Nhớ lời Bác dặn: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”

21:27 05/11/2020        3264



Suốt cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và cái đích cuối cùng là giải phóng con người. Chính vì vậy, vấn đề con người luôn được Bác quan tâm chăm lo chu đáo.

Trong muôn vàn mối quan hệ phong phú, phức tạp mà mỗi người đều phải xử lý hàng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh quy vào ba mối quan hệ chủ yếu nhất: Đối với người, đối với việc và đối với bản thân mình. Trong "đối với người", tức là mối quan hệ giữa người với người, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng nhân lên cái thiện trong các mối quan hệ ấy. Do đó, ở Bác, chúng ta thấy thấm đượm chủ nghĩa nhân văn cả trong lời nói và hành động. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc để lại, Người còn căn dặn: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Do đặc thù hoạt động quân sự, nhất là trong chiến tranh, tình đồng chí, đồng đội trong quân đội, gắn bó sâu đậm hơn so với các hoạt động xã hội khác. Bởi, chiến tranh là sự thử thách khắc nghiệt nhất, không chỉ đối với mọi quốc gia, một dân tộc, một chế độ; mà nó còn thử thách nghiêm khắc đối với từng cá nhân, từng người lính giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Do đó, trong chiến tranh, tình đồng đội là thiêng liêng, cao cả. Trận đánh càng ác liệt, tình thương yêu đồng đội càng cao, tất cả vì mục tiêu chiến thắng, nên mọi người không ngại hy sinh, người trước ngã xuống, người sau tiến lên; sẵn sàng xả thân, nhận khó khăn, sự ác liệt về mình, nhường thuận lợi cho đồng đội. Tình đồng đội là truyền thống tốt đẹp của quân đội ta, quân đội do Đảng và Bác Hồ sáng lập, giáo dục và rèn luyện. Nó thuộc về bản chất và truyền thống của Quân đội nhân dân, là bản chất truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ

Ngày nay, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, vấn đề đặt lên hàng đầu là xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, mặt khác phải luôn chăm lo xây dựng tình thần đoàn kết thống nhất, trên dưới một lòng. Đó chính là cội nguồn của mọi thành công trong mỗi cá nhân cũng như tập thể. Điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn về xây dựng tình đồng chí đồng đội thương yêu lẫn nhau lúc thường cũng như khi ra trận. Bác cũng đã nêu lên một nhận xét rất độc đáo: Nếu thuộc bao nhiêu sách về chủ nghĩa Mác - Lênin mà sống với nhau không có tình có nghĩa thì không thể hiểu được chủ nghĩa Mác - Lênin. Sống tình nghĩa ở trong quân đội bao giờ cũng đi liền với đấu tranh tự phê bình và phê bình, điều mà Bác coi là "thang thuốc hay nhất" để cho mỗi cán bộ, đảng viên tiến bộ. Học Bác về tự phê bình và phê bình ở hai điều chính cốt nhất: Mục đích và phương pháp. Bác quan niệm mục đích của tự phê bình và phê bình là làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, cốt để giúp nhau sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, giúp nhau tiến bộ; cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Phương pháp tự phê bình và phê bình theo Bác là phải được tiến hành thường xuyên như rửa mặt hằng ngày với cái tâm trong sáng; phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt; phải vạch rõ cả ưu điểm và những khuyết điểm; chớ dùng lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc.

Sức mạnh đoàn kết trong quân đội được tạo ra bởi tổ chức mà tổ chức đó là sự kết nối chặt chẽ giữa cán bộ, chiến sỹ với nhau. Song trước hết phải xuất phát từ mối quan hệ đoàn kết, thống nhất của cấp ủy, chỉ huy và cán bộ chủ trì trong đơn vị. Trong một cơ quan, đơn vị nào đó, nếu cán bộ chủ chốt mất đoàn kết thì chắc chắn tổ chức đó không thể nào có được bầu không khí thân thiện, đồng thuận. Đây là điều đã được Bác Hồ cảnh báo từ sớm và gọi đó là tình trạng "cấp trên và cấp dưới cách biệt nhau", đồng chí với nhau nhưng "không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng". Ở đây, cần có sự gương mẫu từ trong lời nói đến hành động của cán bộ chủ chốt. Sự gương mẫu, tự nó là một sức mạnh cảm hóa con người, như Bác quan niệm rằng, "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Sự cảm hóa kỳ diệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những người chung quanh là ở cái tâm lành, đức dày, trí cao, sự giản dị, chân thành và ở sự gương mẫu của cái đức luôn luôn vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ của Người. Đó là văn hóa chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người ta hay nói đến cái tình, cái lý trong mối quan hệ của con người đối với con người. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình và lý quyện chặt vào nhau. Quan hệ của cán bộ, chiến sỹ trong hoạt động hằng ngày tuy phụ thuộc vào những quy định của điều lệnh, quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, nhưng điều rất quan trọng đó là giải quyết hài hòa mối quan hệ nhiều chiều, phong phú của cuộc sống đời thường. Tình đồng chí, đồng đội ở đây, ngoài những nguyên tắc tổ chức và điều lệnh, còn xuất phát từ tấm lòng độ lượng, khoan dung và nhân ái. Nhiều khi mất đoàn kết trong cơ quan, đơn vị lại từ những việc tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng rất quan trọng trong đời thường. Một số người suy nghĩ và hành động không vì đại sự mà ở sự cố chấp, có người vì động cơ cá nhân đã cố tình gây ra mất đoàn kết, tạo lên sự nghi ngờ trong nội bộ. Thậm chí còn có hiện tượng đơn thư nặc danh, vu khống, nói xấu lẫn nhau, làm cho đơn vị mất ổn định…. Nhắc tới điều này, chúng ta lại nhớ tới lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, đó là việc phải tạo ra một cơ sở, hay môi trường vững chắc, đồng thuận để mọi người có trách nhiệm, nghĩa vụ chung tay xây dựng cơ quan, đơn vị của mình. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng thể hiện tình đồng chí một cách chân thành, bền chặt nhất. Nòng cốt của vấn đề này, chính là việc xây dựng mỗi Chi bộ, Đảng bộ trở thành một pháo đài đoàn kết, thống nhất. Sự yếu kém của Chi bộ, Đảng bộ cơ sở dễ dẫn tới tha hóa đội ngũ đảng viên, mà mỗi khi đảng viên đã bị tha hóa, biến chất thì tình đồng chí cũng không còn. Tổ chức Chi bộ, Đảng bộ cơ sở chính là môi trường để đảng viên phấn đấu thực hiện thành công nghị quyết của Đảng, nơi đảng viên rèn luyện đạo đức của người cộng sản, là nơi thử thách rõ rệt nhất tình đồng chí. Thực tế cho thấy, ở Chi bộ, Đảng bộ cơ sở nào trong sạch, vững mạnh thật sự thì chính nơi đó tình đồng chí trong Đảng biểu hiện một cách trong sáng, đậm đà nhất; nơi đó sinh hoạt Đảng sinh động nhất, có tính hấp dẫn nhất, nơi đó là chỗ dựa vững chắc nhất cho lãnh đạo, chỉ huy và toàn thể đảng bộ và đơn vị.

            Qua mẩu chuyện này, mỗi chúng ta phải ghi nhớ sâu sắc lời dạy của Bác Hồ “ Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Bác nói : “ Con người ta trước hết phải có đạo đức, sống với nhau phải có tình, có nghĩa. Nếu đọc bao nhiêu sách chủ nghĩa Mác – Lênin mà sống với nhau không có tình có nghĩa thì chỉ là giáo điều, sách vở’.

Nguồn: Bệnh Viện Cấp Cứu Trưng Vương

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC