“Hiến kế” phát triển tổ chức Đội trong tình hình mới

14:12 08/05/2021        1392



Hiện nay, tình hình kinh tế, chính trị của Thủ đô có nhiều chuyển biến, cách tiếp cận thông tin nhiều chiều, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Trước những khó khăn, thách thức, phương thức hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội phải đổi mới là một tất yếu.

Đây cũng là vấn đề được Thành đoàn - Hội đồng Đội thành phố Hà Nội đưa ra tại Tọa đàm “Đổi mới phương thức hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội trong tình hình hiện nay". Ở diễn đàn này, các cán bộ Đoàn, Đội phân tích làm rõ những thuận lợi, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đội và phong trào thiếu nhi Thủ đô.

ng cao năng lực đội ngũ giáo viên phụ trách

Theo anh Phạm Nam Hải, Phó Bí thư Quận đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội quận Hà Đông, Hà Nội, nâng cao năng lực là quá trình bồi dưỡng, học hỏi kiến thức, kỹ năng, những cái mới. Biện pháp ổn định, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên làm Tổng phụ trách Đội và giáo viên chủ nhiệm – Phụ trách chi đội, Phụ trách nhi đồng là sử dụng những cách thức để giúp những cá nhân có thể có điều kiện làm việc trong môi trường biến động và được tạo điều kiện để học hỏi, trau dồi thêm kỹ năng, kinh nghiệm.

Tọa đàm “Đổi mới phương thức hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội trong tình hình hiện nay" do Thành đoàn - Hội đồng Đội thành phố Hà Nội tổ chức

Anh Hải cho rằng, cần khảo sát trình độ, kỹ năng của đội ngũ giáo viên làm Tổng phụ trách Đội và giáo viên chủ nhiệm – Phụ trách chi đội, Phụ trách nhi đồng hàng năm để có căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho phù hợp, thiếu hụt kỹ năng nào thì tập trung nhiều và bồi dưỡng kỹ năng ấy. Công tác tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho giáo viên bằng nhiều hình thức, trong đó tận dụng tối đa ưu thế của khoa học công nghệ, internet để tập huấn online, trực tiếp, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm thực tế...

Hội đồng Đội xây dựng các mô hình điểm giao cho một liên đội chủ trì đăng cai, rồi triệu tập giáo viên Tổng phụ trách các liên đội khác tới học tập và lan tỏa. Qua đó các liên đội trực tiếp đảm nhận mô hình điểm sẽ được nâng cao rất nhiều kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm. Trong công tác cần tận dụng tốt đa tiện ích của mạng xã hội trong điều hành, chỉ đạo và đăng tải các tin, bài hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi. Thực tế việc triển khai qua các hội, nhóm Zalo, Facebook rất cần thiết và kịp thời, việc đăng tải tin bài vừa góp phần lan tỏa các phong trào Đội, vừa cổ vũ, động viên, khích lệ các liên đội cùng tham gia thực hiện phong trào Đội.

Tại các hội, nhóm cũng là nơi giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau giữa giáo viên Tổng phụ trách của các liên đội, rất nhiều giáo viên Tổng phụ trách Đội kỳ cựu, nhiều năm kinh nghiệm đã giúp đỡ, hướng dẫn về nghiệp vụ công tác Đội cho các giáo viên mới.

Chị Nguyễn Thị Hải Yến (Hội đồng Đội quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khẳng định, không ai có thể phủ nhận được vai trò và tầm quan trọng của tổ chức Đội trong nhà trường. Với cương vị “đầu tàu” thu hút, tập hợp, đoàn kết các đội viên Đội TNTP Hồ Chí Minh, người giáo viên làm Tổng phụ trách Đội, Phụ trách chi, Phụ trách lớp nhi đồng đóng vai trò hết sức quan trọng. Do đó, việc ổn định, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên làm Tổng phụ trách Đội và đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, Phụ trách chi đội, Phụ trách nhi đồng hết sức cần thiết.

Theo chị Yến, đội ngũ cán bộ phụ trách Đội cần thường xuyên được tham gia các buổi tập huấn. Đây không chỉ là cơ hội để các giáo viên làm công tác phụ trách Đội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác đội và phong trào thiếu niên, nhi đồng trong trường học mà còn để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện, chú trọng phát triển nhân cách, kỹ năng.

