Một gia đình hòa mình vào non sông đất nước

08:43 22/07/2020        2826




Trong lịch sử, hiếm có một gia đình Việt Nam nào như gia đình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến thế hệ của Bác, Bác không có vợ, không có con. Chị của Bác, bà Nguyễn Thị Thanh cũng không có gia đình riêng. Anh trai của Bác, Nguyễn Sinh Khiêm, cũng không có vợ, con. Lịch sử ghi nhận, sau Cách mạng Tháng Tám, bà Thanh và ông Khiêm ra thăm Bác, sau đó về quê, tham gia các tổ chức kháng chiến chống Pháp và làm ăn nuôi nhau. Ông Khiêm mất 1950, bà Thanh mất 1954.


 

Hình ảnh gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cha Bác, ông Nguyễn Sinh Sắc, sinh ra trong một gia đình phú nông đã phá sản ở làng Kim Liên, xã Chung Cự , tổng Lâm Thịnh, tỉnh Nghệ An. Mới 3 tuổi, ông đã mồ côi cha, lên 4 tuổi mồ côi mẹ, phải ở cùng vợ chồng người anh trai cùng cha khác mẹ là Nguyễn Sinh Trợ, và phải lao động, chăn trâu, cắt cỏ như bao đứa trẻ cùng trang lứa ở quê. Do tư chất thông minh, ham học, ông được cụ tú Hoàng Xuân Đường xin đưa về nuôi dạy. Ông Sắc đến ở nhà cụ tú Hoàng Xuân Đường ở làng Hoàng Trù (làng Chùa) xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, được chăm lo cho việc học hành. Vợ chồng cụ Tú Đường không có con trai, chỉ có hai người con gái là Hoàng Thị Loan và Hoàng Thị An, nên vợ chồng ông Tú rất quý mến cậu Sắc và đã quyết định chọn cậu làm con rể. Năm 1881, cậu Sắc 18 tuổi kết hôn với con gái đầu lòng của cụ Tú là Hoàng Thị Loan 13 tuổi. Ba năm sau, năm Hoàng Thị Loan 16 tuổi, sinh cô con gái đầu lòng, chị Bác, Nguyễn Thị Thanh. Bốn năm sau sinh anh của Bác, Nguyễn Sinh Khiêm, và hai năm sau đó sinh Bác, Nguyễn Sinh Cung. Cũng như những thanh niên trí thức lúc đó, ông Sắc tham gia các kỳ thi của triều đình, năm 1894 (sau khi cụ Tú Đường mất 1893) ông thi đậu cử nhân tại kỳ thi Hương, trường thi Nghệ An. 1895 ông thi Hội ở triều đình, nhưng không đỗ. Đến 1901 sau khi vợ mất, ông thi đậu Phó bảng. Không ra làm quan ngay, trở về quê dạy học, ông sống trong sạch và cương trực. Mãi đến tháng 5-1906, ông mới vào Huế nhậm chức Thừa biện bộ Lễ. Tháng 5-1909 ông được bổ làm tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Tại đây, căm ghét bọn tham quan, ô lại, ông thường thăm thú dân chúng, rồi những người tù bị bắt do oan khuất, do đấu tranh chống sưu, thuế nặng nề được thả. Bọn cường hào, ác bá ở Bình Khê đã tìm cách kiện ông ra triều đình. Ông bị triệu về triều, bị Hội đồng Nhiếp chính xử 100 trượng, giáng 4 cấp và bị triệt hồi. Không về quê, ông đi về Nam, vừa đi vừa bốc thuốc Nam chữa bệnh cho dân. Ông mất ngày 27-11-1929 tại Cao Lãnh (Đồng Tháp ngày nay).

Mẹ Bác, bà Hoàng Thị Loan là con cụ tú Hoàng Xuân Đường và cụ bà Nguyễn Thị Kép. Được học hành và được dạy dỗ trong gia đình nho học, bà là một điển hình của người phụ nữ thời đó, hết lòng hết sức lo sự nghiệp của chồng và con cái. Ông Sắc vào Huế học và thi cử lận đận. Bà và các con trai cũng vào, vừa dệt vải vừa chăm lo cho chồng cho con. Thuở thiếu thời, trong lời ru của mẹ, tình yêu quê hương đất nước đã được thấm đậm, in sâu trong lòng anh chị em Bác. Những tình cảm ấy được nhân lên, khắc ghi trong lòng Bác kính yêu suốt cả cuộc đời mình.

Năm 1901, bà Loan lâm bệnh nặng và qua đời. Phần mộ của bà sau này được bà Thanh và ông Khiêm mang từ Huế về đặt trên sườn núi Động Tranh, một trong những ngọn núi của dãy Đại Huệ thuộc địa phận xã Nam Giang, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An.

Khi cha vào kinh thành nhậm chức, bà Thanh ở nhà tham gia phong trào yêu nước chống Pháp ở Nghệ An và miền Trung. Bị giặc bắt, chịu án phạt 100 trượng, tù khổ sai 9 năm, đày cách quê hương 3000 dặm. Bà là người phụ nữ cách mạng, kiên quyết, có nhan sắc mặn mòi, nhưng cũng không có chồng, con. Thời trẻ, nhiều đám mai mối, có cả những đám con của gia đình gia thế, đến những đám của những người đồng niên ở quê.

Nhà văn Sơn Tùng, thương binh 1/4, người có nhiều tác phẩm rất hay và chi tiết về Bác và gia đình Bác, người đã từng gặp và trò chuyện với chị Thanh, anh Khiêm và với cả người yêu của Bác Hồ là Lê Thị Huệ kể lại, nhà văn có lần hỏi bà Thanh: vì sao cô không xây dựng gia đình? Bà Thanh trầm tư u uẩn, nhìn vào cõi xa xăm như không muốn nói, nhưng như nuốt những đau đớn vào trong, bà kể rằng: khi bị bắt, chúng khám thấy trong người và dưới vạt giường nằm của bà có giấu súng, chúng còn biết bà là con gái của Nguyễn Sinh Sắc, chị gái của Nguyễn Ái Quốc - người vừa gây tiếng vang lớn trên diễn đàn các nguyên thủ quốc gia ở Vécsai nước Pháp, chúng rất tức tối. Mọi ngón đòn tra tấn, đánh đập, bà chỉ nhận về mình, không khai bất kỳ chi tiết nào liên quan đến đồng chí mình. Một hôm để khuất phục bà, bắt bà phải khai, chúng dùng một chiếc mâm đồng, đặt lên lò than nung đỏ rực, lột trần bà ra, rồi đẩy bà ngồi bệt vào chiếc mâm nóng đỏ đó. Thịt da cháy xèo xèo, đến xương tủy, bà ngất đi. Sau đó nhiều tháng, nhờ sự thương cảm của các bạn tù, bà tự chữa bệnh bằng một số thứ thuốc nam kiếm được, vết thương lành, nhưng toàn bộ phần thịt cháy nham nhở, lồi lõm và luôn luôn tấy đỏ, đau đớn, mặc cảm hằng ngày. Bà không nghĩ đến việc lấy chồng. Những năm kháng chiến chống Pháp, bà tham gia Hội mẹ chiến sĩ ở quê, bốc thuốc nam chữa bệnh cứu người cho đến lúc đi xa.

Anh trai của Bác, Nguyễn Sinh Khiêm, tự Tất Đạt. Năm 1908, hai anh em Bác tham gia phong trào chống thuế của nhân dân Trung Kỳ, sau đó bị trường Quốc học Huế buộc thôi học; Cậu Thành đi về Nam, mưu cứu nước, cha bị đày đi làm tri huyện Bình Khê, ông Khiêm về quê, cùng chị hoạt động trong phong trào yêu nước chống Pháp của đội Quyên, ấp Võ. Năm 1914, ông Khiêm bị giặc Pháp bắt, bị chúng xử 9 năm khổ sai, đày vào tận Nha Trang. Mãi đến năm 1920, giặc Pháp mới đưa ông về giam lỏng ở Huế. Tiếp theo là những ngày gặp lại chị gái. Hai chị em tham gia các phong trào cứu nước ở quê cho đến lúc ra đi. Ông Khiêm cũng không lấy vợ, không có con. Giữa rừng già Việt Bắc, trong một đêm đông lạnh giá, ngồi bên đống lửa, các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng chân tình hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại sao chủ tịch không lấy vợ, không lập gia đình. Chủ tịch cười ôn tồn và nói rằng: lúc còn trẻ mải mê đi làm nhiệm vụ, không có điều kiện lập gia đình, bây giờ già rồi không còn nhu cầu ấy nữa.

Như vậy, Bác cũng như chúng ta, là con người bình thường, ai cũng khát vọng yêu thương, ai cũng mong muốn có một mái ấm gia đình. Nhưng Người đã trở nên vĩ đại bởi vì đã vượt lên trên cái bình thường của chính mình với mục đích đem lại cái bình thường và hạnh phúc cho nhân dân, cho các thế hệ mai sau.

Cả gia đình Bác đã hy sinh cho nhân dân, cho đất nước. Mỗi gia đình Việt Nam như có Bác, có hình Bác. Trong trái tim trẻ thơ, tất cả các thiếu nhi Việt Nam đều có Bác. Cả dân tộc đi theo con đường Người chọn, học tập và làm theo lời Người dạy. Gia đình của Người, sống mãi trường tồn cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

 

Nguồn: ST

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC