09:35 16/10/2019 2595
“Làm gì để hoạt động tình nguyện trở nên hấp dẫn, thu hút đông đảo thành phần thanh niên tham gia” là chủ đề của trung tâm thảo luận số 3 được tổ chức chiều 15/10. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ VII.
Tới dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Thiên Tú, Phó trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam; Nguyễn Khánh Bình, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội; Trần Phúc Lộc, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội.
Nhiều khó khăn, thách thức
Theo anh Trương Phi Long, Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội), việc thu hút, tập hợp thanh niên ở địa bàn dân cư ngày nay gặp nhiều khó khăn. Nhiều bạn học sinh lớp 9 đến tuổi kết nạp Đoàn nhưng lại không quan tâm đến tổ chức Đoàn, Hội là gì? Vì thế, việc thu hút họ đến với hoạt động tình nguyện cũng gặp khó khăn.
Anh Nguyễn Thiên Tú, Phó trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam phát biểu tại trung tâm thảo luận số 3 về hoạt động tình nguyện
Để giải quyết tình trạng này, Đoàn Thanh niên, Hội LHTN phường đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong quy định các tiêu chuẩn được kết nạp. Đặc biệt, tổ chức Đoàn, Hội đã tổ chức các hoạt động cho các em trải nghiệm để hiểu hơn giá trị cuộc sống cũng như những hoàn cảnh còn khó khăn. Trong đó, chương trình "Tuổi trẻ Thủ đô đồng hành cùng các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo" được quận Long Biên nói chung, phường Ngọc Thụy nói riêng thực hiện hiệu quả.
“Quá trình thực hiện chương trình này cũng gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quyết liệt, đeo bám và sáng tạo trong cách làm chúng mình đã tạo môi trường cho thanh học tập, rèn luyện. Sau mỗi chương trình, chúng mình đều nhận được những phản hồi rất tốt từ thanh niên nên các hoạt động tình nguyện sau dễ thu hút họ hơn” – anh Long chia sẻ.
Anh Lê Xuân Tùng, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho rằng, bên cạnh vấn đề tài chính, rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động tình nguyện. Trong đó, công tác chuyên môn chiếm quá nhiều thời gian, công việc áp lực khiến việc sắp xếp tham gia hoạt động tình nguyện của thanh niên gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là chuyến đi dài ngày. Bên cạnh đó, nhiều đoàn viên chưa ý thức được hết ý nghĩa của công tác tình nguyện nên chưa hào hứng tham gia.
Các đại biểu tham dự tại trung tâm thảo luận về hoạt động tình nguyện
“Để khắc phục những tình trạng đó, chúng mình liên tục tư duy và đưa ra những phương án cụ thể để có thể hoàn thành được kế hoạch đã đề ra. Chúng mình cũng luôn lập kế hoạch sớm, triển khai đồng bộ quyết liệt, đặc biệt cách làm mới mẻ nhưng hiệu quả, thiết thực để hấp dẫn, thu hút thanh niên tham gia. Chính vì vậy mỗi năm Đoàn Thanh niên & CLB Thầy thuốc trẻ bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức khoảng 15 -20 chương trình xung kích tình nguyện vì cộng đồng với nhiều hình thức khác nhau” – anh Tùng cho biết.
Tình nguyện bằng đạo đức và trí tuệ
Theo bạn Lê Kiều Trang, Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, đặc điểm riêng, nổi bật của thanh niên Hà Nội là luôn xung kích, đi đầu, dám đổi mới. Thế hệ trẻ ngày nay, được tiếp xúc với nhiều hình thức tình nguyện khác nhau nhưng cốt lõi là phải có đạo đức và trí tuệ.
Để hoạt động tình nguyện trở nên hấp dẫn cần ứng dụng cách mạng 4.0. Nhờ mạng internet, chúng ta có thể dễ dàng kết nối với những người cần giúp đỡ dù ở hai đầu đất nước. Mặt khác, chúng ta có thể kết nối được cả những người có mong muốn giúp đỡ cộng đồng.
Anh Trương Phi Long đến từ quận Long Biên chia sẻ về hoạt động tình nguyện
“Với sinh viên, hoạt động tình nguyện phải gắn liền với chuyên môn. Nghĩa là các bạn phải ứng dụng được kiến thức vào trong tình nguyện như thế hoạt động càng thêm ý nghĩa, thiết thực. Với lợi thế của sinh viên Đại học Luật có kỹ năng về giao tiếp, thuyết trình, trong mỗi hoạt động chúng mình luôn kết hợp tuyên truyền phổ biến, kiến thức pháp luật tới nhân dân. Từ đó, chúng mình góp phần cho các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội nhà trường hiệu quả hơn” - Kiều Trang nói.
Chia sẻ tại trung tâm thảo luận, anh Nguyễn Thiên Tú, Phó trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam cho rằng, về cơ bản thành công hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ cán bộ hội trong việc thiết lập các chương trình. Thanh niên bây giờ rất nhạy bén. Nếu thấy hoạt động không thiết thực họ sẽ chỉ đến một lần. Bên cạnh đó, cách thức làm cũng cần đổi mới để tránh nhàm chán. Trong mỗi hoạt động tình nguyện điều cốt lõi người cán bộ phải có phương pháp, nhiệt tình, trách nhiệm để thu hút được thanh niên.
“Tình nguyện không phải mang sức ra phục vụ cộng đồng mà bản thân chúng ta cũng nhận được những giá trị rất lớn. Ở đó, mỗi bạn trẻ có môi trường có cơ hội rèn luyện và trưởng thành. Thận thức được điều này, các bạn trẻ sẽ tự đến với hoạt động tình nguyện” – anh Nguyễn Thiên Tú nhấn mạnh.
PHƯƠNG THANH, ẢNH VƯƠNG ĐỨC (Báo Tuổi trẻ Thủ đô)
Link: https://tuoitrethudo.com.vn/de-hoat-dong-tinh-nguyen-hap-dan-trong-thoi-40-d2074007.html