Khúc tráng ca trên biển

14:41 20/10/2021        1106



Lật giở những trang lịch sự hào hùng, đường Hồ Chí Minh trên biển năm ấy đã tạo nên phương thức vận chuyển mới quan trọng, bảo đảm chi viện cho chiến trường miền Nam. Lớp lớp thanh niên trên những con tàu không số thô sơ, nhỏ bé, chở vũ khí đã bí mật, bất ngờ, dũng cảm vượt qua bão táp của biển cả, sự ngăn chặn, bao vây của hải quân, không quân địch để đi đến chiến trường.

Những thuỷ thủ trẻ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tuyến đường lửa trên biển

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759 vận tải quân sự đường biển (đơn vị tiền thân Đoàn 125 và Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay) với mật danh "Đoàn tàu không số".

Đơn vị có nhiệm vụ vận chuyển người, vũ khí, trang bị chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển đến những nơi mà đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn chưa thể vươn tới.

Tàu không số của Hải quân nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ tiếp tế vũ khí cho chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu)

Để làm nên kỳ tích "Đường Hồ Chí Minh trên biển" với những chiến công hiển hách, có sự cống hiến, hy sinh bất khuất của nhiều cán bộ, chiến sĩ "Đoàn tàu không số".

Khi đặt chân lên con tàu không số, đa phần họ là những người tuổi đời còn rất trẻ. Ngày ấy, để giữ bí mật cho từng chuyến đi, những chuyến tàu Không số thường chọn lúc thời tiết sóng to gió lớn để ra khơi. Bởi đây là lúc ít bị các tàu chiến của Mỹ, Ngụy theo dõi, bám sát vì chúng đều vào cảng trú ẩn.

Những thủy thủ tàu, ở độ tuổi mười tám, đôi mươi luôn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tàu, bảo vệ vũ khí và bảo vệ bí mật của con đường, thể hiện sự trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Những chuyến đi đều không xác định được ngày đến và ngày về, bởi không thể lường hết sóng gió biển cả cũng như sự bám riết, lùng sục của kẻ thù. Trước khi lên đường, cán bộ, chiến sỹ trên tàu được làm lễ truy điệu sống, thể hiện tinh thần cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Trong 14 năm (1961-1975), 1.879 lượt tàu, thuyền, vượt 4 triệu hải lý, vận chuyển gần 153.000 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, hàng hóa và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam chống trọi hơn 4.000 quả thủy lôi, hơn 20 cơn bão, chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch.

Trên mỗi “tàu không số” luôn chuẩn bị sẵn một khối thuốc nổ từ 500 kg - 1.000 kg, nếu bị phát hiện và không thể chạy thoát, chỉ huy tàu nhất quyết phải đánh thuốc nổ để phá tàu, để tàu và vũ khí không rơi vào kẻ địch, quan trọng hơn là để phá hết dấu vết, không để lộ bí mật.

Gọi là “đoàn tàu không số” nhưng những con tàu đều có số hiệu riêng. Tuy nhiên tàu không mang biển số hoặc mang biển số giả theo từng địa phương tàu qua, phần lớn các hồ sơ, hải trình, thông tin… ngay sau mỗi chuyến đi buộc phải hủy toàn bộ để không để bất kỳ một số liệu, dữ liệu nào có nguy cơ lọt, lộ.

Những chuyến tàu lặng lẽ vượt sóng gió, vượt hiểm nguy và tai mắt kẻ thù, chở nặng vũ khí, hàng hóa cùng nghĩa tình miền Bắc đến với chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ.

Cả tuổi trẻ lênh đênh cùng sóng gió, bao lần đối mặt với hiểm nguy

Phát huy truyền thống anh hùng, mở đường thắng lợi, những chiến sĩ “Đoàn tàu không số” năm xưa thường xuyên chăm lo xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt mặt đoàn đại biểu cựu chiến binh đường Hồ Chí Minh trên biển.

Nhiều người đã gắn bó và ở lại Thủ đô tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Ông Lê Văn Nhược là một trong những người đầu tiên đi tìm lại những chiến sỹ, đồng đội của mình từng có mặt trên những con tàu không số năm xưa và thành lập ra hội “Những chiến sỹ tham gia đường Hồ Chí Minh trên biển” ở TP Hà Nội.

Người thuyền trưởng tàu không số năm xưa, người đã cùng rất nhiều đồng đội làm nên con đường huyền thoại trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam: Đường Hồ Chí Minh trên biển...

22 tuổi, chàng trai Lê Văn Nhược trẻ được cử ra Hà Nội học tại Trường Trung cấp Thương nghiệp. Tháng 4/1963, ông nhập ngũ, sau ba tháng huấn luyện ông được cử đi học lớp lái tàu biển, ra trường một thời gian, ông được tuyển chọn để tham gia đội lái tàu không không số.

Tháng 1/1965, chuyến đi đầu tiên của ông Nhược vượt đường Hồ Chí Minh trên biển xuất phát từ Hải Phòng vào đến Trà Vinh. Thế nhưng từ khi huấn luyện, chuẩn bị bốc xếp hàng đến lúc lên đường, mọi việc đều phải hoàn toàn bí mật, bí mật tuyệt đối, kể cả với người thân. Không ai được mang theo mình bất cứ thứ gì riêng tư, dù chỉ tấm ảnh hay dòng địa chỉ.

Con tàu mang số hiệu 132 do ông làm tàu trưởng vận chuyển vũ khí đã cập bến tại Trà Vinh và trở ra miền Bắc an toàn. Sau đó ông Nhược đã cùng đồng đội tham gia rất nhiều chuyến đi khác.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và các cựu chiến binh Đường Hồ Chí Minh trên biển TP Hà Nội, tháng 5/2008; ông Lê Văn Nhược đứng ngoài cùng, bên trái. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ anh dũng ấy, ông Nhược chia sẻ “ Tôi cùng nhiều đồng đội khi ấy đều có suy nghĩ bước chân lên tàu không số là xác định hy sinh bất cứ lúc nào, thậm chí nhiều trường hợp phải chấp nhận cảm tử, lao thẳng vào tàu địch cho nổ. Vì vậy tất cả các chiến sỹ trên tàu không số đều có một tinh thần chiến đấu quả cảm, không lùi bước và chấp nhận hy sinh cả tính mạng trên biển để có thể đảm bảo bí mật cho cả tuyến đường vận chuyển cũng như an toàn cho số vũ khí trên tàu".

Ông Nhược kể lại trong xúc động: “Tết Mậu Thân 1968, bốn chiếc tàu không số chuyển vũ khí vào miền Nam trong đó có tàu mang số hiệu 165 do Thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm chỉ huy. Chiến sỹ Nguyễn Văn Dựng (Thái Bình) là một trong số những người tham gia đi trên tàu đó. Trước khi lên tàu, anh Dựng vui vẻ khoe với tôi là mới nhận được lá thư của gia đình, báo tin vợ anh mới sinh con trai, nặng hơn 3kg. Anh Dựng hẹn ngày về sẽ mời tôi đến nhà để liên hoan.

Tàu 165 vào đến Cà Mau thì bị tàu địch phát hiện, bao vây. Quyết không để lộ bí mật, không cho địch thu giữ số vũ khí của quân ta, tàu 165 đã anh dũng lao thẳng vào tàu địch cho nổ. Toàn bộ 16 chiến sỹ trên tàu hy sinh anh dũng khi tuổi đời còn rất trẻ".

Không chỉ đối mặt với quân thủ, trong hành trình lênh đênh trên biển, biết bao đêm tối mù mịt, bão tố, sóng xô nghiêng ngả, nhiều khi ông Nhược phải căng mắt ra nhìn hải đồ để bẻ lái cho đúng hướng. Vì là phương tiện thô sơ, không hải đồ, không la bàn, không dụng cụ đảm bảo nên phải dự vào trăng, sao, nhất là sao bắc đẩu, dựa vào mặt trời và dãy núi Trường Sơn mà đi. Say sóng triền miên, ăn lương khô ngày này qua ngày khác vì sóng lớn không thể nấu cơm.

Cả tuổi trẻ họ đã gắn bó với con tàu không số vượt qua bao sóng gió, đạn lửa chở vũ khí tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Nhắc lại những kỷ niệm ấy, người cựu thuyền trưởng tàu không số vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc bùi ngùi, bởi ở trên những vùng biển ấy, máu xương của những người đồng chí, đồng đội đã tan vào biển cả.

https://tuoitrethudo.com.vn/khuc-trang-ca-tren-bien-181087.html

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC