Màu áo xanh tình nguyện của tuổi trẻ Đại học Quốc gia Hà Nội tại xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh

14:34 20/09/2019        3658



12 ngày thắp lửa yêu thương

Có lẽ nhiều người đã quen với hình ảnh những cô cậu thanh niên tình nguyện mặc áo xanh, đầu đội mũ tai bèo, ánh mắt nhiệt thành, nét cười luôn sáng rực trên khuôn mặt,… và ướt đẫm mồ hôi.

Đẫm mồ hôi với những nhát cuốc vụng về, với những khóm cây mới trồng xong có phần “liêu xiêu”, đẫm mồ hôi vì trèo lên được nóc nhà để căng dây nhưng lại chẳng dám thò chân trèo xuống.

Chúng tôi đấy! Tạm xếp lại những bộ quần áo đẹp đẽ thường ngày, hành trang là hai chiếc áo xanh tình nguyện và chiếc mũ tai bèo, và vô số vật phẩm mang tên “yêu thương” mà chúng tôi vận động quyên góp được để mang lên nơi đây - xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. À, còn cả những trăn trở chưa nên hình hài, mới chỉ mông lung những câu hỏi, làm thế nào để truyền lửa nhỉ?

Đến với nơi ở mới trong 12 ngày đêm đóng quân, chúng tôi bắt tay vào dọn dẹp một điểm trường đã cũ và có phần “hẻo lánh”. Những ánh mắt hiếu kì của người dân và đặc biệt là của trẻ em nơi đây cũng làm cho chúng tôi cảm nhận được “tính mới” mà mình đem đến, vừa hãnh diện tự hào với màu áo xanh, vừa áp lực trước những buổi đứng lớp với giáo án “i tờ”. Ngoài lúc ngủ, chúng tôi luôn chỉn chu trang phục, áo xanh cắm thùng, tác phong gọn gàng, rạng rỡ với nụ cười trên môi.

Sáng sớm khi sương còn vờn những bông hoa trên đất mới, chiếc loa kéo đặt giữa nhà dõng dạc hát: “Tựa đàn chim tung bay trên những nhịp cầu tre; Mùa hè xanh xôn xao nâng bước chân ta về; Đường làng quê tiếng ve như gọi mời say mê; Ngoài bờ đê có con trâu già nằm ngủ mê…”. Tác phong khẩn trương xen một chút vấn vương giấc ngủ, hai tay không ngừng gãi đến chảy máu những nốt cũ, nốt mới. Sau bữa ăn sáng giản dị, chúng tôi xếp hàng, chào cờ, hát quốc ca và chia nhau tản ra khắp nẻo đường.

Chỉ sau một vài hôm, trẻ em trong thôn đã đến đợi chúng tôi, để cùng đóng thùng áo vào quần và dõng dạc hát quốc ca, nghiêm trang, và thật thú vị!

Chúng tôi không dạy con chữ, chúng tôi truyền lửa!

Những ngày đầu, ngoài những công việc lao động khác, chúng tôi xây dựng thành hai nhóm dạy văn hóa, đi đến hai điểm trường thuộc hai thôn Khe Lọng Trong và Khe Lọng Ngoài.

Trẻ em ở hai thôn này là hai hình ảnh khác nhau hoàn toàn, khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Trẻ em ở thôn Khe Lọng Trong - nơi chúng tôi đóng quân, có phần đầy đủ, ánh mắt lanh lợi, sáng ngời. Phía bên kia cây cầu xanh mà chúng tôi gọi là cầu tình yêu là những em nhỏ mặt lấm lem, gầy guộc như những chiếc “sào” đủ mọi chiều cao. Quần áo các em mặc chỉ cần nhìn thoáng qua là biết đó là đồ được nhận quyên góp từ những tấm lòng hảo tâm, bởi chúng không vừa vặn, và lấm tấm những mảng đen mốc meo vì các em đã mặc chúng quá lâu rồi. Thậm chí, những bé gái hai – ba tuổi mới chỉ có những chiếc áo kém lành lặn mà chưa có quần. Và hầu như tất cả đều đi chân đất, chúng chỉ đi dép khi cần thiết.

Một điều nữa, trẻ em ở hai thôn này không chơi với nhau, chúng là hai thế giới!

Ngày thứ nhất, ngày thứ hai, và những ngày sau đó, cứ tối đến vào giờ chúng tôi chuẩn bị hò nhau ăn cơm, lại có một bé trai nhỏ con xuất hiện. Bé trai gầy lắm, khuôn mặt vêu vao, để tóc “Khá bảnh”. Từ lúc chúng tôi đến cho tới khi chúng tôi rời đi, Tiến - tên cậu bé, chỉ mặc đúng một bộ quần áo, là chiếc áo sơ mi có nền màu tím nhạt (tôi cũng không chắc nữa) và một chiếc quần vải đen. Tiến không cài hết cúc áo mà để phanh ngực.

Em luôn tìm kiếm một trò gì tiêu khiển để khỏa lấp bóng tối: một quả bóng, một bộ bài,… Em luôn đứng ở nơi tối nhất để quan sát chúng tôi sinh hoạt. Từ trong nhà nhìn ra, chúng tôi chỉ thấy một đôi mắt tròn rất sáng đang chú ý ngắm nhìn. Rồi lại thoắt biến mất chỉ trong nháy mắt.

Dần dà, tôi lân la làm quen và hỏi chuyện được em. Cứ tối đến em thường đi lang thang tìm chỗ có người để đỡ sợ. Bố mẹ và chị gái đều đi rẫy cho đến sáng mới về. Tiếng Kinh em nói không sõi, em đã học lớp 7 nhưng viết cũng rất kém. Khi thấy chúng tôi đến nói cười vui vẻ râm ran nơi điểm trường cũ, em tò mò lại gần ngắm nhìn và mơ ước.

“Chị Cách cách ơi - tên thân thiết lũ trẻ gọi tôi, đại học là gì ạ?” - Tiến hỏi tôi với chiếc cúc áo cao nhất ở cổ đã được cài.

Lặng người đi, tôi nhìn thấy trong mắt đứa nhỏ một khát khao nhưng chưa rõ hình hài. Tiến cứ nắm lấy ngón tay út của tôi rồi hỏi tên từng anh chị một. Cứ sau khi mỗi cái tên được nêu lên, nó lại hỏi: “Anh/chị cũng học Đại học Quốc gia ạ? Em đến đó được không?”.

Bầu trời sao và cánh đồng đom đóm…

Tối đó, chúng tôi tổ chức buổi tuyên truyền măng non về chủ đề phòng chống bạo lực và xâm hại tình dục với trẻ em. Lâu lắm rồi, chúng tôi mới được tận hưởng một bầu không khí yên bình và an lành đến thế. Nhà văn hóa nơi tổ chức chương trình nằm trên một ngọn đồi nhỏ.

Phóng tầm mắt từ trên xuống, tôi thấy lấp lánh những ánh sáng nhỏ xíu nhưng cứng rắn từ những con đom đóm. Ngước mắt lên trên, bầu trời ngập tràn ánh sao đẹp đến nao lòng. Trên lối đi dẫn lên nhà văn hóa, từng tốp các em nối đuôi nhau đi theo một màu áo xanh. Cứ thế, cứ thế, chẳng mấy mà nhà văn hóa đã đầy ắp tiếng cười nói. Trong những cặp mắt đen láy nhỏ xíu đang hấp háy, cũng có một bầu trời sao và cánh đồng đom đóm như thế.

Tối hôm đó, trẻ em hai thôn đã ngồi hòa lẫn vào nhau. Chúng cười nói với nhau và thi đua trả lời những câu hỏi. Chúng cùng nhau lên sân khấu biểu diễn những tiết mục văn nghệ mà những ngày trước đó chúng tôi đã cùng tập luyện. Khoảng cách đã rút ngắn lại, tiếng cười đã hòa lẫn, và chúng tôi nhìn nhau cười nhẹ lòng mặc dù những đứa trẻ kia chưa hiểu gì lắm về những điều mà chúng tôi giảng giải.

Những chiếc cặp sách được nâng niu…

Ngày cuối cùng ở Thanh Sơn, lũ trẻ kéo nhau đến từ sớm, bởi giữa chúng tôi có một cái hẹn.

Trước sáng hôm đó, trong buổi tổng kết thân mật tại điểm trường cũ nơi chúng tôi ở, chẳng ai bảo ai, những tiếng nấc cứ dần dần to lên và dày đặc hơn. Nếu đứng quan sát từ góc nhìn của Tiến mỗi đêm, người ta thấy một khung cảnh buồn đến nao lòng. Màu áo xanh hòa lẫn với mùi nồng mồ hôi của trẻ nhỏ, với những ẩm ướt nơi khóe mắt, với những đỏ hoe đang hấp háy và cố gắng mở to để lưu giữ những khoảnh khắc cuối cùng.

Tiến lại nắm lấy tay tôi, nắm lấy tay anh Linh, nấc nghẹn và hỏi: “Cho em đến nhà anh ở được không?”. Vẫn chiếc áo màu tím nhạt sờn cũ và lấm lem, nhưng hôm đó nó chỉn chu lạ thường, vòng tay nhỏ gầy ôm lấy, “em sẽ đi đại học…”.

Tôi đeo cặp sách màu xanh cho em, anh Phúc tặng em một chiếc mũ màu trắng, chị Chi đưa cho em một túi đỗ đen, anh Tánh dúi tay em một chùm nhãn nhỏ,… Tiến và lũ trẻ tiễn chúng tôi cho đến khi người cuối cùng là tôi bước chân lên xe. Cả buổi sáng hôm ấy, em bịn rịn và cố gắng học thuộc số điện thoại của tôi. “Chị sẽ đón e ở Đại học Quốc gia nhé!” - Tiến nói.

Người ta không còn thấy một đứa trẻ phanh cúc ngực nữa, mà là một cậu bé sáng rực khát khao với ước mơ được đi học đại học, được đến trường; trên vai là chiếc cặp màu xanh nặng trĩu màu hy vọng.

Người ta cũng thấy trẻ em hai thôn cùng nhau chơi ném lon, cùng nhau đá bóng, và cùng nhau gìn giữ một quả bóng mà đội tình nguyện Mùa hè xanh tặng lại.

Người ta thấy vắng những gương mặt, những buổi hoạt động, những buổi dạy văn hóa của những người mang trên mình màu áo xanh…

Khánh Hạ

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC