Thanh niên Đông Anh "thổi hồn" vào gỗ gìn giữ nghề truyền thống hàng trăm năm

21:29 04/02/2022        539



Anh là  người thợ tại thôn Thiết Úng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội - Một thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi tại địa phương luôn ấp ủ tiếp nối nghề mộc truyền thống của quê hương, gia đình. Bằng tâm huyết, tài năng, sự nỗ lực của mình, anh Nguyễn Thành Lưu đã và đang góp sức trẻ xây dựng Nông thôn mới, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

Gìn giữ nghề truyền thống hàng trăm năm

Từ xa xưa, cách đây hàng trăm năm, làng mộc Thiết Úng (xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã nức tiếng bởi những nghệ nhân với đôi bàn tay tài hoa, tạo ra sản phẩm chạm khắc, tạc tượng gỗ mỹ nghệ độc đáo. Trải qua nhiều thế kỷ, người dân nơi đây vẫn miệt mài giữ gìn nghề truyền thống, cũng như tìm hướng phát triển du lịch trong dòng chảy cuộc sống hiện đại.

Anh Đào Công Đinh, Chủ hộ sản xuất Kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ Đinh Hoà chia sẻ: “Tôi sinh ra trong gia đình làm đồ gỗ - nghề cha truyền con nối. Từ bé, tôi đã làm nghề này và hơn nữa, làng nghề Thiết Úng có bề dày gần 400 năm. Các mẫu mã sản phẩm chúng tôi làm nên đa dạng về tâm linh trong tâm trí của người Việt như: Đức Phật A Di Đà, Phật Bà Quan Âm Bồ Tát, Phật Chuẩn Đề…, ngoài ra còn các sản phẩm về tranh cảnh đĩa như: Đĩa tứ linh, cảnh tứ quý xuân - hạ - thu – đông…Tôi mang 3 sản phẩm đến với chương trình OCOP thì cả 3 đều được công nhận là OCOP 4 sao”.

Theo anh Đinh, dù là nghề truyền thống, nổi tiếng nhưng khó khăn vẫn là tìm thị trường cho đầu ra của sản phẩm. Bởi thế càng đòi hỏi những người thợ như anh luôn trau rồi luyện tay nghề, học hỏi công nghệ mới để làm ra sản phẩm tinh xảo hơn.

Khoảng chục năm trở lại đây, nhu cầu về sản phẩm đồ gồ mỹ nghệ trên thị trường tăng cao, nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ của thôn Thiết Úng đã lan rộng ra các thôn lân cận. Tuy nhiên, sản phẩm điêu khắc gỗ do các nghệ nhân, thợ giỏi thôn Thiết Úng vẫn là những sản phẩm có thương hiệu mạnh trên thị trường trong và ngoài nước.

Để làm ra một sản phẩm chạm khắc gỗ, công đoạn đầu tiên là xử lý gỗ nguyên liệu. Trước hết người thợ phải chọn được loại gỗ đảm bảo độ bền, chắc, ít cong vênh, rạn nứt, thớ gỗ phải dẻo mịn. Gỗ được chọn kỹ lưỡng, loại bỏ giác gỗ, đây là phần gỗ non phía ngoài cùng cây gỗ; Sau đó, được luộc nhiều ngày để đảm bảo gỗ không bị cong vênh do thời tiết…

Theo anh Đinh, nét độc đáo trong một tác phẩm của nghệ nhân nơi đây được thể hiện ở thần thái, nghệ thuật của từng pho tượng, sản phẩm. Đó là ở khuôn mặt, vóc dáng và các chi tiết minh họa, hay từ nụ cười, hai má hoặc đôi mắt... đều phải toát lên được sự đồng bộ, hài hoà, mềm mại và sinh động. Từ những chi tiết nhỏ cũng phải được điều khắc tinh xảo. Có như vậy mới tạo ra nét độc đáo, sinh động và đó cũng mới chính là nghệ thuật, lao động nghệ thuật chân chính của các nghệ nhân như anh Đinh và những người thợ trong làng.

Toả sáng bằng đôi bàn tay tài hoa, khối óc sáng tạo

Anh Nguyễn Thành Lưu cũng là một chủ hộ kinh doanh ở đây. Ông chủ cho biết, từ năm 1996, anh bắt đầu buôn bán và sản xuất đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ. Đây là nghề truyền thống của quê hương và gia đình anh từ rất nhiều năm về trước.

Anh Lưu bày tỏ: “Tôi yêu thích nghề của cha ông và muốn làm giàu bằng chính nghề này nên tiếp nối truyền thống sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ. Tôi và người thân tự đứng ra làm chủ hộ kinh doanh. Công việc đó đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình tôi”.

Thời gian đầu khởi nghiệp, dường như ai cũng gặp khó khăn nhất định. Anh Lưu cũng vậy, những ngày mới bắt đầu, dù đã được trao truyền kinh nghiệm nhưng tay nghề trẻ còn hạn chế, tác phẩm chưa đẹp, khó cạnh tranh với các cơ sở sản xuất khác trên địa bàn. Tuy nhiên anh không nản chí mà quyết tâm học hỏi, nâng cao tay nghề.

Để học nghề thủ công mỹ nghệ cần phải kiên trì, tỉ mỉ từng chi tiết mới có được những tác phẩm đẹp, tinh tế, giá trị và mọi người đón nhận. Suốt nhiều tháng ngày kiên trì theo đuổi nghề truyền thống, rèn tay nghề, đến nay, anh Lưu đã trở thành một tác giả nổi tiếng một vùng. Khi nhận thấy sản phẩm đồ gỗ anh làm ra, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, khách hàng tìm đến đặt hàng ngày một đông. Cùng với đó, anh cũng đầu tư thêm các thiết bị phục vụ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động.

Rút kinh nghiệm của những cơ sở sản xuất đồ gỗ đã thành công và thất bại, để tìm ra cho mình hướng đi đúng đắn, làm sao tồn tại, phát triển bền vững, ông chủ Nguyễn Thành Lưu tìm được những quan hệ bạn hàng làm ăn kinh doanh uy tín, không “chộp giật”, toả sáng bằng chính tài năng, đôi bàn tay và khối óc sáng tạo của mình. Những nét đẹp điêu khắc trên các tác phẩm mỹ nghệ như: Tượng gỗ Phật Di lạc, Đạt Ma ngồi thiền, Mục đồng thổi sáo chăn trâu, Thần Kim quy cõng cuốn thư, Phúc Lộc Thọ, Phù Dung Chim Trĩ…, người tiêu dùng đã bị anh chinh phục và chọn tiêu thụ sản phẩm.

Các tác phẩm của anh còn có nét riêng biệt, độc đáo được khách hàng yêu thích. Qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay cơ sở sản xuất kinh doanh của gia đình anh Lưu đã đứng vững trên địa bàn, có thương hiệu trên thị trường và được thành phố Hà Nội chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC