Những chuyển biến mạnh mẽ từ công tác chuyển đổi số của thành phố Hà Nội

09:49 15/07/2023        377



Chuyển đổi số với việc xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội.

Nhiều kết quả tích cực

Từ năm 2022 đến nay, mặc dù chưa có các văn bản quy phạm về chuyển đổi số nhưng ngay sau khi Thành ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tại tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị của thành phố.

Nghị quyết đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực và các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội của thành phố. Đến nay, toàn bộ hệ thống chính trị của TP đã vào cuộc, nhận thức rõ vai trò của chuyển đổi số và đã triển khai các nhiệm vụ một cách đồng bộ, theo lộ trình chung của thành phố.

Kết quả bước đầu thực hiện chuyển đổi số được ghi nhận đến 6 tháng đầu năm 2023, cho thấy, Hà Nội là một trong các tỉnh/thành phố đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

Các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến chuyển đổi số năm 2022 được nâng cao, trong đó có chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 24/63 tỉnh/thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2021.

Bên cạnh việc ban hành các Chương trình, Kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ cụ thể, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo để trong thời gian ngắn, các hệ thống lớn, dùng chung toàn thành phố đã hoàn thành: Hệ thống thông tin báo cáo; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

Hà Nội là một trong các tỉnh/thành phố đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính

Cùng với đó là các quy định, quy chế kèm theo để đảm bảo vận hành, khai thác các hệ thống thông tin, như: Quy chế đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động CQNN thành phố đã hoàn thành trong quý I năm nay (Quyết định số 2223/QĐ-UBND), quy chế hoạt động hệ thống thư điện tử thành phố…

Về hạ tầng số, trung tâm dữ liệu chính của thành phố đang được tập trung triển khai để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV năm nay. Cùng với đó là tiếp tục duy trì, bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt mạng diện rộng WAN của thành phố, Hệ thống giao ban trực tuyến cả thành phố (đã được triển khai tới 3 cấp chính quyền).

Hà Nội cũng đang phối hợp với các doanh nghiệp tập trung triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại bộ phận một cửa của các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Đến nay, trên toàn TP đã cấp khoảng 10 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện dịch vụ công trực tuyến của TP.

Về phát triển dữ liệu, năm 2023, thành phố Hà Nội đã ban hành Danh mục dữ liệu mở của thành phố (tại Quyết định số 3478/QĐ-UBND ngày 4/7/2023) là những dữ liệu chuyên ngành sẽ được triển khai chia sẻ trong nội bộ cơ quan nhà nước và với công dân tổ chức trong thời gian tới.

Đồng thời, thành phố đã chỉ đạo triển khai Cổng dữ liệu thành phố và hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của Thành phố (LGSP). Đây là 2 hệ thống cơ bản làm nền tảng để các đơn vị tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong cơ quan nhà nước.

Các cơ sở dữ liệu của các ngành được giao triển khai đã và đang dần hình thành, trong đó tập trung một số cơ sở dữ liệu quan trọng, như: Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu đất đai, cơ sở dữ liệu cán bộ công chức…

Điểm nhấn công tác cải cách hành chính

Là địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ công dân khi tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số trong việc thực hiện tương tác với chính quyền, cải cách hành chính là một nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong công tác chỉ đạo, điều hành được các cấp chính quyền thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Xác định đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển, Hà Nội đã quyết liệt, nỗ lực đổi mới trong chỉ đạo điều hành, tích cực cắt giảm thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. Theo đó, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, bổ sung, sáng tạo các mô hình nhằm giảm thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính.

Điển hình, tại UBND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) đã ra mắt mô hình giải quyết thủ tục hành chính “Ngày kiểu mẫu về cải cách thủ tục hành chính - trả kết quả ngay khi tiếp nhận hồ sơ” mang lại sự thuận tiện cho người dân.

Việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô

Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân, Công Minh Tuấn cho hay: Mô hình đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần cải thiện và nâng cao điểm số cải cách hành chính của phường. Qua khảo sát thực tế cho thấy, cơ quan phường Nhật Tân luôn được đánh giá là đơn vị có chỉ số hài lòng cao với người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch.

Cùng với phường Nhật Tân, các đơn vị khác của quận Tây Hồ với tinh thần sáng tạo đã nâng cao chất lượng cải cách hành chính phục vụ lợi ích của người dân trên địa bàn. Quận đã được ghi nhận và đánh giá về mức độ hài lòng của người dân và chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 4 toàn thành phố. Quận Tây Hồ đã cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân qua các hình thức như cổng điện tử, niêm yết bảng tin, zalo.

Đồng thời, quận nâng cấp các trang thiết bị mới, hiện đại tại bộ phận "một cửa" của các phường, đáp ứng tình hình hiện nay. Trong thời gian tới, quận tiếp tục tập trung số hóa các hồ sơ lưu trữ, tạo tiền đề quan trọng cho việc chuyển đổi số.

Mới đây nhất, từ ngày 5/7, mô hình sáng kiến Ngày thứ tư “tốc ký” được UBND quận Hai Bà Trưng đưa vào hoạt động tại bộ phận “một cửa” được kỳ vọng là một giải pháp hữu hiệu giúp ngày càng nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan chính quyền.

Bên cạnh đó, tại bộ phận “một cửa” UBND quận Hai Bà Trưng đã đưa vào mô hình quét mã QR để công dân thực hiện các công việc: Nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán chi phí giải quyết thủ tục hành chính, đóng góp ý kiến về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.

Có thể nói, chuyển đổi số là một quá trình thường xuyên, liên tục đặc biệt với quy mô rất lớn của thành phố 10 triệu dân thì đây là khối lượng công việc không nhỏ nhưng với quyết tâm chính trị của thành phố, thành phố Hà Nội chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

 Báo Tuổi trẻ Thủ đô

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC