20:09 31/03/2022 1246
Chiều 31/3, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội do đồng chí Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội làm trưởng đoàn làm việc với Thành đoàn Hà Nội về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Tiếp đoàn có UVBTV Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh; Các đồng chí trong Thường trực Thành đoàn; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Thành đoàn...
|
Quang cảnh buổi làm việc |
Chủ động, sáng tạo trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Theo báo cáo của Thành đoàn Hà Nội, hằng năm, Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc xây dựng Chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chương trình công tác năm; Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện các nội dung cụ thể như: Xây dựng và ban hành bộ quy chế dân chủ tại các đơn vị; Thực hiện công khai các hoạt động quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước, quản lý tài sản công, xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm, thời gian lao động để bảo đảm thực hành tiết kiệm, ngăn chặn, phòng ngừa lãng phí…
Giai đoạn từ năm 2016-2021 việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Thành đoàn Hà Nội đạt nhiều kết quả. Trong đó, số tiết kiệm chi thường xuyên các năm trung bình khoảng 4 tỷ đồng; Riêng năm 2019 đã tiết kiệm chi thường xuyên hơn 9,2 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, Thành đoàn Hà Nội đã thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị theo đúng các Nghị định của Chính phủ; Trong đó có 1 đơn vị thực hiện tự chủ theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và 5 đơn vị thực hiện tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.
Được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, các đơn vị trực thuộc đã chủ động, linh hoạt hơn trong việc điều hành, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, đặc biệt các nhiệm vụ chính trị do Trung ương, thành phố và Thành đoàn Hà Nội giao cho. Chất lượng các hoạt động ngày càng được tổ chức hiệu quả và được dư luận xã hội đánh giá cao.
|
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh phát biểu tại buổi làm việc |
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, từ năm 2018, Thành đoàn Hà Nội đã tiến hành rà soát và thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy tại cơ quan Thành đoàn giảm từ 11 phòng, ban xuống còn 7 ban; Đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc đã giảm từ 8 đơn vị xuống còn 5 đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả trên, giai đoạn 2016-2021, tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành đoàn Hà Nội còn tồn tại việc sử dụng tài sản công để cho thuê, liên doanh, liên kết khi chưa có Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc này có nguyên nhân chủ quan là các đơn vị còn lúng túng, chưa chủ động trong việc nghiên cứu các quy định của pháp luật để thực hiện lập Đề án sử dụng tài sản công trong việc cho thuê, liên doanh liên kết.
Bên cạnh đó cũng có những nguyên nhân khách quan như: Dự án cải tạo, sửa chữa Nhà văn hóa học sinh sinh viên Hà Nội gần 10 năm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư nhưng vẫn chưa được phê duyệt để triển khai thực hiện chống xuống cấp kịp thời cho công trình; Dự án xây dựng Cung văn hóa thể thao Thanh niên Hà Nội sau hơn 15 năm thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư dự án vẫn chưa được phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Từ đó, Thành đoàn Hà Nội đề nghị TP tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các chủ đầu tư dự án và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để các dự án sớm được phê duyệt.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Tại buổi giám sát, các đại biểu đề nghị Thành đoàn Hà Nội làm rõ các nội dung trong tổ chức thực hiện về cơ chế mua sắm tập trung, đặc biệt làm rõ việc tiết kiệm có làm ảnh hưởng tới công việc chung; Đồng thời, làm rõ việc ban hành chương trình, xây dựng tiêu chuẩn định mức riêng biệt cho đơn vị thành viên trong việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí... Cũng như việc tự kiểm tra, thanh tra công tác này tại đơn vị...
Theo Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh, thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí không phải vì được giao hay bị áp chỉ tiêu mới làm mà cần được thực hiện thường xuyên, tự giác. Chính vì vậy, ngay đầu mỗi nhiệm kỳ, Thành đoàn Hà Nội đều ban hành văn bản về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Có báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm và cuối năm; Đồng thời thực hiện thanh tra 2 năm 1 lần để khắc phục kịp thời các sai sót. Ngoài ra, đơn vị cũng chủ động trong việc linh động xã hội hóa tổ chức các sự kiện để vẫn đạt hiệu quả và tránh rủi ro không cần thiết.
|
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai kết luận buổi làm việc |
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh, việc lựa chọn Thành đoàn Hà Nội để giám sát trực tiếp chuyên đề này nhằm mục tiêu lan tỏa thực hành tiết kiệm lãng phí trong thanh niên; Đồng thời thông qua đánh giá sự chủ động, sáng tạo trong thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí tại Thành đoàn Hà Nội, Đoàn ĐBQH sẽ có những đề xuất, báo cáo với Quốc hội nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Qua nghe báo cáo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội ghi nhận, Thành đoàn Hà Nội đã có sự chủ động, sáng tạo trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mặc dù không ban hành chuyên đề nhưng đơn vị đã có sự lồng ghép nội dung này trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và bằng các chương trình đặc thù. Đáng lưu ý, Thành đoàn Hà Nội đã thực hiện sắp xếp tinh giản biên chế hiệu quả, tăng số lượng đơn vị tự chủ.
“Đây là việc vô cùng khó, nhất là tự chủ 100%. Trong giai đoạn 2019 đến nay, Thành đoàn Hà Nội đã có 3/5 đơn vị tự chủ 100%, tiết kiệm chi thường xuyên hơn 29 tỷ đồng” – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội ghi nhận.
Thời gian tới, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai yêu cầu Thành đoàn Hà Nội khẩn trương ban hành chương trình chuyên biệt về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Trong đó chú trọng xây dựng chương trình riêng cho năm 2022 với các tiêu chí cụ thể và ban hành rộng rãi làm căn cứ đánh giá kết quả tai các đơn vị trực thuộc.
Cùng đó, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức đầy đủ, đúng về Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan Thành đoàn; Tăng cường công tác tự kiểm tra, đặc biệt chú trọng vai trò giám sát trong thực hiện nội dung này...
Tú Linh (Báo Tuổi trẻ Thủ đô)
Link: https://tuoitrethudo.com.vn/khan-truong-ban-hanh-chuong-trinh-chuyen-biet-ve-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-193035.html