12:48 22/10/2024 24
Nhung hiện là sinh viên ngành Công nghệ Vật liệu, trường Đại học Phenikaa. Bên cạnh thành tích học tập xuất sắc, cô gái trẻ còn đạt nhiều giải thưởng trong nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, Nhung có 2 công bố quốc tế thuộc danh mục Q1. “Mình bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học vào cuối năm thứ hai đại học. Đây có thể là thời điểm khá muộn so với nhiều người nhưng với mình đó là lúc phù hợp, khi bản thân đã sẵn sàng về kiến thức, kỹ năng và thời gian”, Nhung chia sẻ.
Hạnh Nhung tham gia nghiên cứu khoa học từ năm thứ hai đại học
Trong rất nhiều đề tài đạt giải Nhất, Nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, Nhung tâm đắc nhất nghiên cứu có sự liên ngành của vật liệu, công nghệ nano, hóa học, điện tử và cả công nghệ thông tin. Hướng nghiên cứu của cô gái trẻ tập trung chủ yếu vào nghiên cứu, chế tạo các loại vật liệu nano có kích thước rất rất nhỏ, vật liệu tổ hợp nanocomposie ứng dụng trong lĩnh vực cảm biến.
Đó là loại cảm biến có thể phát hiện được dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, các hợp chất hóa học trong thực phẩm, nông sản ở hàm lượng có thể đạt tới mức nhỏ hơn 1/tỉ mol/L (tương đương khoảng 0,001mg hóa chất/kg thực phẩm). Nếu áp dụng vào thực tiễn, nghiên cứu của Nhung sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình kiểm soát chất lượng thực phẩm trước khi tiêu thụ, xuất khẩu, tiến xa hơn nữa có thể kiểm soát và bảo vệ môi trường bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chí về tính khoa học.
Hạnh Nhung đạt nhiều thành tích xuất sắc trong cả học tập và rèn luyện
Không chỉ đề tài trên, hầu như các nghiên của Nhung đều tập trung vào chế tạo, khai thác các tính chất ưu việt của vật liệu mới và công nghệ nano. Theo cô gái trẻ các loại vật liệu mới ứng dụng công nghệ nano được ra đời nhằm phát huy tính chất sẵn có và tăng cường thêm tính mới góp phần đưa khoa học tới gần thực tiễn.
Hiện nay công nghệ nano và các loại vật liệu mới không chỉ được ứng dụng trong khoa học mà còn phổ biến rộng rãi trong đời sống như trong lĩnh vực y tế, xây dựng, cảm biến, kinh tế... Nghiên cứu của Nhung đã và đang góp phần vào sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước cũng như giải quyết ô nhiễm, vấn đề đang được xem là cấp bách toàn cầu trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều người cho rằng, trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật nữ giới gặp nhiều rào cản hơn nam giới. Tuy nhiên, Nhung không suy nghĩ như vậy. Cô gái trẻ cho biết, bản thân và các bạn nữ học tập, nghiên cứu trong khối ngành kỹ thuật luôn nhận được “sự ưu tiên”, giúp đỡ khi cần; nhất là liên quan đến các yếu tố về thể lực do môi trường học tập, nghiên cứu phần lớn là các bạn nam.
“Đúng là học kỹ thuật, công nghệ sẽ không năng động được như các khối ngành khác nhưng mình cũng không nghĩ con gái kỹ thuật khô khan. Chúng mình vẫn tham gia song hành các hoạt động học tập, nghiên cứu và phong trào sinh viên. Chính những hoạt động này đã góp phần làm đời sống sinh viên của mình năng động và màu sắc hơn rất nhiều”, Nhung chia sẻ.
Bên cạnh học tập và nghiên cứu, Nhung hiện là một đảng viên đồng thời giữ chức danh Ủy viên Ban chấp hành Đoàn trường Đại học Phenikaa. Vì vậy, cô gái trẻ tham gia rất nhiều hoạt động phong trào sinh viên tại trường cũng như trên địa bàn thành phố Hà Nội và toàn quốc.
Nhung cho biết, tham gia các hoạt động Đoàn, Hội giúp cô gái trẻ rèn luyện nhiều kỹ năng và trưởng thành hơn, có thể kể đến như: Kỹ năng giao tiếp, giải quyết tình huống và làm việc, lãnh đạo tập thể. Hoạt động Đoàn cũng giúp Nhung mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập, nghiên cứu khoa học và có một mạng lưới xã hội tốt.
Hạnh Nhung tham gia hoạt động Đoàn
Từ các hoạt động tích cực, Nhung mong muốn có thể khuyến khích và lan tỏa niềm đam mê khoa học tới các bạn sinh viên khác trong trường. Cô gái trẻ cũng mong góp phần nghiên cứu, đề xuất, thực thi những giải pháp mang tính cộng đồng, từ đó có thể đưa khoa học vào đời sống, phát triển con người.
Dự định của Nhung sau khi hoàn thành chương trình đại học sẽ tiếp tục theo đuổi nghiên cứu và học tập tại các bậc cao hơn. Cô gái trẻ đặt quyết tâm sẽ hoàn thành bậc học thạc sĩ, tiến sĩ và gắn bó với ngành hóa, vật liệu.
“Bên cạnh vai trò là một nhà nghiên cứu, mình mong muốn có thể trở thành một giảng viên, diễn giả. Bởi đây sẽ là cơ hội rất tốt giúp mình có thể chia sẻ tới nữ sinh viên nói riêng, bạn trẻ nói chung về kiến thức, kinh nghiệm, hành trình nghiên cứu khoa học công nghệ và khuyến khích các bạn ấy theo đuổi lĩnh vực này”, Nhung tâm sự.