Cán bộ Đoàn, Đội "hiến kế" phát triển tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội trong tình hình mới

Tổ chức Hội, nhà trường cần thường xuyên quan tâm, khích lệ động viên đội ngũ cán bộ phụ trách Đội. Họ là những người thầy, người cô vừa đảm nhận giảng dạy các bộ môn văn hóa nhưng với sự nhiệt tình, trách nhiệm, tình yêu nghề, các thầy cô đã gánh vác trên vai một nhiệm vụ quan trọng nặng nề với mong muốn đưa phong trào thanh thiếu niên, nhi đồng tại các trường học ngày một đi lên. Đó là những nỗ lực, đam mê rất đáng ghi nhận. Bên cạnh đó cần có hệ thống các bài giảng, tài liệu minh họa sinh động, đổi mới nội dung, hình thức để cán bộ phụ trách Đội triển khai một cách có hiệu quả, linh hoạt.

Khích lệ tinh thần của cán bộ Đội, đội viên

Đại diện Hội đồng Đội quận Tây Hồ, Hà Nội cho rằng, trong công tác xây dựng tổ chức Đội thì lực lượng chỉ huy Đội rất quan trọng. Đó là Ban chấp hành liên đội, chi đội. Đây là lực lượng chính điều hành mọi hoạt động của Đội, là yếu tố quyết định sự thành công của công tác Đội và phong trào thiếu nhi. Ban chấp hành Đội giỏi, có năng lực tự quản tốt thì các hoạt động liên đội mới mạnh, giáo viên – Tổng phụ trách cũng sẽ đỡ vất vả mà liên đội vẫn đạt hiệu quả cao.

Đội viên, thiếu nhi Thủ đô thể hiện tài năng

Vì thế, cần phát hiện, lựa chọn đào tạo nguồn, đây là yếu tố quan trọng đầu tiên để tiến tới có một đội ngũ cán bộ Đội thật sự giỏi. Muốn vậy, Tổng phụ trách phải xây dựng tiêu chuẩn hướng dẫn giáo viên – Phụ trách chi dựa vào các tiêu chí, quan tâm để ý phát hiện những em có khả năng, giao việc giúp các em có nhiều cơ hội được rèn luyện, thể hiện bản thân mình, thông qua Phụ trách chi, Phụ trách lớp nhi đồng, góp ý các em hoàn thành những hoạt động ở lớp, ở liên – chi đội.

Vì tổ chức Đội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản nên cán bộ Đội phải hiểu rõ Điều lệ Đội, nguyên tắc hoạt động của tổ chức; Đặc biệt, nắm chắc chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi, cách thức triển khai từng hoạt động. Sau đó cho các em dựa vào khả năng của mình tự xung phong đảm nhận nhiệm vụ; Tập huấn kỹ hơn từng hoạt động về kỹ năng, nghiệp vụ, hình thức triển khai... để các em hiểu rõ hơn, chủ động xây dựng ý tưởng, kế hoạch, trong các hoạt động của Đội. Tổng phụ trách chỉ ở cương vị hướng dẫn các em đi đúng hướng, kết nối các em với nhau để cùng triên khai hoạt động có hiệu quả.

Tổng phụ trách cũng phải kiên trì huấn luyện và tạo nhiều cơ hội để các em tự phát huy năng lực, vai trò, trách nhiệm của mình. Thực tế, có những Tổng phụ trách chưa có kinh nghiệm nên sợ tập huấn cán bộ Đội mất thời gian. Nếu biết cách huấn luyện các em thì chỉ mất thời gian đầu vất vả. Sau đó tất cả hoạt động trong suốt năm học các em sẽ thạo, tự chủ động giải quyết phát huy đúng tinh thần tự quản của tổ chức Đội. Còn nếu Tổng phụ trách cứ làm thay, ngại huấn luyện và giao việc, một mình ôm đồm rất vất vả mà hiệu quả chưa chắc đã cao vì chính các em là nhân tố lan tỏa, thu hút được nhiều bạn đội viên cùng tham gia.

Ngoài các biện pháp quan trọng trên, việc tổ chức thi đua đánh giá, động viên, khen thưởng kịp thời rất cần thiết. Nếu chỉ giao việc cho cán bộ Đội, góp ý đúng, sai thì dần dần các em sẽ chán nản, ngại việc. Thay vào đó, giáo viên – Tổng phụ trách hãy luôn gần gũi, thể hiện sự thân mật, coi các em như những người bạn để các em vui vẻ, không ngại chia sẻ những khó khăn vướng mắc mình đang gặp phải, giúp kịp thời tháo gỡ, giải quyết được công việc hay tình huống tốt hơn. Đặc biệt, cô giáo cần động viên khen thưởng kịp thời dù là những món quà nhỏ. Cuối kỳ cần tổ chức tự đánh giá, bình bầu thi đua, tuy nhiên, tránh nặng nề, cần tạo cho các em sự thoải mái, vui vẻ và công bằng.

Đội viên, thiếu nhi Thủ đô tìm hiểu về khoa học kỹ thuật

Để nâng cao vai trò tự quản của đội ngũ cán bộ Đội, giáo viên – Tổng phụ trách Đội ngoài tình yêu, đam mê, nhiệt huyết phải hiểu rõ về tổ chức Đội, có kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ chắc thì rất cần sự kiên trì, tỉ mỉ trong công tác phát hiện, lựa chọn và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đội. Các thầy cô giúp các em hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình để tích cực rèn luyện các kỹ năng, nghiệp vụ... và thêm vững vàng; Nâng cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo, khích lệ các em yêu thích công việc, đoàn kết cùng nhau chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động Đội hiệu quả.

Em Hoàng Thùy Dương, Chi đội 8A1, Liên đội THCS Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ - Chủ nhân Thăng Long" là danh hiệu bất cứ học sinh nào đều ao ước. Để đạt được danh hiệu này mỗi cá nhân đội viên cần phải có trách nhiệm cố gắng rèn luyện, học tập cũng như tu dưỡng đạo đức.

Thuỳ Dương cho rằng: “Mỗi học sinh, thiếu nhi là một búp măng non tươi trẻ, là chủ nhân của đất nước, tương lai của Việt Nam. Để búp măng ấy được trưởng thành, trở thành những rặng tre kiên cố làm thành lũy bảo vệ Tổ quốc thì ta cần phải nỗ lực trau dồi tri thức, học tập thật tốt. Học để trưởng thành, để hoà nhập với cuộc sống văn minh, có khả năng thích ứng với tiến bộ khoa học. Học là việc cần thiết suốt đời bởi tri thức nhân loại là một kho tàng vô cùng phong phú. Nó như biển cả mênh mông mà sự hiểu biết của con người lại có hạn.

Hiện nay trình độ khoa học kỹ thuật, văn hóa tri thức ngày càng phát triển, càng có nhu cầu đòi hỏi cao đối với con người. Nếu chúng ta ngừng học tập thì sẽ bị lạc hậu, tụt lùi, không đảm đương được các công việc được giao, không hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Không ngừng học tập thì mới trở thành người có ích cho gia đình và cho xã hội”.

Theo cô bé, bên cạnh việc mở mang kiến thức, ta cần phải chú tâm trau dồi đạo đức, noi theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Xây dựng và bồi dưỡng đạo đức ở mỗi con người là công việc quan trọng nhất. Không những luôn tuân thủ những chuẩn mực xã hội hay quy định luật pháp, học sinh cần thực hiện rèn luyện đạo đức về mọi mặt. Trong quan hệ với bạn bè phải đoàn kết, hòa đồng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Trong mối quan hệ với thầy cô phải biết kính trọng lễ phép. Còn đối với gia đình phải kính trên nhường dưới hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, giữ gìn và phát huy truyền thống gia đình... Làm được những điều đó, thiếu niên, nhi đồng sẽ trở thành những công dân tốt, sống có ích cho xã hội.

Lê Dung (Báo Tuổi trẻ Thủ đô)

Link: https://tuoitrethudo.com.vn/hien-ke-phat-trien-to-chuc-doi-trong-tinh-hinh-moi-162458.html

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC