Như ngụm nước mát giữa sa mạc

09:40 10/04/2019        1125



TTO - Tin xấu nhiều đến mức mỗi khi đọc được một câu chuyện tình người, tôi như người khát vớ được một ngụm nước mát lạnh giữa sa mạc đầy tin tức xấu.

Sáng 8-4, bà Lê Thị Hương, giám đốc Sở GĐ-ĐT Quảng Trị, đã trao tặng giấy khen cho 3 học sinh Trường THPT Cam Lộ (Quảng Trị) đã trả lại tài sản cho người đánh rơi.

Trước đó, Phạm Đình Thuận (học sinh lớp 11A1) nhặt được điện thoại iPhone 7 và đã trả lại người đánh mất. Trần Bảo Nguyên (học sinh lớp 11A1) trên đường đi học về nhặt được ví tiền và giấy tờ tùy thân cũng đã mang đến công an huyện để trình báo.

Ngày 2-4, Phan Thị Hiền (học sinh lớp 12A1) nhặt được ví có 1,3 triệu đồng và các giấy tờ tùy thân, nữ sinh này nhanh chóng mang đến công an huyện trình báo để trả lại chủ nhân.

Những hành động đẹp này đã lần lượt được đăng tải và lan tỏa trên mạng cũng như được khen tặng kịp thời, lan tỏa những câu chuyện đẹp trong giới trẻ.

 

 

Như ngụm nước mát giữa sa mạc - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Hương trao giấy khen cho 3 học sinh có hành động đẹp tại Trường THPT Cam Lộ vào sáng 8-4 - Ảnh: THÁI ĐỨC

Một lần tôi gặp hai cậu bé bán vé số ngồi bên thềm một quán nước, nạo dừa ăn ngon lành. Hai trái dừa chị bán nước giải khát cho, hai cái thìa chị bán thịt gần đó cho mượn. Hai cậu bé hồn nhiên giữa tình người ở Sài Gòn.

Tôi tóm gọn vài dòng câu chuyện dễ thương đăng lên Facebook kèm tấm hình hai đứa trẻ cùng bữa sáng ân tình. 

Bức hình ngay lập tức nhận được hàng trăm lượt thích và nhiều bình luận tích cực. Chính bản thân tôi cũng thấy vui, cùng bạn bè bước vào ngày mới. 

10 năm sử dụng mạng xã hội, giờ tôi thấy rằng mặt trái của mạng xã hội thời gian gần đây như một sa mạc khô cằn tình người. Quá nhiều những chuyện xấu được đăng tràn lan. Những đôi tay hằn học luôn sẵn sàng gõ phím thành những lời đay nghiến, thóa mạ và công kích nhau trên thế giới ảo.

Tin xấu nhiều đến mức mỗi khi đọc được một câu chuyện tình người, tôi như người khát vớ được một ngụm nước mát lạnh giữa sa mạc đầy tin tức xấu. 

Chia sẻ gì, đọc gì, bình luận gì do góc nhìn của mỗi người. Chuyện ở tận Ấn Độ, một cậu bé một tay cầm tiền, một tay cầm chú gà con đến bệnh viện nhờ bác sĩ cứu con gà bởi cậu bé tin rằng bác sĩ có thể hồi sinh con gà tội nghiệp mà mình đạp xe cán phải. Cư dân mạng nức lòng với câu chuyện nơi xa xôi này. 

Câu chuyện này đã đi ngược hoàn toàn với những tin tức hằng ngày như gây tai nạn bỏ trốn, chuyện người lớn trốn tránh trách nhiệm, hành vi của mình... 

Chuyện tử tế trên mạng có thể nhỏ và không mới như hình ảnh những bình trà đá có dòng chữ "miễn phí" mọc lên khắp nơi, nó có thể xoa dịu bức xúc cuộc sống với bao thứ áo cơm, thuế, phí... 

Cũng trên mạng, chuyện những người trẻ cầm trên tay thẻ hiến tạng, sẵn sàng cống hiến thân thể mình cho y khoa khiến chúng ta nghĩ gì?

Thực ra, cái tốt như những mạch nước ngầm chưa được khơi thông bởi những góc nhìn tích cực. Ai cũng cần tưới tắm trong những dòng nước mát lành. Vậy ai là người đào giếng?

Theo TTO

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC