10:22 04/04/2019 1442
Ngày 4/4, tại Hà Nội, Công ty Cisco ra mắt báo cáo “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” (tên gốc là Cisco APAC SMB Digital Maturity Index). Báo cáo chỉ rõ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tại Việt Nam đang bước đầu đầu tư vào đám mây, an ninh mạng và nâng cấp phần mềm và phần cứng CNTT trong bối cảnh đa số họ đã bắt đầu chuyển đổi kỹ thuật số.
Được thực hiện b Công ty nghiên cứu IDC dựa trên một cuộc khảo sát độc lập với 1.340 doanh nghiệp, báo cáo đánh giá sự phát triển kỹ thuật số của các DNVVN ở bốn khía cạnh kinh doanh: tiếp nhận và ứng dụng công nghệ, chiến lược và tổ chức chuyển đổi kỹ thuật số, quy trình và quản lý, cuối cùng là khả năng tìm kiếm, quản lý và duy trì nhân lực giỏi phục vụ quá trình số hóa.
Từ bốn khía cạnh trên, các DNVVN ở khu vực ASEAN, ngoại trừ Singapore, được xếp vào giai đoạn “Thờ ơ với kỹ thuật số”. Giai đoạn này được định nghĩa là khoảng thời gian mà các nỗ lực kỹ thuật số của doanh nghiệp dừng ở mức phản ứng với thay đổi của thị trường nhiều hơn là phát triển theo các phương thức chủ động.
Khi các DNVVN tại Việt Nam số hoá hơn, không ngạc nhiên khi Đám mây là công nghệ mà họ đầu tư nhiều nhất (18%).Điều này phù hợp với xu hướng áp dụng điện toán đám mây trên toàn khu vực, bởi công nghệ cho phép các DNVVN mở rộng nhanh chóng khi có nhu cầu mà không phải đầu tư nhiều vốn vào cơ sở hạ tầng CNTT.
Bên cạnh đó, họ cũng áp dụng các công nghệ An ninh mạng với 12.7% số doanh nghiệp cho rằng An ninh mạng là một trong ba công nghệ hàng đầu nên được đầu tư nhiều nhất. Điều này khẳng định họ đặt vấn đề bảo mật lên trên và làm trọng tâm của hành trình chuyển đổi kỹ thuật số.
Việc sở hữu cơ sở hạ tầng CNTT phù hợp đóng vai trò rất quan trọng trong đáp ứng nhu cầu ngày càng mạnh mẽ của các DNVVN Việt Nam và đảm bảo thành công lâu dài. Các DNVVN nhận ra tầm quan trọng này và có 10.7% cho biết họ đang đầu tư vào việc nâng cấp phần mềm và phần cứng CNTT.
Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, chia sẻ: “Các DNVVN tại Việt Nam đang số hóa nhanh chóng và khai thác sức mạnh của công nghệ để mở rộng doanh thu đồng thời tiếp cận khách hàng ngày càng rộng hơn, vượt khỏi biên giới địa lý. Với sự hỗ trợ của Chính phủ và các tập đoàn, các DNVVN sẽ thực sự thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đến giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Cisco đóng vai trò xây dựng một nền tảng kỹ thuật số vững mạnh tại Việt Nam trên nhiều phương diện. Ví dụ, Học viện mạng Cisco đã đào tạo gần 36.000 học viên tại Việt Nam và hỗ trợ phát triển các kỹ năng số cho nguồn nhân lực của đất nước. Chúng tôi mong muốn tăng cường mối quan hệ đối tác với Chính phủ và với các DNVVN để thúc đẩy tiến trình số hóa tại Việt Nam”.
Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam phát biểu trước báo giới
Tuy nhiên, các DNVVN tại Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Các doanh nghiệp cho biết họ gặp phải các rào cản vì thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng CNTT đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16.7%) và thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15.7%)
Khảo sát từ quá trình tiến hành thực hiện báo cáo cũng tiết lộ rằng các sáng kiến của Chính phủ có tác động rõ rệt đến quá trình số hóa của các DNVVN tại Việt Nam. Đa số doanh nghiệp (64%) nói rằng họ nhận biết được các sáng kiến hỗ trợ DNVVN của Chính phủ và được hưởng lợi từ các chính sách đó. 30% còn lại biết đến nhưng chưa tham gia vào các chương trình này.
Ông Bidhan Roy, Giám đốc mảng Doanh nghiệp vừa và nhỏ & Phân phối khu vực ASEAN của Cisco chia sẻ:“Một trong những lợi thế lớn nhất của công nghệ là giúp các doanh nghiệp nhỏ mở rộng nhanh chóng mà không yêu cầu đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng CNTT. Khi các DNVVN trở nên “số hoá” hơn, các ứng dụng và dữ liệu của họ được lưu trữ trên đám mây, việc giữ chúng an toàn sẽ trở nên ngày càng quan trọng.
Việc sở hữu giao thức an ninh mạng và cơ sở hạ tầng CNTT phù hợp sẽ không chỉ hỗ trợ các DNVVN cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ lớn hơn mà còn cho phép các DNVVN trở thành một phần trong chuỗi cung ứng của các công ty lớn trên toàn cầu”.
Ông Bidhan Roy, Giám đốc mảng Doanh nghiệp vừa và nhỏ & Phân phối khu vực ASEAN của Cisco chia sẻ tại chương trình
Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị sau đây giúp đẩy nhanh tiến trình số hóa của các DNVVN tại Việt Nam:
Chuyển đổi kỹ thuật số là một hành trình: Đây không phải là một đua chạy nước rút mà là một cuộc chạy bộ đường dài. Các DNVVN phải liên tục đánh giá mức độ phát triển của họ trên cả bốn khía cạnh, và ưu tiên các sáng kiến chủ chốt để thu hẹp khoảng cách.
Đầu tư chiến lược: Các DNVVN cần một chiến lược và lộ trình chuyển đổi kỹ thuật số rõ ràng. Họ cần sử dụng chúng như một“kim chỉ nam” để đưa ra các quyết định đầu tư công nghệ chiến lược, những khoản đầu tư giúp họ giải quyết các thách thức chính và tận dụng các cơ hội tăng trưởng.
Thực hiện quá trình tự động hóa và số hóa: Các DNVVN nên tìm cách đạt được hiệu quả thông qua quá trình tự động hóa bằng cách tận dụng các công nghệ liên quan. Doanh nghiệp nên xây dựng các chính sách nhằm tiêu chuẩn hóa các quy trình. Khi tổ chức chạm đến giai đoạn trưởng thành trong hành trình chuyển đổi kỹ thuật số, họ nên tận dụng dữ liệu và các công nghệ kỹ thuật số để thay đổi quy trình, tăng tỷ lệ đổi mới và đạt được tốc độ nhanh chóng.
Đảm bảo sự đồng thuận: Việc thay đổi có thể gặp nhiều khó khăn, vì vậy các DNVVN cần đảm bảo sự đồng thuận từ các nhân viên và quản lý cấp cao. Họ cần xác định các nhân tố kỹ thuật sốhàng đầu trong doanh nghiệp và sớm đưa họ vào quy trình chuyển đổi. Họ nên tận dụng những nhân tố này làm chất xúc tác cho văn hóa thay đổi bằng cách khuyến khích hợp tác, chia sẻ các câu chuyện thành công và chấp nhận những rủi ro được tính toán trước.
Tìm kiếm một đối tác tin cậy: Nhiều DNVVN gặp khó khăn khi thực hiện chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số. Các DNVVN nên tìm kiếm một đối tác công nghệ giàu kinh nghiệm, mang đến dịch vụ tư vấn và quản lý dựán bên cạnh các hiểu biết về công nghệ. Khi đưa ra quyết định, điều quan trọng là tìm được các đối tác có kinh nghiệm làm việc trong và với hệ sinh thái DNVVN.
Báo cáo nhấn mạnh rằng hơn 60% các DNVVN trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã bắt đầu số hóa nhờ vào việc truy cập Internet được cải thiện và tỉ lệ sở hữu điện thoại thông minh ngày càng tăng.Các DNVVN này đang tái định nghĩa trải nghiệm và mong đợi của khách hàng, phá vỡ các ngành, trong khi vẫn nắm bắt tốtcác nguồn đầu tư và thúc đẩy nhiều cơ hội mới.
Thông tin về Cisco Cisco (mã giao dịch trên sàn NASDAQ: CSCO) là công ty công nghệ hàng đầu thế giới giúp Internet vận hành từ năm 1984. Con người, sản phẩm và các đối tác của chúng tôi giúp xã hội kết nối an toàn và nắm bắt cơ hội số của ngày mai ngay hôm nay. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập www.cisco.com và theo dõi chúng tôi trên Twitter tại @Cisco. Thông tin về Báo cáo về Chỉ số phát triển kỹ thuật số của DNVVN khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Cisco (Cisco APAC SMB Digital Maturity Index) Báo cáo được phát triển bởi Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) dựa trên một cuộc khảo sát với 1.340 DNVVN trên khắp 14 quốc gia lớn tại Châu Á – Thái Bình Dương: Australia, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam. DNVVN từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau như Dịch vụ Tài chính, Sản xuất, Xây dựng và Tài nguyên, Dịch vụ công, Dịch vụ, Cơ sở hạ tầng, Bán lẻ và Bán buôn, tham gia khảo sát. |
Theo TTTĐ