10:10 09/10/2023 528
Bố mẹ đều làm nông nghiệp, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Thương bố mẹ, từ năm nhất đại học, Tống Thị Phương, trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa đi học, vừa đi làm gia sư, shipper... để nhanh chóng tự lập. Tuy nhiên, Phương luôn có thành tích học tập xuất sắc.
Tống Thị Phương còn là một trong những Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.
Phương bén duyên với việc học Luật một cách rất tự nhiên. Tốt nghiệp THPT cô gái trẻ đứng trước nhiều lựa chọn: Ngành luật, báo chí và sư phạm. Tại thời điểm đó, điểm chuẩn của ba ngành không chênh lệch nhau nhiều và Phương hứng thú với cả ba. Khi đăng ký vào trường đại học, Phương sắp xếp các nguyện vọng một cách khá ngẫu nhiên. Kết quả, cô gái trẻ trúng tuyển vào trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Giống như nhiều bạn sinh viên khác, thời gian đầu Phương bị “sốc” với môi trường học tập mới. “Nửa kỳ học đầu, mình thấy học Luật là một điều gì đó rất khủng khiếp. Mình dường như không hiểu được những thuật ngữ, khái niệm trong giáo trình”, Phương kể.
Tống Thị Phương trong lễ tốt nghiệp |
Làm thế nào để vượt qua là câu hỏi khó nhưng buộc Phương phải có đáp án. Cô gái trẻ học hỏi thầy cô, bạn bè và tự tìm ra cho bản thân phương pháp học tập phù hợp. Phương bắt đầu bằng việc chăm chỉ nghe giảng, ôn thi, làm nghiên cứu và tham gia các cuộc thi học thuật. Trong những hoạt động đó, cô gái trẻ đều nỗ lực hoàn thành bằng tất cả sự tâm huyết.
Tuy nhiên, không phải mọi chuyện thuận lợi ngay từ đầu. Phương đã từng bị loại rất sớm trong một số cuộc thi. Việc viết bài nghiên cứu cũng không có kết quả tốt, điểm GPA chưa cao và cô gái trẻ còn rất rụt rè. Phương đã cố gắng, kiên trì và vững niềm tin vào điều đang hướng đến. Điều đó, đã giúp cô gái trẻ gặt hái được những "quả ngọt" trong học tập, nghiên cứu khoa học và cả hoạt động ngoại khóa.
Để cân bằng giữa việc học, hoạt động ngoại khóa, Phương đã phải rèn luyện cho bản thân khả năng sắp xếp công việc và tính kỷ luật cao để có thể tận dụng tối đa thời gian. Bên cạnh đó, cô gái trẻ dành thời gian cho một số sở thích cá nhân như tập yoga, chạy bộ, nghe nhạc… để có sức khỏe tốt cho chặng đường dài.
“Những khó khăn mình gặp phải là những viên đá, hòn sỏi trên đường đi. Động lực để bản thân vượt qua chính là gia đình, bố mẹ”, Phương chia sẻ.
Làm thêm nhiều việc nhưng Tống Thị Phương luôn có thành tích học tập xuất sắc |
Phương là con thứ hai trong gia đình thuần nông tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Bố mẹ chỉ làm nông nên kinh tế cũng không dư giả. Để phụ giúp bố mẹ, từ năm thứ nhất đại học, cô gái trẻ đã đi làm thêm. Lịch học, tham gia hoạt động ngoại khóa dày đặc nên Phương lựa chọn công việc làm thêm linh hoạt về thời gian như: Gia sư, shipper…
Với chiếc xe đạp điện từ thời học cấp ba mang ở quê ra Hà Nội, Phương nhận ship hàng cho Công ty Ahamove. Công việc khá vất vả, phải di chuyển nhiều nhưng bù lại cô gái trẻ có thể chủ động về mặt thời gian, thu nhập cũng tốt hơn nhiều việc khác. Cùng lúc làm nhiều việc nên có khi Phương rơi vào tình trạng “đuối sức”. Có đợt cao điểm, cô gái trẻ chỉ ngủ 3- 4 tiếng/ngày. Tuy nhiên, Phương biết rằng còn rất nhiều người vất vả hơn nên lại càng cảm thấy may mắn và biết ơn khi có sức khỏe và công việc để làm. “Mỗi lần cảm thấy mệt mỏi, mình lại nghĩ về gia đình, về mục tiêu của bản thân để khôi phục lại năng lượng”, Phương nói.
Cũng từ việc làm thêm, Phương rèn luyện cho bản thân kỹ năng, sự va vấp và kinh nghiệm sống, đặc biệt là bản lĩnh để có thể theo đuổi nghề Luật với đặc thù rất riêng. Hiện, cô gái trẻ đã là nhân viên của mộtCcông ty Luật và tự lo được cuộc sống bản thân cũng như phụ giúp gia đình. Mục tiêu sắp tới của Phương là tiếp tục học tập, bồi dưỡng thêm kiến thức. Cô gái trẻ mong muốn vững vàng hơn trên con đường đã chọn.