10:31 27/03/2024 14
Trong số đó, không thiếu những người trẻ vẫn đang ngày đêm nuôi dưỡng hoài bão, không ngừng tư duy, học hỏi và dám đổi mới cho tương lai và sự nghiệp chung của TP này.
Cầu nối cho sự đổi mới
Nhà báo Trần Phi Yến, Biên tập viên tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM (VOH) đã ghi dấu ấn bằng thành tích ấn tượng khi 2 năm liên tiếp nhận Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP HCM (I-Star); trong đó, dự án “Chuỗi tác phẩm tọa đàm: TP HCM từng bước kiến tạo đô thị thông minh” của chị đã xuất sắc đạt giải thưởng I-Star 2023.
Đây là tọa đàm 2 kì được phát trực tiếp trên radio FM99 với khách mời là bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM; Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND Quận 3.
Nhà báo Phi Yến xuất sắc 2 năm liên tiếp nhận giải thưởng I-Star
Thời điểm thực hiện chuỗi tọa đàm cũng là lúc UBND Quận 3 vừa vận hành Trung tâm Điều hành thông minh sau 1 tháng; UBND TP Thủ Đức đang triển khai Trung tâm Điều hành thông minh được 1 năm và UBND quận Bình Tân vừa ra mắt Trung tâm Điều hành thông minh.
Đồng thời, thành phố cũng đã hoàn thành giai đoạn 1 của nền tảng chia sẻ dữ liệu, đóng vai trò xương sống kết nối tất cả hệ thống thông tin thành phố vận hành cổng 1022 và kết nối với hệ thống thông tin quốc gia.
Chuỗi tọa đàm 2 kỳ này đã góp phần giúp thính giả tường tận rằng TP đã và đang có những bước tiến vững chắc như thế nào trong triển khai chính quyền số cũng như phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính công.
Nhà báo Phi Yến hiện đang host lâu đời nhất của chương trình “Bạn hữu đường xa” của đài VOH
Ngoài ra, tọa đàm còn làm rõ những giá trị và hiệu quả thực tế ban đầu từ trung tâm điều hành thông minh kết nối trung tâm dữ liệu dùng chung của TP HCM để phục vụ người dân ngày một tốt hơn.
Chương trình được ví như cầu nối giữa chính quyền với người dân, để công tác chuyển đổi số của các cơ quan hành chính trên địa bàn dễ dàng được tiếp cận và đi vào thực tế.
Với những thành tích gặt hái được, nhà báo Phi Yến vẫn còn muốn cống hiến hơn nữa những tâm huyết đang ấp ủ trên hành trình làm cầu nối, kênh thông tin giữa chính quyền với người dân TP.
TS Hà Thị Thanh Hương hiện đang là Trưởng bộ môn Kỹ thuật Mô và Y học Tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM. Trong năm 2023, TS Hà Thị Thanh Hương và đồng sự đã có cột mốc đáng nhớ tại đề xuất dự án phần mềm Brain Analytics phân tích hình ảnh MRI sọ não người bệnh và chẩn đoán bệnh Alzheimer một cách chính xác, tự động, nhanh (trong vòng 7 giờ), đã được huấn luyện và kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ADNI (Mỹ), với độ chính xác khoảng 96%.
Dự án giúp lan tỏa được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong giải quyết các bài toán Y khoa. Phần mềm đã được các bác sĩ và sinh viên Y khoa thuộc 8 bệnh viện khác nhau trên toàn quốc trải nghiệm và đánh giá, 80% trong số họ hài lòng với những tính năng mà phần mềm mang lại. Dự án BrainAnalytics đã kết nối được với gần 300 y - bác sĩ tại 42 bệnh viện khắp cả nước và đạt nhiều giải thưởng cấp Trung ương, cấp thành phố và quốc tế.
Chân dung vị tiến sĩ trẻ tài năng trong lĩnh vực Khoa học thần kinh - TS Hà Thị Thanh Hương
Trước đó, từ năm 2021 - 2022, TS Hà Thị Thanh Hương cùng đồng sự đã đề xuất dự án Hệ thống đo điện não từ xa tích hợp điều khiển tự động kích thích siêu âm. Cùng với đó, nữ tiến sĩ cũng được trao tặng nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế trong lĩnh vực Y khoa, có hàng chục bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín.
Chia sẻ về thử thách trên con đường nghiên cứu khoa học, TS Thanh Hương cho rằng đây vừa là động lực cũng như lợi thế của chính mình. Xuất phát từ câu chuyện trong gia đình có người mắc bệnh trầm cảm, sẵn niềm yêu thích cá nhân cộng với việc nhận thấy những hạn chế của hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam, từ sự cộng hưởng trên đã giúp vị nữ tiến sĩ theo đuổi đam mê với ngành này.
Để bắt đầu nghiên cứu, TS Thanh Hương phải dành một quãng thời gian dài làm việc với chuyên gia lâm sàng trong lĩnh vực khối tâm thần, tâm lý. Sau khi có được “bài toán” cho con đường mình chọn, nữ tiến sĩ lại tiếp tục đi tìm lời giải sao cho đáp ứng các yêu cầu thực tế đặt ra khác nhau như tính ứng dụng vào cơ sở vật chất, tâm lý người bệnh hay quy trình làm việc của bác sĩ…
TS Hà Thị Thanh Hương (ngoài cùng bìa phải) và cộng sự đang thực nghiệm nghiên cứu về thần kinh
May mắn thay, trên con đường của mình, TS Hà Thị Thanh Hương không cảm thấy cô đơn mà ngược lại còn nhận được ủng hộ, hỗ trợ nơi mình đang công tác, các chuyên gia đầu ngành hay sự nhiệt tình của những bạn sinh viên có chung niềm đam mê.
Để có được những công trình nghiên cứu mang lại ý nghĩa, nữ tiến sĩ chia sẻ rằng mọi thứ đơn giản xung quanh việc quan sát của mỗi người. Trong đó, chị xây dựng cho mình một thói quen cầm theo cuốn sổ nhỏ để ghi chú mọi quan sát xung quanh, bởi với chị, đôi khi một khoảnh khắc nhỏ cũng có thể là lời giải cho một bài toán, hoặc một ý tưởng cho giải pháp kỹ thuật. Do đó công trình đã gắn với thực tiễn.
Theo TS Hà Thị Thanh Hương, khi bản thân quyết tâm làm điều gì đó thì không nên nghĩ rằng mình không có năng khiếu, bởi năng khiếu chỉ là một phần nhỏ nhưng nỗ lực trong quá trình quan trọng và then chốt trong thành công.
Đơn cử với bản thân chị, vốn dĩ ban đầu ngành mình chọn không phải sở trường, cho đến khi chính chị đặt mình ra khỏi vùng an toàn, dám thử thách bản thân vào lĩnh vực mới thì mới có kết quả như ngày hôm nay.