Cơ hội “ngàn năm có một” cho người trẻ mê công nghệ thông tin

15:30 01/09/2019        1713



Dự báo của các chuyên gia tuyển dụng, đến năm 2020, Việt Nam thiếu hụt hơn 500.000 nhân lực IT. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần với sự “lên ngôi” của công nghệ đã thực sự tạo nên “cơn khát” nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) trong thị trường lao động.

Một buổi học về ngành Trí tuệ nhân tạo tại Viện trí tuệ nhân tạo Việt Nam

 “Cá gặp nước”

Vốn dĩ nhân lực ngành CNTT những năm gần đây đã rất “hot” và bây giờ trong kỉ nguyên 4.0 càng có cơ hội phát triển mạnh. Nó được ví như “cá gặp nước” giữa bối cảnh tự động hóa (automatinon) của trí tuệ nhân tạo (AI), deep learning, machine learning… đang tấn công vào đời sống, kinh tế, chính trị… Cùng với đó, mức lương nhà tuyển dụng trả cho nhân lực ngành IT bao giờ cũng cao hơn so với mặt bằng.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, tại thời điểm này lương khởi điểm của sinh viên ngành công nghệ mới ra trường từ 8-12 triệu đồng/tháng. Đối với người có kinh nghiệm từ hai năm trở lên sẽ giao động từ 17- 20 triệu đồng/tháng. Đây là nhóm nhân sự nằm trong Top tìm kiếm của doanh nghiệp, chiếm tới 75% nhu cầu thị trường. Còn ở vị trí giám đốc với hơn 10 năm kinh nghiệm luôn được các công ty “săn đón” và sẵn sàng trả mức lương 55 triệu đến 70 triệu/tháng. Mặc dù lương cao nhưng đây vẫn là vị trí khó tuyển hàng đầu trong thị trường tuyển dụng hiện nay.

Theo báo cáo lương của Cty Adecco,  vị trí Support (tư vấn, hỗ trợ), Helpdesk (hỗ trợ dịch vụ IT) có lương “bét bảng” trong ngành IT giao động từ 10-15 triệu đồng/tháng. Với vị trí đứng đầu CIO, kinh nghiệm 10 đến 15 năm mức lương từ 100-150 triệu đồng/tháng. Vị trí giám đốc IT cũng nhận con số “khủng” 60-100 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, mặt bằng chung ở các công ty hiện nay, với lập trình viên có kinh nghiệm, mỗi tháng mức lương trung bình đa phần nhà tuyển dụng sẵn sàng trả khoảng hơn 30 triệu đồng. Các cấp quản lý, con số này không thấp hơn 35 triệu đồng mỗi tháng, với kinh nghiệm trên 5 năm. Tuy nhiên, việc tuyển dụng những vị trí này gặp rất nhiều khó khăn do những đặc thù và yêu cầu gắt gao. 

Đại diện Công ty Adecco cho biết: “Để có nhân lực CNTT, chúng tôi phải “nuôi” sinh viên ngay từ khi các bạn ấy đang ngồi trên ghế nhà trường. Đối với nhân lực chất lượng cao, công ty luôn có chính sách đãi ngộ cho từng vị trí. Mặc dù vậy, những năm gần đây chúng tôi vẫn luôn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động liên quan đến công nghệ thông tin và thương mại điện tử”.

Thực tế, không chỉ Adecco mà rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự CNTT. Được  biết, năm 2018, tỷ lệ nghỉ việc ở công ty KPMG khoảng 30%. Những nhân tài rời đi là do các công ty gọi xe và thương mại điện tử, Fintech… đang đổ tiền vào Việt Nam. Tất nhiên, ở vị thế trong nhóm Big4, KPMG cũng thu hút ngược lại nhân tài từ nơi khác về. Tình hình cạnh tranh nhân sự trong giới công nghệ đang khá cao, dù KPMG vốn không phải công ty công nghệ mà chuyên về kiểm toán, tư vấn. Tuy nhiên, do có nhiều khách hàng là công ty công nghệ nên đội ngũ của KPMG dễ dàng được nơi khác “mời mọc”. Với những người ở lại KPMG, công việc lúc nào cũng nhiều.

“Chúng tôi chưa bao giờ bận rộn như năm nay. Nhân viên làm 12 giờ mỗi ngày vẫn không đủ để phục vụ cho khách hàng đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và trong nước", ông Nguyễn Công Ái - Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, cho biết.

Nói về lý do khiến ngành CNTT trở nên “hot”, ông Nguyễn Hữu Bình - CEO TopDev cho biết: “Làn sóng khởi nghiệp công nghệ cũng như việc gia tăng thêm các dự án R&D tại các tập đoàn lớn đang khiến “cơn khát” nhân sự IT lên cao, nhất là nhân sự chất lượng”.

Trên thực tế, các tên tuổi điện tử nước ngoài lớn như: Samsung, LG, Intel... đều mở rộng đầu tư vào Việt Nam những năm gần đây. Đặc biệt, Nissan đang có 2.000 kỹ sư làm việc tại Hà Nội, chịu trách nhiệm thiết kế. Ngoài ra, một số “đại gia” khác cũng đang tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam. Từ đây cũng thấy, cuộc cạnh tranh nhân lực CNTT là rất cao, đặc biệt là nguồn nhân sự IT chất lượng cao.

“Đối thủ” là star-up

Theo báo cáo gần đây của TopDev, dù các trường đại học có sức đào tạo mạnh, mức lương thị trường cạnh tranh, doanh nghiệp trải thảm đỏ nhưng việc tuyển dụng nhân sự IT vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

"Chúng ta có nhân tài nhưng các trường đại học không đào tạo đủ chất lượng thì những người trung bình khó chuyển lên thành người giỏi. Chúng ta biết, nhân tài chỉ chiếm 1% và thậm chí thấp hơn. Do thiếu người nên các lập trình viên đều hiểu rõ giá trị bản thân. Vì vậy, giữ chân nhân sự CNTT thực sự làm đau đầu nhiều doanh nghiệp", ông Nguyễn Bá Quỳnh - Tổng giám đốc Global CyberSoft nhận xét.

Công bằng mà nói, với những người giỏi, bổng lộc cao chưa chắc đủ giữ chân họ. Bởi vì, họ đánh giá cao môi trường công việc và có nhiều dự án thú vị, chứ không phải lương. Do đó, cuộc cạnh tranh là nơi đâu có nhiều dự án hấp dẫn, nên đôi khi, đối thủ của doanh nghiệp chính lại là các startup.

Trong mùa tuyển sinh năm 2019, ngành công nghệ thông tin "soán ngôi" đầu khi vượt qua điểm chuẩn các ngành y, dược. Điểm chuẩn cao nhất nước thuộc về ngành Công nghệ thông tin - Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội với 27,42 điểm, vượt ngành Y đa khoa (26,75 điểm) của Đại học Y Hà Nội.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với xu hướng số hóa doanh nghiệp trong những năm qua, số thí sinh lựa chọn ngành công nghệ thông tin nhiều, kéo theo điểm chuẩn tăng cao là điều không nằm ngoài dự đoán. Tuy nhiên, đó chỉ mới là bước đầu, giới công nghệ kỳ vọng, những học sinh giỏi sẽ được đào tạo thành những chuyên gia giỏi, để sớm "giải khát" nhân tài cho ngành CNTT

"Vai trò của đại học bây giờ cực kỳ quan trọng nhưng cuối cùng, người giỏi mình có vẫn không đủ. Theo phản hồi của các doanh nghiệp, kĩ sư CNTT của Việt Nam siêng năng, thông minh và ham học hỏi. Đặc biệt, đa số các bạn tuổi đời trẻ, có sáng tạo nên đóng góp nhiều cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết các kĩ sư CNTT của Việt Nam rất yếu ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Ạnh và kĩ năng mềm, nhất là kĩ năng hội nhập với môi trường làm việc chuyên nghiệp”, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search chia sẻ:.

Thực tế, khi tuyển dụng đa số các doanh nghiệp không quan tâm đến việc bạn tốt nghiệp trường nào mà đánh giá vào cách bạn ứng xử, năng lực tư duy và khả năng tự học trong thực tế. Cho nên, trước thực trạng các nhóm ngành nghề đang có dấu hiệu “bão hòa” và dư thừa lao động như: Kinh tế, tài chính, ngân hàng… thì ngành CNTT sẽ giải quyết được nỗi lo thất nghiệp sau khi tốt nghiệp ĐH của các bậc phụ huynh và học sinh. Nếu bạn trẻ nào đam mê, muốn dấn thân hoặc khởi nghiệp CNTT thì Việt Nam chính là đất “vàng” và cơ hội “ngàn năm có một”.

Tuy nhiên, các bạn nên lưu ý, xu thế phát triển mạnh mẽ trong kĩ nguyên công nghệ số đòi hỏi tư duy của những trình lập viên phải luôn chuyển động, không ngừng trau dồi kĩ năng mềm để thích ứng trước sự thay đổi của thị trường. Trong đó, kĩ năng ngoại  ngữ luôn được các nhà tuyển dụng quan tâm khi “săn” người.

 DIỄM QUỲNH (Tuổi trẻ Thủ đô)

https://tuoitrethudo.com.vn/co-hoi-ngan-nam-co-mot-cho-nguoi-tre-me-cong-nghe-thong-tin-d2072320.html

 

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC