Những điểm mới về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng

14:31 13/04/2021        1505



Qua hai nhiệm kỳ Đại hội XI và XII (10 năm), việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế tuy đạt được một số kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa tạo được bước chuyển căn bản sang mô hình phát triển kinh tế mới. Hơn nữa, trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực và đất nước, nhất là tác động của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đề ra nhiệm vụ “đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng” với nhiều nội dung mới, yêu cầu mới[3].

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển “từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng chất lượng, hiệu quả, tính bền vững” là chủ trương đã được Đảng đề ra từ Đại hội XI[1]. Đại hội XII tiếp tục xác định “Mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh, bền vững”[2]. Qua hai nhiệm kỳ Đại hội XI và XII (10 năm), việc thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế tuy đạt được một số kết quả tích cực, nhưng vẫn chưa tạo được bước chuyển căn bản sang mô hình phát triển kinh tế mới. Hơn nữa, trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực và đất nước, nhất là tác động của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đề ra nhiệm vụ “đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng” với nhiều nội dung mới, yêu cầu mới[3].

1. VỀ MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHUNG

Điểm mới của Văn kiện Đại hội XIII là yêu cầu việc tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng cần phải được đẩy mạnh hơn, thực hiện mạnh mẽ hơn, với những giải pháp đầy đủ, đồng bộ hơn trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đạt mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế ở mức cao hơn, cụ thể là:

Văn kiện Đại hội XIII xác định cần phải “đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng”, “chuyển mạnh” nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng mới, “tạo bứt phá” trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đại hội XII đề ra các chỉ tiêu phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ (năm 2020): Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế khoảng 30-35%; năng suất lao động xã hội bình quân tăng 5%/năm. Đại hội XIII đề ra chỉ tiêu đến năm 2025: Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm và đến năm 2030: đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm.

Văn kiện Đại hội XIII xác định rõ trong mô hình tăng trưởng kinh tế mới, việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh phải dựa trên tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nhân lực chất lượng cao; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực, các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, có công nghệ cao, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; cơ cấu lại các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đổi mới quản lý theo hướng hiện đại... Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế được đẩy mạnh bằng động bộ nhiều giải pháp, trong nhiều ngành, lĩnh vực.

2. CHỦ TRƯƠNG MỚI, QUAN TRỌNG ĐỂ ĐỔI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số. Đại hội XIII xác định phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính của đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng như của tăng trưởng kinh tế; từ đó, yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ; ưu tiên chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế; khuyến khích nhập khẩu, chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới, nâng cao năng lực hấp thu, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Phát triển một số ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn, công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, Internet kết nối vạn vật, an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp, cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa; chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, các tổ chức và hoạt động xã hội. Lấy việc nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế là tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của khoa học - công nghệ.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế của đất nước ngày càng sâu, rộng. Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục đào tạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển con người toàn diện. Chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia, đội ngũ nhân lực kỹ thuật và quản trị công nghệ, quản trị doanh nghiệp. Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong quản lý, quản trị Nhà nước. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nghề nghiệp, đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi ngành nghề do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, có kỹ năng làm việc, tư duy sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cơ cấu lại, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số; tập trung phát triển những ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghiệp cơ khí, chế tạo, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ mới như công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ sinh học, sản xuất ôtô, robot, thiết bị, phương tiện vận hành tự động, điều khiển từ xa, sản phẩm số, công nghiệp an toàn thông tin, công nghiệp dược phẩm, sản xuất chế phẩm sinh học, công nghiệp môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đi đôi với áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu. Dựa trên công nghệ mới, hiện đại để phát triển các ngành công nghiệp vẫn còn lợi thế (chế biến nông sản, dệt may, da giày...) tạo nhiều việc làm, hàng xuất khẩu, tập trung vào các khâu có giá trị gia tăng cao. Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành mũi nhọn công nghiệp quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 25% GDP, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP và đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 40% GDP, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP.

Nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, năng lực thiết kế, thi công xây lắp, quản lý xây dựng theo hướng tiên tiến, hiện đại, đủ sức thực hiện những công trình xây dựng lớn, hiện đại, phức tạp trong nước và thế giới. Phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; trong đó, ưu tiên phát triển những công nghệ tiên tiến, hiện đại, mức độ tự động hóa cao, sử dụng tối đa công nghệ số, công nghệ nano, vật liệu không nung, sử dụng nhiên liệu tái chế, các loại chất thải để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, phát triển kinh tế tuần hoàn.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát huy tiềm năng, lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuẩn mực quốc tế, có giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững. Trên cơ sở bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển các loại cây, con có lợi thế, có giá trị cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường, thích ứng với điều kiện đất đai, khí hậu, biến đổi khí hậu ở từng vùng. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ trong mọi khâu, mọi lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp, nhất là công nghệ gien, công nghệ sinh học, công nghệ số trong sản xuất, quản lý sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, mạng sản xuất, nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Quan tâm tới xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, tuân thủ quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, nhất là những dịch vụ có lợi thế, dịch vụ có giá trị gia tăng cao trên cơ sở ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ số, các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung phát triển mạnh một số ngành dịch vụ như: du lịch, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, logistic, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn pháp lý... Hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kiểm toán, các dịch vụ y tế, giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ, dịch vụ văn hóa, thể thao... Nâng cao tính chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại theo các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế, khả năng cạnh tranh quốc tế của các dịch vụ.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng với một số công trình hiện đại. Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông, thủy lợi, năng lượng, hạ tầng kỹ thuật số để khắc phục cơ bản những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển, tăng cường kết nối với các vùng, các trung tâm kinh tế trong nước, kết nối với khu vực và quốc tế. Xây dựng cơ chế đẩy mạnh huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, đa dạng hóa hình thức đầu tư trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.

Tập trung xây dựng phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau, ưu tiên đoạn ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Quan tâm đúng mức đến phát triển giao thông đường sắt, chuẩn bị triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đẩy nhanh tốc độ xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ quan trọng; tuyến vành đai đô thị lớn, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Triển khai xây dựng giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành; mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển.

Nâng cấp, phát triển hạ tầng thủy lợi, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng, nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi theo hướng da mục tiêu, bảo đảm an ninh nguồn nước gắn với phòng chống thiên tai. Đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng (cống, đập, đê sông, đê biển ngăn mặn, giữ nước ngọt, chống sạt lở...) ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, chống ngập úng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng năng lượng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện và tuyến tải điện, khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, sinh hoạt của nhân dân ở mọi địa phương, vùng, miền; đồng thời, bảo đảm an toàn và chống thất thoát điện, phấn đấu tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1-1,5% năm.

Xây dựng và phát triển đồng bộ, tạo bứt phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số, xã hội số. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN, Internet băng thông rộng phủ 100% các xã, phát triển mạng 5G, xây dựng hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu ngành, vùng, địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin.

Đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, lực lượng chủ công, trực tiếp thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Hoàn tất việc sắp xếp lại, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu, giá trị truyền thống của doanh nghiệp cổ phần hóa. Đến năm 2025 hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước, cơ bản xử lý xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa. Củng cố, phát triển doanh nghiệp nhà nước ở những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực quan trọng với đất nước nhưng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư, nhất là 4 lĩnh vực mà Nhà nước cần đầu tư và nắm giữ vốn theo quy định Luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp[4]. Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là chuyển đổi số, các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hình thành đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước chuyên nghiệp, có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức tốt; quản trị doanh nghiệp hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc thành lập, hoạt động, phát triển, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp tư nhân. Cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường... Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở rộng thị trường; hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Khuyến khích, hỗ trợ đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, các hợp tác xã, các tổ chức cung ứng dịch vụ công tự chủ, hoạt động theo cơ chế thị trường:

Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, năng lực kiến tạo phát triển của Nhà nước. Tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức nhà nước các cấp, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp; thực hiện đúng vai trò, chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm chấp hành pháp luật nghiêm minh. Cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh. Phấn đấu đến năm 2030, môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hướng tới chính phủ số, chính quyền số. Tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước; xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, liên thông các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, nhà ở, bảo hiểm, y tế, giáo dục, doanh nghiệp... Hoàn thiện các hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công các cấp kết nối với cổng dịch vụ quốc gia. Thúc đẩy việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, hướng tới cơ quan nhà nước “không giấy tờ”. Phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.

Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp. Phát triển các hoạt động các dịch vụ pháp lý và các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. Nâng cao hiệu quả và thời gian giải quyết tranh chấp, thi hành án theo đúng quy định của pháp luật./.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Thạo

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr.107, 191.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, H, 2016, tr.87, 280.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H, 2021, t.1, tr.114, 115, 120-127, 217, 218, 227-230; t.2, tr.104-114, 121-124, 146-149.

[4] 4 lĩnh vực là: (1) Cung cấp sản phẩm dịch vụ công thiết yếu cho xã hội; (2) trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh;  (3) lĩnh vực độc quyền tư nhân; (4) ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC