Nữ tiến sĩ 8X từ Mỹ trở về, ứng dụng AI chẩn đoán Alzheimer

16:16 27/08/2024        10



Vượt lên giới hạn bản thân

TS. Hà Thị Thanh Hương (sinh năm 1989) hiện là Trưởng bộ môn Y học tái tạo, Trưởng phòng Thí nghiệm sức khỏe não bộ, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).

Trước đây, chị học chuyên về Sinh học. Từ khi đi theo con đường nghiên cứu ứng dụng công nghệ, chị đã nỗ lực học từng ngày. Theo nữ tiến sĩ 8X, khi đặt mình ra vùng không an toàn, bắt buộc phải nỗ lực phát triển liên tục để vượt lên giới hạn bản thân, chinh phục các mục tiêu đề ra.

TS. Hà Thị Thanh Hương chia sẻ tại lễ tuyên dương Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu

Năm 23 tuổi, chị Hương nhận học bổng nghiên cứu sinh chuyên ngành Thần kinh học tại Đại học Stanford (Mỹ). Sau 6 năm học tập, nghiên cứu, hoàn thành chương trình tiến sĩ, chị quyết định trở về nước làm việc, cống hiến với khát khao tìm kiếm giải pháp thay đổi thực trạng chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam.

Chia sẻ về con đường theo đuổi ngành mà chị chọn, TS. Hà Thị Thanh Hương cho biết, những năm học THPT, chị đã nhiều lần theo chân người thân đi khám tại các bệnh viện tâm thần. Nhận thấy những hạn chế của hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần, chị mong muốn cải thiện tình trạng này.

Trong quá trình nghiên cứu chị Hương nhận thấy, căn bệnh Alzheimer ngày càng phổ biến và trở thành gánh nặng của nền y tế. Đây là một căn bệnh gây tử vong cao nhất ở người lớn tuổi.

Trong bối cảnh tốc độ già hoá dân số ở Việt Nam rất nhanh (đứng thứ 7 thế giới), hướng nghiên cứu về Alzheimer ngày càng trở nên cấp thiết. Vì thế, từ năm 2018, khi mới trở về Việt Nam, chị đã tìm cách kết nối, trao đổi với nhiều bác sĩ ở các bệnh viện để tìm hiểu về thực trạng nghiên cứu, điều trị căn bệnh Alzheimer.

Cố gắng không chỉ cho bản thân...

Từ sự trăn trở, chị cùng nhóm cộng sự thực hiện dự án nghiên cứu Brain Analytics, phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo - AI để phân tích hình ảnh MRI sọ não người bệnh và chẩn đoán bệnh Alzheimer một cách chính xác, tự động, nhanh (trong vòng 7 giờ đồng hồ). Sản phẩm có khả năng áp dụng rộng rãi, giá thành phù hợp với thu nhập của người Việt.

Chị Hương cùng các bạn trẻ nghiên cứu khoa học

TS. Hương cho biết, hiện phần mềm đã được huấn luyện và kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ADNI (Mỹ) với độ chính xác khoảng 96%. Dự án đã ứng dụng công nghệ trong giải quyết các bài toán y khoa. Phần mềm này đã được các bác sĩ và sinh viên y khoa thuộc 8 bệnh viện trên toàn quốc trải nghiệm và đánh giá. 80% trong số họ hài lòng với những tính năng mà phần mềm mang lại. Đặc biệt, dự án Brain Analytics đã kết nối được với gần 300 y, bác sĩ tại 42 bệnh viện khắp cả nước.

Hiện nay, nhóm nghiên cứu Brain Health Lab (Phòng nghiên cứu sức khỏe não bộ) do TS. Hà Thị Thanh Hương thành lập tập trung giải quyết những vấn đề liên quan tới sức khỏe não bộ, nhất là các vấn đề đặc trưng ở Việt Nam.

Nghiên cứu sức khoẻ não bộ, TS. Hà Thị Thanh Hương cho biết, đây là công việc rất khó, khó từ việc nghiên cứu đến kêu gọi tài trợ nghiên cứu, thế nhưng trên hành trình đó, chị đã thấy sự đam mê của các bạn trẻ. Chị hi vọng, những người trẻ sẽ tiếp nối con đường của chị để thay đổi bức tranh tổng thể về sức khoẻ tâm thần ở Việt Nam.

Theo nữ tiến sĩ, phụ nữ thế kỷ 21 có rất nhiều lựa chọn về nghề nghiệp nhưng không có nghĩa là ít gian nan, thử thách. Dù chọn đi trên bất kỳ con đường nào, mỗi chúng ta đều cần nỗ lực, cố gắng không chỉ cho bản thân và còn cho thế hệ mai sau.

Nhắn nhủ đến các bạn trẻ, chị chia sẻ: “Khi quyết tâm thực hiện dự án, công việc nào đó, các bạn đừng nghĩ mình không có năng khiếu, vì việc một người có đi đến đích thành công hay không thì năng khiếu chỉ là một phần nhỏ, còn sự nỗ lực đóng vai trò rất quan trọng”.

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC