, sinh năm 1998, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng Nhật Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội giỏi giang, xinh đẹp. Nữ “thủ lĩnh” câu lạc bộ giành hàng loạt giải thưởng như: Giải Nhất cuộc thi Procon 2018 cấp trường; Đạt Special Prize trong cuộc thi Procon 2018 tại Nhật Bản; “Học bổng Tài năng Samsung – STP 2018”. Cô còn nhận nhiều giấy khen, danh hiệu của Đoàn trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2018; là nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kĩ thuật năm 2018.

Theo Linh, một câu lạc bộ được thành lập phải có mục tiêu, đích đến rõ rang. Điều đó làm nên giá trị của câu lạc bộ. Các bạn sinh viên đến với câu lạc bộ, mong muốn trở thành thành viên và đóng góp cho câu lạc bộ vì họ nhận thấy những gì tổ chức hướng đến cũng là điều mà họ theo đuổi, cần thiết.

Khi câu lạc bộ thực hiện các hoạt động đạt được đúng mục đích ban đầu, đáp ứng tốt những gì thành viên mong muốn, thì tự khắc họ cũng sẽ cố gắng hết mình để phát triển câu lạc bộ bằng nhiệt huyết và đam mê.

“Cách tốt nhất để phát triển câu lạc bộ, đội, nhóm là chúng ta cần xác định được con đường để đến gần với mục tiêu ban đầu đặt ra và đi đúng con đường ấy. Có như vậy mới thu hút được những thành viên cùng sở thích, đam mê. Chính yếu tố con người sẽ quyết định cho sự thành công và phát triển của câu lạc bộ, góp phần thúc đẩy hoạt động Đoàn, Hội”,

Đặng Việt Trinh, Bí thư chi đoàn Địa bàn dân cư số 13, Đoàn phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội là cán bộ Đoàn sáng tạo, trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu. Cô gái trẻ cũng là chủ nhân của rất nhiều giải thưởng, danh hiệu.

Đặng Việt Trinh

Đặng Việt Trinh

Nhằm giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên thanh niên về truyền thống uống nước nhớ nguồn, hàng năm, Trinh luôn tham mưu, phối hợp với các đoàn thể khác tổ chức chùm hoạt động kỷ niệm nhân Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong 15/7, Ngày thương binh liệt sỹ 27/7; Tổ chức thành công các chương trình thiện nguyện; Tuyên truyền, thực hiện các hoạt động nhân đạo tại địa bàn. Cô gái nhận nhiều Bằng khen của Thành đoàn Hà Nội, Trung ương Hội LHTN Việt Nam…

Đặng Việt Trinh chia sẻ, đặc thù của chi đoàn ở địa bàn dân cư là hoạt động ngay tại chính địa phương nơi các bạn đoàn viên, thanh niên sinh sống. Vì vậy, họ nắm chắc được tình hình khu dân cư. Tuy nhiên, công tác đoàn kết, tập hợp đoàn viên, thanh niên ở đây khá khó khăn bởi các bạn trẻ thường tập trung học tập ở trường, đi làm tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Nữ “thủ lĩnh” chi đoàn cho rằng, cách khắc phục cần thiết đối với việc thu hút tập hợp đoàn viên tại các chi đoàn địa bàn dân cư là cần đổi mới hình thức tổ chức sinh hoạt chi đoàn; chủ động, sáng tạo thành lập các câu lạc bộ sinh để thu hút đoàn viên, thanh niên.

Chị Lê Thanh Hằng

Chị Lê Thanh Hằng

Chị Lê Thanh Hằng hiện là Bí thư Đoàn Thanh niên VNPT Hà Nội. Trong năm qua, cùng với Ban chấp hành Đoàn VNPT Hà Nôi, chị nỗ lực hoàn thành tốt công tác, nhiệm vụ chính trị của mình, góp phần đưa Đoàn VNPT Hà Nôi ngày càng lớn mạnh, phát triển. Chị được khen thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2019; nhận Bằng khen của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam năm 2019, Bằng khen Phụ nữ hai giỏi của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019…

Chị Hằng chia sẻ, khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp là làm sao để tập hợp, gắn kết được đoàn viên, thanh niên tham gia hoạt động trong khi nhiều cán bộ Đoàn hay đoàn viên, thanh niên vừa được giao nhiệm vụ chuyên môn, với áp lực công việc lớn, bên cạnh đó, độ tuổi Đoàn cũng cao hơn, nên dễ dẫn đến sự giảm sút tính xung kích, nhiệt huyết. Vậy nên, chúng ta cần trẻ hóa đội ngũ cán bộ Đoàn.

Nữ “thủ lĩnh” Đoàn VNPT Hà Nội cho rằng, hoạt động đoàn không đơn thuần là phong trào, mà cần gắn với sản xuất kinh doanh, hỗ trợ và đồng hành cùng chuyên môn hoàn thành kế hoạch của các đơn vị, doanh nghiệp...

Đoàn Thanh niên cần là một kênh giúp lãnh đạo doanh nghiệp tiếp xúc thị trường, gắn kết với các đơn vị để tập trung giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, từ đó cung cấp các sản phẩm của đơn vị đến với đông đảo khách hàng.

 BÌNH MINH

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC