Nhiều ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của tuổi trẻ Thủ đô trong bảo vệ môi trường

18:06 26/11/2020        1955



Với sự hỗ trợ, đồng hành của Đoàn Thanh niên Thành phố, trong năm 2020 nhiều ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của người trẻ Thủ đô trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được đưa vào ứng dụng trong đời sống, cho thấy tính khả thi cao…

Trong năm 2020, Thành đoàn Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đoàn viên, thanh niên Thủ đô phát huy vai trò sáng tạo, đề xuất các ý tưởng, mô hình lập nghiệp, khởi nghiệp có giá trị ứng dụng thực tiễn. Đặc biệt, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nhiều ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của tuổi trẻ Thủ đô được Đoàn Thanh niên các đơn vị tổng hợp, gửi về Thành đoàn Hà Nội và được Thành đoàn Hà Nội hỗ trợ, kết nối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hỗ trợ tuyên truyền,… - không chỉ cho thấy sự quan tâm của người trẻ đối với vấn đề bảo vệ môi trường, mà còn cho thấy tính khả thi cao, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, được đưa vào sử dụng trong thực tiễn.

1. Ý tưởng khởi nghiệp “xe máy chữa cháy rừng”

“Xe máy chữa cháy rừng” do các bạn đoàn viên, thanh niên trường Đại học Lâm Nghiệp chế tạo. Xe máy được thiết kế trên cơ sở tích hợp giữa nguồn động lực xe máy hãng Honda, thùng chứa nước, máy bơm nước, ống dẫn nước và súng phun nước. Xe máy được thiết kế gọn nhẹ, dễ sử dụng, có thể hoạt động được ở những nơi có độ dốc cao; có thể được sử dụng để dập tắt đám cháy ở mặt đất, trên ngọn cây với chiều cao ngọn lửa lên đến 6-9m, sử dụng để chữa cháy rừng ở nhiều địa hình khác nhau, từ địa hình bằng phẳng đến địa hình dốc cao và địa hình phức tạp.

Mô hình được đưa vào ứng dụng trong thực tế

“Xe máy chữa cháy rừng” khi tháo hệ thống thùng chứa nước, máy bơm nước ra được sử dụng để làm phương tiện vận chuyển người đi tuần tra, quản lý bảo vệ rừng.

Với sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên Thành phố, đến nay sản phẩm “Xe máy chữa cháy rừng” của tuổi trẻ Đại học Lâm nghiệp đã được Cục Cảnh sát phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy. Trong quý I năm 2020, nhiều đơn vị đã đặt hàng sản phẩm và đã bàn giao thành công 60 sản phẩm “Xe máy chữa cháy rừng” với tổng giá trị gần 5 tỷ đồng.

Trong các trường hợp khẩn cấp khi cần xử lý chữa cháy ban đầu ở nơi có địa hình phức tạp, đồi dốc khó đi sâu trong rừng thì xe máy chữa cháy cơ động và bình xịt chữa cháy là giải pháp tối ưu để ngăn chặn tình trạng cháy ban đầu, chờ các lực lượng triển khai tác chiến chữa cháy kịp thời. Hơn nữa, sản phẩm có thể sử dụng tốt với mục địch phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Phun thuốc trừ sâu bệnh hại cây trồng, phân bón dạng nước,...

2. Ý tưởng khởi nghiệp "Gạch lát hè đường từ nylon rác thải"

Với số lượng túi nylon khổng lồ xả thải ra môi trường như hiện nay, đến nay vẫn chưa có phương án tối ưu nào để giải quyết triệt để. Thay vì chôn vùi và phải mất nhiều năm để phân hủy hay tái chế thành những vật dụng mới gây nguy hiểm cho sức khỏe, một nhóm sinh viên của trường Đại học Giao thông vận tải đã nghĩ ra phương án sử dụng túi nylon phế thải tái chế thành một loại vật liệu có ích và an toàn.

Quá trình thực hiện sản phẩm của nhóm nghiên cứu

 “Túi nylon vốn được sản xuất từ những hạt nhựa polyme. Dựa vào các kiến thức đã được học trong môn Vật liệu xây dựng và Bê tông polyme, chúng em nghĩ ‘Tại sao không thay các chất dính kết trong bê tông bằng chất polymer từ phế thải các túi nylon. Nghĩ vậy, cả nhóm đã quyết định bắt tay vào chế tác thử một loại vật liệu từ cát, đá và túi nylon. Để có một lượng túi nylon lớn cho thí nghiệm, cả 5 bạn trong nhóm đã phải chở nhau tới bãi rác Sóc Sơn, Hà Nội, bởi đây là nơi tập kết của rất nhiều loại rác thải khác nhau. Mất 2 ngày, chúng em đã thu gom được chừng hơn 20 kg túi ni lông phế thải”, bạn Trần Thế Anh, lớp Cầu đường ô tô và sân bay K56 trường Đại học Giao thông vận tải - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Lượng túi ni lông này sau khi mang về được nhóm rửa sạch, phơi khô làm nguyên liệu. Theo Thế Anh, khó khăn nhất vẫn là quá trình tìm ra tỉ lệ pha trộn thích hợp giữa các nguyên liệu. Ban đầu, cả nhóm mất nhiều thời gian ngồi cắt thật nhỏ túi ni lông để thử nghiệm vì nghĩ rằng nếu để cả túi, khi gia nhiệt sẽ bị cháy và trộn không đều. Tuy nhiên, đến khi cắt theo kích cỡ nhỏ, nylon lập tức co lại và vón cục, không có sự gắn kết. Thử nghiệm nhiều lần, đến khi nhóm để túi nguyên vẹn và đun nóng lại cho ra một chất phụ gia có khả năng tăng độ bền cho sản phẩm.

“Chúng em phải làm đi làm lại trên 50 mẫu thử khác nhau mới có thể tìm ra được tỉ lệ pha trộn chuẩn giữa đá, cát và nylon ở trong nhiệt độ phù hợp. Trong đó, đá đóng vai trò là vật liệu chịu cường độ, cát để chèn vào các lỗ rỗng giữa các viên đá và ni lông đóng vai trò là chất kết dính” - bạn Phạm Văn Đức, thành viên trong nhóm cho biết.

Sau khi phối trộn các nguyên liệu với tỉ lệ đã được tính toán cẩn thận, hỗn hợp này sẽ được đưa vào chảo đun nóng đến nhiệt độ 180-220 độ C. Trong quá trình này, hỗn hợp được đảo liên tục, đều tay để nhựa chảy và bám đều vào các hạt cốt liệu. Sau khi hỗn hợp quánh lại lập tức cho vào khuôn đúc sẵn, dùng búa và đầm nén chặt để được thành phẩm.

Trong quá trình thử nghiệm, nhận thấy tính khả thi của sản phẩm của nhóm nghiên cứu, GS.TS. Phạm Huy Khang, Bộ môn Đường ô tô và sân bay, Trường ĐH Giao thông Vận tải (giáo viên hướng dẫn của nhóm) cùng Đoàn Thanh niên trường Đại học Lâm Nghiệp đã gửi báo cáo về mô hình của nhóm nghiên cứu về Thành đoàn Hà Nội. Thành đoàn Hà Nội cùng Đoàn Thanh niên trường Đại học Lâm nghiệp đã hỗ trợ nhóm nghiên cứu tìm địa điểm, không gian làm các thí nghiệm với đủ dụng cụ như máy trộn, máy đầm hay máy ép thành phẩm.

Cuối cùng, với nguồn kinh phí hạn hẹp, bằng niềm say mê và tâm huyết, nhóm sinh viên cũng đã tạo ra được sản phẩm đạt kết quả tốt, có tính khả thi cao. Đồng chí Phạm Gia Thanh, Bí thư Đoàn Thanh niên Đại học Lâm nghiệp nhận định: “Tính ứng dụng của sản phẩm vào thực tế là khả thi, giúp giải quyết một phần bài toán về lượng ni lông thải ra môi trường hiện nay ở Việt Nam. Sản phẩm này nếu tiếp tục cải tiến có thể đem vào ứng dụng để lát vỉa hè. Kinh phí sản xuất chắc chắn sẽ không đắt hơn các sản phẩm hiện có trên thị trường, tuy nhiên nếu tính đến giá trị với môi trường, hiệu quả sẽ không thể tính bằng tiền”.

3. Mô hình “Đèn chiếu sáng thông minh dùng năng lượng mặt trời”

Tại các thành phố lớn của Việt Nam, cụ thể như Hà Nội chủ yếu dùng đèn thủy ngân cao áp, natri cao áp, metal cao áp hoặc sodium cao áp cho hệ thống chiếu sáng công cộng và các nhà máy, công ty. Các loại đèn này tiêu thụ nhiều điện năng, hiệu suất chiếu sáng chưa cao, tuổi thọ còn thấp. Hệ thống các trạm điều khiển đèn vẫn chỉ được điều khiển bằng tủ cục bộ và hầu như chưa có thiết bị điều khiển chiếu sáng cho hệ thống.

Hiểu được nhược điểm này, mô hình đèn chiếu sáng thông minh dùng năng lượng mặt trời đã được các bạn trẻ của VloT sáng chế và đưa vào sử dụng. Mỗi thiết bị chiếu sáng đều được lắp đặt bằng đèn Led kèm theo tấm pin năng lượng mặt trời và được theo dõi bằng hệ thống qua phần mềm thông minh để điều chỉnh theo mong muốn của người sử dụng. Hệ thống được thiết kế theo 3 chế độ: Hoạt động tự động theo thời gian thiết lập của hệ thống: hoạt động tự động theo khung giờ thời gian đóng/cắt đã thiết lập mặc định sẵn; hoạt động tự động theo dữ liệu thời tiết trong ngày: tự động lấy dữ liệu thời tiết trong ngày để thiết lập chế độ hoạt động cho tất cả tủ trong hệ thống; hoạt động bằng lệnh điều khiển gửi đi từ hệ thống: trường hợp muốn tủ hoạt động theo chế độ và thời gian theo yêu cầu đột xuất thì người dùng có thể thao tác và thực hiện trực tiếp trên phần mềm hệ thống. Mô hình thiết kế này có nhiều ưu điểm đem lại hiểu quả kinh tế lớn và thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, với tính ứng dụng cao của sản phẩm, tại vòng Chung kết Cuộc thi VinaCapital Ventures VietChallenge (V3 Track) do Thành đoàn Hà Nội và VietChallenge tổ chức chiều 25/11 vừa qua tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, VioT cùng sản phẩm đèn chiếu sáng thông minh dùng năng lượng mặt trời đã xuất sắc giành ngôi vị Quán quân của cuộc thi, được nhận giải thưởng 45.000 USD và được Thành đoàn Hà Nội hỗ trợ kết nối họ với các nguồn lực của các tổ chức lớn là đối tác của VietChallenge.

4. Mô hình “Green Life - Đổi rác lấy quà”

Green Life là một tổ chức môi trường phi lợi nhuận. Người sáng lập là Hoàng Quý Bình, cựu sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Xuất phát từ thực tế trong quá trình Bình học tập tại trường, anh nhận thấy lượng giấy tài liệu, chai lọ cũng như số lượng pin thiết bị điện tử được sử dụng rất nhiều. Những thứ đó khi thải ra môi trường rất có hại, đặc biệt là pin điện tử; nếu có thể tái chế chúng sẽ góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường.

Từ đó, dự án Green Life - Đổi rác lấy quà đã ra đời. Sau khi nhận báo cáo của Đoàn Thanh niên Đại học Bách khoa Hà Nội về mô hình sáng tạo này của Hoàng Quý Bình, Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với dự án Green Life, tổ chức sự kiện “đổi rác lấy quà” đều đặn hàng tháng; trong đó sự kiện được các bạn trẻ tổ chức ở những nơi tập trung đông người với tần suất 3 - 4 hoạt động mỗi tháng. Đoàn viên, thanh niên và người tham gia sẽ mang những phế phẩm như chai, lọ, nhựa… đến và được quy đổi ra sao. Cứ 3kg giấy cũ đổi được 1 sao, các loại giấy bìa 5kg quy đổi ra 1 sao, 10 cục pin cũ cũng được nhận 1 sao.

Sau đó, người tham gia sẽ thoải mái chọn cây xanh, được xếp hạng từ 1 đến 10 sao, thậm chí có cây đẹp được định giá 15 sao. Nếu không đủ số sao, người đổi cây có thể trả bằng tiền, được quy đổi 10.000 đồng bằng 1 sao.

Những loại cây xanh trong dự án phần lớn là cây nhỏ, có sức sống tốt như xương rồng, hoa đá… phù hợp với nhiều môi trường. Trung bình mỗi tháng, nhóm thu về 10 - 15 tấn phế liệu.

“Sau mỗi sự kiện, chúng mình tiến hành phân loại. Giấy, nhựa, kim loại chuyển về nhà máy tái chế ở Hưng Yên. Vỏ hộp sữa chuyển về kho thu gom thuộc chương trình Tái chế vỏ hộp sữa của Công ty Tetra Pak. Pin và thiết bị điện tử phải được xử lý đặc biệt để hạn chế tác hại tới môi trường nên toàn bộ sẽ được chuyển cho chương trình Việt Nam tái chế. Chúng mình cũng khuyến khích và hướng dẫn mọi người tự thu gom pin và chuyển đến các địa điểm tiếp nhận, hạn chế sử dụng túi nilon”, Hoàng Quý Bình cho biết.

Đặc biệt, những quyển truyện, cuốn vở còn dùng được sẽ gửi tặng các em nhỏ vùng cao. Cùng với sự đồng hành của tổ chức Đoàn, nhóm liên hệ, phối hợp các đơn vị, tổ chức, câu lạc bộ về sách để tặng số sách, truyện đó. Sau gần một năm triển khai, gần 200 tủ sách đã được xây dựng và góp thêm gần 1.000 cuốn sách vào thư viện cộng đồng “Mượn sách bằng đặt cọc niềm tin” cũng do Hoàng Quý Bình sáng lập.

Sau gần gần 1 năm hoạt động, dự án không chỉ góp phần hình thành cho mọi người thói quen phân loại và để rác đúng nơi quy định mà còn biết nói không với rác thải nhựa. Từ những phế phẩm thu được, các bạn trẻ cũng có thể xây dựng được nhiều tủ sách vùng cao, mang tới cho các em nhỏ tri thức và lan tỏa rộng rãi hơn ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường.

5. Vật liệu xanh GPN

Không sử dụng xi măng Pooc lăng thông thường, tận dụng phụ phẩm Tro bay và Xỉ lò cao hoạt tính, kết hợp với dung dịch hoạt hoá và cốt liệu để chế tạo các sản phẩm bê tông Geopolymer - Vật liệu xanh thân thiện với môi trường là ý tưởng sáng tạo của nhóm sinh viên đến từ trường Đại học Thủy lợi đạt giải cao trong Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong bảo vệ môi trường” do Đoàn Thanh niên trường tổ chức và được Thành đoàn Hà Nội hỗ trợ kết nối với các nhà đầu tư thông qua nền tảng gọi vốn Jóng Ventures. Sản phẩm có độ bền cao trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chịu được cường độ lực lớn; gạch được tạo thành từ vật liệu vô cơ và không bắt cháy, sản phẩm phù hợp cho các dự án, công trình đòi hỏi tính an toàn, chống cháy cao.

Gạch không nung Geopolymer - Bê tông Geopolymer được dùng để chế tạo các cấu kiện bê tông đúc sẵn như: Tấm bê tông lắp ghép, dầm bê tông lắp ghép, kênh dẫn nước, cống dẫn nước, tấm lát mái, kè đê sông, đê biển. Bê tông tươi đổ trực tiếp thi công các hạng mục công trình như: Đường giao thông nông thôn, các công trình xây dựng dân dụng và thủy lợi.

6. Mô hình phân loại rác tại nguồn hạn chế rác thải nhựa

Đoàn viên, thanh niên Thủ đô tuyên truyền, vận động người dân về tác hại của rác thải nhựa, túi nilông khó phân hủy, chủ động phân loại rác và thực hiện các hình thức hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa.

Đoàn viên, thanh niên Thủ đô và các cấp chính quyền đang tham quan mô hình

Tổ chức tập huấn cư dân, công nhân vệ sinh môi trường, đoàn viên thanh niên về cách phân loại rác thải sinh hoạt; khuyến khích sử dụng “Ứng dụng phân loại rác tại nguồn được tích điểm tặng quà mGreen”. Các cơ sở Đoàn tổ chức ngày đổi rác thải tái chế (nhựa, giấy...) lấy quà như cây xanh, túi rác aneco, túi bạt hiflex tái chế, bình đựng nước, sọt đựng rác hoặc các sản phẩm thân thiện với môi trường khác...

Đổi rác thải nhựa tại khu chung cư

 Hàng tuần có các hoạt động tuyên truyền trực quan tại khu chung cư; Triển khai gắn biển điểm Chung cư hạn chế rác thải nhựa sau khi việc thực hiện của người dân đi vào nề nếp.

7. Mô hình thiết bị lọc không khí tự chế

Đây là sáng chế của Đ/c Đỗ Tiến Dũng - Bí thư Đoàn trường THPT Văn Hiến về sáng chế của mình về thiết bị lọc không khí tự chế.

Máy lọc không khí tự chế

Hệ thống lọc không khí sử dụng TiO2 có thể khử các loại khói bụi ô nhiễm từ xe buýt và các loại phương tiện khác, sản phẩm còn xử lý các loại mùi khó chịu trong không gian xe, phòng như mùi thức ăn, mùi cơ thể, mùi xăng xe, mùi thuốc lá, các loại bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5... Thông qua đó, góp phần hạn chế các tác nhân gây ô nhiễm.

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC