Mặt trái của YouTube: Lợi nhuận và giá trị đạo đức

10:39 01/06/2019        1159



TTTĐ - Theo Bloomberg, các lãnh đạo của YouTube đã phớt lờ cảnh báo của nhân viên về các video có nội dung độc hại. Sở dĩ như vậy vì họ muốn tăng lượt view và tương tác. Từ đó, YouTube kiếm nguồn lợi nhuận khổng lồ từ những video này…

YouTube làm ngơ?

Trong nhiều năm qua, YouTube được cho là đã làm ngơ với những nội dung cực đoan tràn lan trên trang web của mình. Cụ thể, theo 20 nhân viên đã và đang làm việc tại YouTube cho biết, họ đã nhiều lần bày tỏ mối lo ngại và có những kiến nghị về việc hạn chế sự xuất hiện của các video có nội dung bạo lực, thù hận… Tuy nhiên, ban lãnh đạo chỉ quan tâm đến việc làm sao thu hút càng nhiều người xem càng tốt.

Một nhân viên làm việc tại YouTube trước khi được Google mua lại vào 2006 cho biết, trước đây nền tảng video này tiến hành kiểm duyệt và hạ cấp các video có vấn đề. Mọi thứ đã thay đổi sau khi Google tham gia, YouTube ưu tiên phát triển nền tảng, tăng thời gian sử dụng và sự gắn kết của người dùng với video.

Vào năm 2016, một kỹ sư của YouTube đã từng đưa ra đề xuất nhằm kiểm soát những video có nội dung độc hại. Cụ thể, nếu tiêu đề của những video nào có chứa từ ngữ cấm và vi phạm quy chuẩn sẽ bị loại khỏi danh sách đề xuất. Tuy nhiên, bất chấp các tranh cãi, YouTube vẫn tiếp tục gợi ý các “video hot”. Một số video thậm chí còn được quảng cáo thêm nhằm đạt các mục tiêu đề ra, đạt một tỷ giờ xem mỗi ngày.

Chia sẻ với Bloomberg, kỹ sư này cho biết: “Tôi có thể tự tin nói rằng YouTube đã quá sai lầm”. Phải tới tận tháng 1/2019, YouTube mới áp dụng chính sách mà nhân viên này đề xuất.

Bên cạnh đó, YouTube cũng không khuyến khích các nhân viên ngoài nhóm kiểm duyệt tìm kiếm các video độc hại trên YouTube. Nguyên nhân vì các luật sư của hãng cho rằng, công ty sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn nếu phát hiện ra bằng chứng cho thấy các nhân viên biết và thừa nhận sự tồn tại của những video nội dung xấu.

Cũng theo điều tra của Bloomberg, đã có ít nhất năm nhân vật cấp cao bị sa thải khỏi YouTube vì không tuân thủ những chính sách trên của công ty. Theo chia sẻ của một cựu nhân viên khác, ngay cả Giám đốc điều hành YouTube là Susan Wojcicki cũng thường xuyên lảng tránh vấn đề này. Bà cho rằng công việc chính của mình là điều hành công ty chứ không phải việc xử lý các video có thông tin sai lệch và nội dung có tính chất nguy hiểm.

Phản ứng của YouTube

Giống như Facebook và các trang truyền thông mạng xã hội khác, YouTube đã tập trung thu hút sự chú ý của người dùng và giữ quan điểm kinh doanh này trong nhiều năm.

YouTube là trang web hàng đầu phát video, ước tính doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Ảnh: Bloomberg

YouTube là trang web hàng đầu phát video, ước tính doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Ảnh: Bloomberg

Về phía mình, đại diện của YouTube cho biết họ đã có những động thái từ cuối năm 2016. YouTube cũng đã gỡ bỏ các kênh quảng cáo có nội dung độc hại từ năm 2017. Trên thực tế, nhóm kiểm duyệt nội dung của YouTube mới chỉ có 20 nhân viên. Một con số qua ít ỏi so với lượng video mà hãng này cho phép tải lên hàng ngày…

YouTube cũng cho biết, hãng đặc biệt quan tâm tới các nội dung độc hại ảnh hưởng đến trẻ em. Trong đó, động thái mới nhất là tắt bình luận với các video cho trẻ nhỏ. Từ năm ngoái, họ cũng đang triển khai các biện pháp để lọc  các tin tức giả mạo. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà rất nhiều các video có nội dung nhảm nhí, bạo lực vẫn xuất hiện nhan nhản giúp YouTube thu về hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

55.000 video trên YouTube vi phạm pháp luật Việt Nam

Qua rà soát của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay trên YouTube có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật. Trong thời gian qua, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử. Tuy nhiên, cơ chế kiểm duyệt của YouTube phụ thuộc vào hậu kiểm dẫn đến việc, các clip vi phạm sau khi bị gỡ bỏ thì người dùng vẫn có thể dễ dàng đăng tải lại. Trong khi đó, quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian nhưng đăng lại thì rất nhanh. YouTube phải mất 18 tháng để gỡ 8.000 clip nhưng để đăng lại 55.000 clip thì cần rất ít thời gian.

Gần đây nhất, ngày 10/6, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã chính thức công bố 21 nhãn hàng, thương hiệu lớn đang quảng cáo gắn với các clip xấu độc, trong đó gồm: Huawei, Samsung Việt Nam, FPT Shop, Công ty TNHH Yamaha Motor Vietnam, Grab, Sun Group, Shopee...; đồng thời chủ động rà soát, kịp thời cảnh báo các đối tác cung cấp dịch vụ nhằm đảm bảo hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Mặt khác, thời gian vừa qua trên YouTube xuất hiện nhiều video tuy không có giá trị về mặt nội dung nhưng có thể thu hút hàng triệu lượt người xem trong thời gian ngắn. Có thể kể đến các clip tự làm của Ngô Bá Khá (Khá “Bảnh”), “thánh chửi” Dương Minh Tuyền… Nội dung chủ yếu chỉ là ăn nhậu, bay lắc, nói tục chửi thề, dọa dẫm nhau trên mạng xã hội hay thậm chí là cả những vlog theo chân đi đòi nợ hay thanh toán kẻ thù bằng bạo lực. Thiết nghĩ nếu những video như này không được kiểm duyệt chặt chẽ sẽ tác động xấu rất lớn đến thế hệ trẻ. Những tác động tiêu cực đó có thể ngấm vào đầu óc non nớt của các em nhanh nhạy hơn cả bài học trên lớp và trong sách giáo khoa.

 NGỌC LY

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC