Nét rất đặc biệt thể hiện sự nêu gương khi Bác Hồ viết Di chúc

16:53 26/05/2020        1395



"Năm 1968 là năm Bác bổ sung nhiều nhất bản Di chúc với 6 trang viết tay, đến năm 1969 Bác bổ sung một trang viết tay trên tờ giấy tin tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam (bản tin in một mặt). Đây là một nét rất đặc biệt", PGS –TS Bùi Đình Phong (Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng –Học viện Chính trị Quốc gia HCM) nói khi trò chuyện với PV Dân Việt.

net rat dac biet the hien su neu guong khi bac ho viet di chuc hinh anh 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969, ảnh TL).

Năm nay (2019) đúng tròn 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 -2019), phóng viên NTNN/Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với PGS –TS Bùi Đình Phong, người có rất nhiều năm nghiên cứu về di sản Hồ Chí Minh.

Đã qua nửa thế kỷ nhưng những điều Hồ Chủ tịch viết trong bản Di chúc vẫn ấm áp tình cảm, chứa đựng những giá trị bất biến, thưa ông?

- Di chúc của Hồ Chủ tịch không phải đến nay chúng ta mới nói tới. Đã nửa thế kỷ trôi qua với rất nhiều đợt kỷ niệm, các cuộc hội thảo khoa học-thực tiễn về Di chúc, rồi sách báo cũng viết nhiều. Nhưng tôi cho rằng càng nghiên cứu càng thấy tầm giá trị lớn của Di chúc. Trong đó có những mệnh đề, quan điểm Bác chỉ nói có vài từ, nhưng mỗi lần đọc lại, suy ngẫm lại thấy thêm được những điều mới, giá trị mới. Cái hay, cái độc đáo, cái sáng giá của di chúc là ở chỗ đó.

Cần phải khẳng định, Di chúc là văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, nhân cách của một con người, một lãnh tụ mà cả cuộc đời vì nước, vì dân, không màng tới danh lợi bản thân. Như chúng ta đều biết, cả cuộc đời Bác cống hiến cho dân tộc, cho nhân loại là cực đại, còn với bản thân mình thì không có gì. Điều này Bác cũng thể hiện trong Di chúc. Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Tại sao nói Di chúc kết tinh tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, nhân cách của một con người, một lãnh tụ? Bởi vì những tư tưởng lớn trong Di chúc đã được định hình từ khi Người ra đi tìm được cứu nước, đặc biệt khi Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Nói về Di chúc không phải chỉ đọc văn bản là hiểu, mà phải hiểu con người viết ra Di chúc; nghiên cứu cả cuộc đời, sự nghiệp, hoạt động thực tiễn, tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua các trước tác của Người. Nói “kết tinh” là như vậy. Tất cả những gì là tinh hoa, tinh túy, hồn cốt qua suốt 79 mùa Xuân của Bác được đúc kết ngắn gọn, súc tích trong Di chúc.

Tôi nói Di chúc như là một văn kiện mang chở tinh thần đổi mới, bởi vì toàn bộ Di chúc hướng tới tương lai, xây dựng lại thành phố, làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Như Bác viết: “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Nội dung Di chúc mang tính thời sự nóng hổi. Nhiều vấn đề trọng đại của Đảng, Nhà nước, của đất nước được đề cập trong các nghị quyết gần đây, đã được Di chúc nói đến. Chẳng hạn đó là vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vấn dề con người, chăm lo đời sống nhân dân, vai trò của nhân dân, đoàn kết, dân chủ...

 net rat dac biet the hien su neu guong khi bac ho viet di chuc hinh anh 2

Bản Di chúc viết tay của Hồ Chủ tịch (ảnh TL).

Ông có thể phân tích thêm giá trị cốt lõi của Di chúc đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay là gì? 

- Trong Di chúc, lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng Đảng, vai trò của nhân dân, việc quan tâm đến con người…, là những nội dung rất lớn, có ý nghĩa lý luận và giá trị thực tiễn sâu sắc. Bác có một tầm nhìn xa, trông rộng khi Người viết “chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót, sai lầm”.

Nói về chủ nghĩa xã hội Người chỉ đúc lại trong mấy ý: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Mục đích cuối cùng là “xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Những nội dung đó đều gắn với hiện nay. Chẳng hạn Đảng ta khẳng định mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Những bài phát biểu của đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ thời gian gần đây đều nói sự quan tâm đến từng con người, từng người dân. Điều đó thể hiện rằng đường lối, chính sách của chúng ta quan tâm đến từng con người, không để một người nào đứng ngoài sự hưởng thụ từ chính sách. Đây là vấn đề mà trong Di chúc của Bác đã đề cập. Chẳng hạn Bác viết “đầu tiên là công việc đối với con người”, trong đó Người đề cập từng hạng người cụ thể. Hoặc Bác đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm  để cho đồng bào nông dân hỉ hả mát dạ, mát lòng.

 net rat dac biet the hien su neu guong khi bac ho viet di chuc hinh anh 3

PGS -TS Bùi Đình Phong (ảnh PV).

Quá trình viết Di chúc, Người đã suy nghĩ, chỉnh sửa, bổ sung nhiều lần, nội dung của những lần sửa chữa, bổ sung có ý nghĩa thế nào, thưa ông?

- Bác Hồ bắt đầu suy nghĩ viết Di chúc từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX, lúc đó tình hình thế giới, mối quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu rạn nứt. Khi Bác đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ quốc tế, cách mạng thế giới. Người luôn nhìn lại quá khứ vừa hướng tới tương lai. Cách mạng Việt Nam muốn tồn tại và phát triển phải đặt trong bối cảnh chung của thế giới, nhất là khi chúng ta đang phải tiến hành cuộc kháng chiến chống lại tên đế quốc giàu mạnh nhất thế giới.

Khi tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp nhất là hai nước lớn Liên Xô –Trung Quốc, với trách nhiệm của nhà yêu nước chân chính, một chiến sĩ quốc tế trong sáng, Bác đã phải suy nghĩ rất nhiều. Trong Di chúc Người có viết về phong trào cộng sản thế giới, “vừa tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản thế giới vừa đau lòng vì sự bất hòa giữa các đảng anh em”

Bác bắt đầu viết di chúc từ năm 1965, Người dành khoảng thời gian hơn 4 năm  (1965, 1966, 1968, 1969, năm 1967 Bác đi chữa bệnh ở nước ngoài, tài liệu đó Bác không mang theo). Di chúc năm 1965 được coi là bản Di chúc hoàn chỉnh nhất, vì có đầu, có cuối, nội dung, có ngày tháng, có chữ ký của Bác, có chữ ký của Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn.

Nói hơn 4 năm nhưng mỗi năm Bác dành ra khoảng 10 ngày vào dịp sinh nhật để điều chỉnh, bổ sung từng câu, từng chữ, từng ý, từng lời, từng dấu chấm, dấu phẩy. Tôi nhấn mạnh điều đó và phải hiểu sâu điều đó để khi đọc lại, suy ngẫm mới thấy tầm vóc, ý nghĩa của Di chúc, mỗi câu, mỗi đoạn chứa đựng một tầm tư tưởng lớn lao.

Năm 1966, Bác bổ sung vào bản viết năm 1965 đoạn “trước hết nói về Đảng” câu “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau””, và câu “phục vụ Tổ quốc” sau “phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân”.

Năm 1968 là năm Bác bổ sung nhiều nhất với 6 trang viết tay, đến năm 1969 Bác bổ sung một trang viết tay trên tờ giấy tin tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam (bản tin in một mặt). Đây là một nét rất đặc biệt. Cả cuộc đời Bác là tấm gương tiết kiệm, Bác giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân tiết kiệm, đến Di chúc thì tư tưởng và tấm gương tiết kiệm vẫn được thể hiện. Người đã viết: Khi tôi qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.

Vấn đề về xây dựng Đảng và vai trò của Nhân dân được thể hiện trong Di chúc của Bác có ý nghĩa thế nào trong giai đoạn hiện nay thưa ông?

- Năm 1965, Bác viết trong Di chúc “trước hết nói về Đảng”, đến bản bổ sung năm 1968, Bác lại viết “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng”. Hai câu đều nói về Đảng nhưng ở tầm mức khác nhau. Câu của năm 1965, trước hết nói về Đảng là sắp xếp thứ tự 1, 2, 3 đặt câu chuyện muốn có chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh thì trước hết nói về Đảng, năm 1965, Bác nói về Đảng chưa cụ thể. Bản viết năm 1968, có cái hay là nói về Đảng nhưng nói về chỉnh đốn Đảng, tức là bàn về nội dung. Điều đó cho thấy tầm nhìn của Người.

Là người thấu hiểu quan điểm của Lênin chắc chắn Bác hiểu một trong những căn bệnh của người Cộng sản là sự kiêu ngạo cộng sản. Không chỉ trong Di chúc mà nhiều tác phẩm viết trước đó Bác cũng đã nói vấn đề này. Vì vậy, trước tiên là phải chỉnh đốn lại Đảng sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi.

Một điều đặc biệt nữa là Bác chỉ ra mối quan hệ giữa “Đảng cầm quyền” với đạo đức. Đã có quyền thì phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Bởi vì quyền lực có xu hướng tha hóa. Có quyền mà không có lương tâm là hỏng.

Việc xây dựng chỉnh đốn Đảng hiện chúng ta cũng đang làm mạnh với những Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Trung ương 4 khóa XII, rồi Quy định về trách nhiệm nêu gương trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đó cũng theo tinh thần Di chúc của Bác.

Một điểm rất đặc biệt khác trong Di chúc đó là Bác nói đến vai trò của nhân dân. Người hình dung sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh, “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi là cả một cuộc chiến đấu khổng lồ”. Câu kết trong bản sửa năm 1968, Người viết: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Đây không phải là vấn đề của Di chúc mà còn là sự kết tinh toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Người, tức là tư tưởng Hồ Chí Minh là vì dân và do dân.

Xin cảm ơn ông (!)

Theo Dân Việt

http://danviet.vn/tin-tuc/net-rat-dac-biet-the-hien-su-neu-guong-khi-bac-ho-khi-viet-di-chuc-954168.html

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC