15:12 12/06/2020 1107
1. Có năm cách giao tiếp với cấp dưới trong văn hóa lãnh đạo của Hồ Chủ tịch
- Chỉ đạo, biết ủy quyền: "thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ. Nhưng phải luôn luôn tùy hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác, để cho họ phát triển năng lực và sáng kiến của họ...".
- Nâng cao, phát huy sáng kiến: kịp thời biểu dương những sáng kiến, động viên, khen ngợi kịp thời.
- Kiểm tra, cải tạo: thái độ đối với những khuyết điểm của cấp dưới cần khoan dung, nhân ái, giúp đỡ họ thấy rõ nguyên nhân và chỉ cho họ cách khắc phục, tránh mắng mỏ, xúc phạm nhân cách của họ.
- Đánh giá: đánh giá cấp dưới phải khách quan công bằng, bao dung, độ lượng, không hẹp hòi, xoi mói, bắt bẻ, cố chấp.
- Giúp đỡ: "phải luôn dùng lòng nhân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc. Và phải luôn luôn kiểm soát cán bộ".
- Biết lắng nghe: "Không nên tự tôn, tự đại mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới".
2. Đối với cấp trên:
- Cần có thái độ tôn trọng, kính trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
- Nghiêm túc chấp hành quyết định của cấp trên, nếu có gì thắc mắc cần trình bày thẳng thắn trung thực, thuyết phục để cấp trên hiểu.
- Cần có thái độ trung thành, trung thực, thẳng thắn, khiêm tốn trong quan hệ với cấp trên, không a dua, xu nịnh, luồn cúi.
- Cần phải báo cáo khách quan trung thực, không gây nhiễu thông tin, thông tin truyền lên cấp trên phải đúng đắn để cấp trên có biện pháp xử lý hiệu quả.
3. Quan hệ với đồng cấp, chú ý:
- Cần khiêm tốn nhã nhặn khi trao đổi bàn bạc những ý kiến về những vấn đề phối hợp trong hoạt động hành chính với những người đồng cấp.
- Chú ý lắng nghe ý kiến của nhau, không chủ quan, vội vàng cho ý kiến của mình là tuyệt đối đúng. Cùng nhau thảo luận để tìm ra ý kiến chung hoặc thuyết phục đồng nghiệp hiểu vấn đề mình nói, nếu chúng ta thấy ý kiến của mình là đúng.
- Biết phối hợp, đoàn kết, thương yêu nhau và chia sẻ hệ thống giá trị chung của tổ chức, trên cơ sở tôn trọng giá trị và nhân cách của nhau.
4. Quan hệ đối với nhân dân, cần nâng cao vai trò của văn hóa phục vụ
- Sự nghiệp văn hóa Hồ Chí Minh là sự nghiệp vì dân, theo Người, suy nghĩ, hành động, sáng tác đều xuất phát từ cái Tâm: vì nhân dân phục vụ. Người đã từng nói vào năm 1946 "Tôi thiết tha mong muốn cho nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở".
- Trong giao tiếp với dân, Người luôn tâm niệm phục vụ nhân dân làm khuôn phép cho giao tiếp hành chính. Người viết: Dân rất tốt, vì thế bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của dân mà làm, cách làm việc tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo.v.v... của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn mẫu: "Từ trong quần chúng mà ra, về sâu trong quần chúng".
- Phong cách giao tiếp ứng xử với dân trước hết là kính trọng, lễ phép, không hống hách, cửa quyền, hách dịch, quan liêu, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của dân đồng thời giải quyết kịp thời những vướng mắc, đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân.
Tóm lại, trong giao tiếp hành chính cần quán triệt Tư tưởng Hồ Chí Minh trong mọi suy nghĩ, tình cảm và hành động của mọi người, thể hiện trình độ văn hóa giao tiếp cao thông qua ngôn ngữ, thái độ, cử chỉ, tác phong, hành vi... đối với đối tượng giao tiếp. Cán bộ, công chức hành chính cần luôn rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong, thái độ và hành vi ứng xử trong hoat động hành chính để đem lại hỉệu lực và hiệu quả của quản lý hành chính.
Sưu tầm