14:56 18/01/2022 1299
Khi được hỏi về môn học nào nhàm chán và khó hiểu nhất của sinh viên đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hiện nay ở nước ta, không ít sinh viên sẽ trả lời là các bộ môn tư tưởng chính trị. Vậy các môn học tư tưởng, chính trị có thực sự khô khan như vậy không, hay do người dạy chưa biết cách làm “mềm” kiến thức, tăng sức hấp dẫn, người học chưa cởi mở, không biết học để làm gì và khư khư tâm lý “học cho qua”.
Nặng lý thuyết, sách vở
Có nhà tư tưởng từng nói rằng “nhét tư tưởng của mình vào đầu người khác” là một việc cực kỳ khó, quả không sai. Các bộ môn tư tưởng chính trị ở bất cứ quốc gia nào đều rất được quan tâm giáo dục nhưng số lượng sinh viên yêu thích bộ môn này không nhiều, trừ những sinh viên đam mê thực sự, có định hướng rõ ràng với sự nghiệp chính trị.
Ở Việt Nam hiện nay, sinh viên bắt đầu nhập học sẽ được học ngay các bộ môn tư tưởng, chính trị khiến một số sinh viên đang khao khát tìm hiểu về ngành nghề học bị hụt hẫng, mất đi nhiệt huyết ban đầu. Đối với hệ đại học, số tín chỉ không phải là ít, có thể chiếm nguyên một học kỳ hoặc hơn.
Ngay như bộ môn “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin” đã được chia thành ba học phần gồm: “Triết học Mác - Lênin” (3-4 tín chỉ), “Kinh tế Chính trị Mác - Lênin” (3 tín chỉ), “Chủ nghĩa xã hội khoa học” (2-3 tín chỉ). Kèm theo đó là các môn khác như “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” (3 tín chỉ), “Tư tưởng Hồ Chí Minh” (3 tín chỉ), “Pháp luật đại cương” (3 tín chỉ). Đối với một số trường đặc thù trường Đảng như Học viện Báo chí và Tuyên truyền còn phải học thêm một số môn bắt buộc như “Chính trị học” (3 tín chỉ), “Xây dựng Đảng” (3 tín chỉ), “Nguyên lý quản lý kinh tế” (3 tín chỉ)... Với lượng kiến thức chính trị, tư tưởng lớn và dày đặc như thế này khiến sinh viên nhàm chán và cảm thấy nặng nề, áp lực thi cử là điều dễ hiểu. Bản thân người viết là cựu sinh viên Báo chí K31 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cảm thấy khối lượng kiến thức như vậy là quá tải và ít hiệu quả thực tiễn, học trước quên sau.
Chưa kể thêm, phương pháp giảng dạy các bộ môn tư tưởng, chính trị còn cũ kỹ, rập khuôn và thiếu sự sáng tạo. Giảng viên dựa quá nhiều vào những quyển giáo trình dày cộp, kinh điển đã tái bản hàng chục lần, không hình ảnh minh họa, ít ví dụ liên hệ thực tế, cách kiểm tra theo kiểu “học vẹt” thì được điểm cao, dạy thao thao bất tuyệt đọc chép là chủ yếu. Sinh viên được giảng viên cho sẵn bộ câu hỏi, tự làm đề cương, sinh viên nào có khả năng nhớ tốt, viết dài sẽ qua môn dễ dàng và mọi kiến thức sẽ rất nhanh quên. Kiểu học này không khác gì so với học văn mẫu ở cấp học phổ thông, thiêu rụi khả năng tiếp nhận và sáng tạo, vận dụng của người học. Vì vậy, sinh viên không những không hào hứng với các bộ môn chính trị tư tưởng mà còn cảm thấy sợ, áp lực.
Đổi mới phương pháp, cắt giảm rườm rà
Việc sinh viên phải học ngay các bộ môn tư tưởng, chính trị khi mới nhập học sẽ dễ làm sinh viên giảm sự háo hức về ngành học đã chọn, vô hình trung các bộ môn này trở thành rào cản tới sự đam mê của sinh viên. Vậy nên, theo tôi cần sắp xếp các môn tư tưởng, chính trị trải dài trong suốt khóa học, đặc biệt nên đẩy lùi dần về phía cuối khóa học. Sinh viên sớm được trang bị kiến thức ngành, kỹ năng nghề có thể tăng thêm thời gian tự thực hành nghề nghiệp, đi làm thêm về ngành học giúp trau dồi kỹ năng. Khi gần tốt nghiệp, sinh viên được trang bị kiến thức chính trị, tư tưởng sẽ chắc chắc hơn khi bước ra trường đời, tránh sa ngã vào các tệ nạn xã hội, tận tâm cống hiến cho đất nước và kiến lập sự nghiệp bản thân. Sinh viên hiểu được bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng thì mới tin vào Đảng, tin vào hệ thống chính trị.
Ngoài ra, trong thời đại công nghệ 4.0 đang rất phát triển, giảng viên cần áp dụng các phương pháp học mới vào giảng dạy, đặc biệt là tận dụng công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội. Thay vì các hình thức đọc chép cũ kỹ, lật giở từng trang giáo trình, giảng viên hãy thiết kế thành các slide, inforgraphic, video... hoặc lấy các video trên mạng in-tơ-nét phát ngay trong bài giảng. Tổ chức lớp học thành các nhóm, tạo cuộc thi trắc nghiệm trên ứng dụng Kahoot, xây dựng tình huống, hoặc mô phỏng cuộc thi “Ánh sáng soi đường” về tìm hiểu các bộ môn chủ nghĩa Mác - Lênin do Trung ương Đoàn tổ chức. Trao quyền tự chủ cho các nhà trường, mỗi nhà trường cần chủ động biên soạn, tinh gọn giáo trình chung để phù hợp với đặc thù ngành nghề, giảm bớt khối lượng kiến thức không cần thiết. Cần liên tục gắn kết việc học tập chính trị, tư tưởng vào công việc tương lai của sinh viên, tuyệt đối đừng bao giờ tách rời thì mới thấy được vai trò của môn học.
Giảng viên cần tương tác với sinh viên nhiều hơn, đặt câu hỏi mở, trao đổi, bàn luận về các vấn đề thời sự chính trị và vận dụng kiến thức lý thuyết vào bối cảnh thực tế. Giảng viên có thể yêu cầu sinh viên xem buổi thời sự lúc 19h trên kênh VTV1, nắm các sự kiện chính trị đang diễn ra trên thế giới và Việt Nam, từ đó vận dụng kiến thức đang học và lý giải, như vậy sẽ thiết thực và dễ hiểu hơn rất nhiều. Giới thiệu đến sinh viên một số báo chính thống như: Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo điện tử Chính phủ..., các tạp chí chính thống như: Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Xây dựng Đảng… và cập nhật nhiều thông tin hữu ích, cùng truy cập và bàn luận thực tế các vấn đề nóng hổi của đất nước và thế giới.
Về phương pháp kiểm tra, đánh giá, các trường đại học, cao đẳng hãy mạnh dạn bỏ hình thức thi viết truyền thống hay hình thức tiểu luận mang nặng tính đối phó mà hãy kiểm tra bằng hình thức vấn đáp. Hình thức vấn đáp, giảng viên sẽ dễ nắm bắt được sinh viên có hiểu bài hay không, có biết vận dụng vào thực tế hay không qua chính cách trả lời của sinh viên. Các câu hỏi ngoài lề còn kích thích khả năng sáng tạo của sinh viên, buộc sinh viên phải trang bị độ phủ kiến thức rộng, hiểu bản chất và đối đáp khoa học. Ngoài ra, hình thức thi vấn đáp còn cải thiện khả năng thuyết trình, giao tiếp của sinh viên, giúp sinh viên tự tin hơn, bình tĩnh hơn và giúp sinh viên hình thành kỹ năng xử lý tình huống động.
Bám sát hơi thở cuộc sống
Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất đưa dân tộc đạt đến mọi thắng lợi từ khi ra đời năm 1930. Vậy nên, chúng ta học các bộ môn tư tưởng chính trị nhằm mục đích phục vụ giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, đời sống chứ không phải học để thuộc, học để qua môn hay học để đó. Nếu chỉ học để đối phó sẽ tốn thời gian cho cả hai phía, hãy làm cho sinh viên hiểu bầu cử là gì, bầu cử ở nước ta khác nước ngoài như thế nào. Các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có vai trò như thế nào trong cuộc sống, mô hình tổ chức kinh tế ở các nước xã hội chủ nghĩa khác tư bản chủ nghĩa ở chỗ nào, các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước có mối quan hệ như thế nào... s ẽ hấp dẫn hơn rất nhiều so với kiến thức “kinh điển” trong giáo trình.
Những lý luận của Các Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin và các bậc cách mạng tiền bối khác mang tính chất nền tảng và vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn và hơi thở thời đại. Nếu như truyền khối lượng kiến thức khổng lồ, rập khuôn của gần 200 năm trước vào thế hệ trẻ thì rất khó khăn và hiệu quả không cao. Thay vào đó, phải là sự vận dụng lý luận đó vào giải quyết công việc thực tiễn như vai trò của tổ chức đảng như thế nào trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, vai trò lãnh đạo của Đảng trong phục hồi kinh tế, tập trung dân chủ là gì, nghị quyết là như thế nào, mối quan hệ của tổ chức đảng với các tổ chức chính quyền... hoặc đơn giản là tìm hiểu công việc hằng ngày của một bí thư chi bộ tại địa phương.
Để thay đổi không khí lớp học các bộ môn tư tưởng chính trị, cần thiết mời những bí thư chi bộ địa phương nơi trường đặt trụ sở về trao đổi chuyên đề thay vì giảng viên tuy rất nhiều tri thức nhưng ít hoạt động thực tế. Bí thư chi bộ chỉ cần chia sẻ về lý do gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, quá trình công tác, công việc hằng ngày của một bí thư chi bộ, các khoản đóng góp, lương hoặc phụ cấp, cách phối hợp làm việc với các đảng viên trong chi bộ và cấp ủy cấp trên... Tôi tin chắc không khí lớp học sẽ sôi động hơn rất nhiều, đó là một buổi nói chuyện rất ý nghĩa mang hơi thở cuộc sống chứ không phải tập lý thuyết dày cộp nghe tai này chảy ra tai kia.
TS. Trần Bách Hiếu, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Chính trị học, Khoa Chính trị học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Các môn lý luận chỉ khô khan khi người dạy khô khan. Do vậy, cần phải biến những tri thức chính trị, lý luận khô khan trở nên gần gũi nhất, thiết thực nhất với người học. Từ suy nghĩ đó, bản thân tôi luôn cố gắng làm “mềm hóa” các kiến thức kinh viện, khô khan thành những bài giảng lý thú, hấp dẫn. Nếu người truyền thụ biết đưa những kiến thức thực tế vào bài giảng, làm cho lý thuyết trở thành đời sống thì nó sẽ sống động và có sức hấp dẫn. Thế nên, dù dạy cho sinh viên thuộc chuyên ngành nào cũng không thể làm “khó” tôi. Tiêu chí của tôi là sẽ luôn đưa các dẫn chứng gần với ngành học của các sinh viên nhất, để các em thấy bộ môn lý luận chính trị không phải là các kiến thức cao siêu như lâu nay các em vẫn lầm tưởng. Tôi tin rằng, nó còn định hướng lý tưởng, công việc rất tốt cho các em sau này.
Kịp thời ngăn chặn thông tin giả mạo, phản động
Bên cạnh lợi thế của công nghệ thời đại 4.0 thì mạng xã hội còn tồn tại không ít thông tin xấu độc, xuyên tạc, giả mạo... đánh vào tâm lý tò mò, hiếu kỳ của thanh niên, sinh viên. Đặc biệt, khi đất nước chuẩn bị diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng như bầu cử, Đại hội Đảng, họp Quốc hội hay một lãnh đạo cấp cao nào đó nghỉ hưu, qua đời. Nhân lúc mối quan tâm đang dồn về đó, thế lực thù địch lái dư luận đi theo chiều hướng tiêu cực, cung cấp thông tin sai lệch nhằm bôi nhọ, làm xấu đi bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa dựa trên chiêu bài dân chủ, dân quyền.
Để ngăn chặn âm mưu chống phá trên, trước hết phải trang bị cho sinh viên kiến thức để nhận diện âm mưu chứ không nên vội vã dùng các biện pháp cưỡng ép hành chính. Nếu dùng các biện pháp hành chính yêu cầu các nhà mạng gỡ bỏ thông tin, video ngay lập tức dễ dẫn đến tâm lý nghi ngờ, xuyên tạc “có tật giật mình” trong dư luận, trúng vào kế của các thế lực chống phá, diễn biến hòa bình.
Trong nhà trường, cần tổ chức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, giảng viên, sinh viên, nâng cao tinh thần cảnh giác trước những hoạt động phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, suy thoái đạo đức. Tổ chức đoàn thanh niên - hội sinh viên tích cực triển khai các hoạt động tìm hiểu, cuộc thi, phong trào thanh niên quần chúng, khơi dậy lòng yêu nước, khát khao cống hiến trong sinh viên.
Nhà trường cần có các tuần sinh hoạt, tập huấn cho sinh viên về cách ứng xử trên mạng xã hội, không bình luận hay chia sẻ các bài viết, video có nội dung chưa được kiểm chứng, viết theo lối suy diễn một chiều và nhận diện một số trang Fanpage phản động, giả mạo trên mạng xã hội.
Ngoài ra, nhà trường cần có các góc bản tin trực tiếp trên không gian mạng và tích cực cập nhật các tiện ích trên mạng xã hội, nhận diện các chiêu trò đánh cắp thông tin, dụ dỗ để phổ biến đến sinh viên. Liên tục khơi dậy trong sinh viên tinh thần đấu tranh là “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, dùng tích cực để đẩy lùi tiêu cực, lấy xây để chống”, đẩy lùi lối sống buông thả, suy thoái, lai căng trong một bộ phận sinh viên.
ThS. Nguyễn Văn Công - Trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội