10:25 29/09/2024 27
Sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng cô gái khuyết tật Lê Thuý Hằng lớn lên trong tình yêu thương ấm áp của bố mẹ và anh trai.
Hằng kể: “Tôi cứ lớn lên, vui vẻ, vô tư và không ý thức được hoàn cảnh của mình, cho đến khi đi học. Cảm nhận đầu tiên về sự thiếu may mắn của bản thân là ngay những ngày đầu cắp sách đến trường, tôi bị các bạn gọi với biệt danh “Hằng thọt”. Tôi càng ý thức sâu sắc về sự thiệt thòi của mình, đỉnh điểm là khi tôi mặc chiếc váy yêu thích mẹ tặng đến trường. Nhìn thấy tôi, đám bạn hò hét trêu đùa: “A ha, hôm nay bạn “Hằng thọt” mặc váy đi học các bạn ơi!” và đó cũng là lần cuối cùng tôi mặc váy trong suốt hơn 15 năm sau”.
Những lời trêu đùa ấy khiến Hằng càng tự ti và mặc cảm hơn về bản thân. Mỗi lần ra đường, cô không dám nhìn xung quanh, bởi rất sợ những ánh mắt dò xét của mọi người, sợ cả những cái nhìn thương hại. Cô sống khép mình, trở thành con người rụt rè, ngại giao tiếp, ít bạn bè.
Lê Thuý Hằng (người đứng bên phải Thủ tướng Phạm Minh Chính) vinh dự được tham gia chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024
Mặc dù bị xa lánh, bị nhiều ánh mắt kì thị từ những người xung quanh nhưng chưa bao giờ Hằng thôi cảm nhận được tình yêu thương từ bố mẹ, thầy cô và những người bạn thân ít ỏi của mình. Chính họ đã giúp cô gái khuyết tật có thêm động lực để tiếp tục sống.
Hằng dành trọn thời gian cho việc học tập. Trong suốt những năm học từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông, cô bé “Hằng thọt” rụt rè luôn là một trong những học sinh top đầu của lớp, luôn đạt được danh hiệu học sinh khá, giỏi. Hơn thế, Hằng là một trong 3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn dành được học bổng từ Quỹ học bổng của Nhật Bản. Cô nhận ra, tri thức chính là con đường duy nhất để khẳng định bản thân, chứng minh cho mọi người thấy: Một người khuyết tật cũng sẽ trở thành người có ích cho xã hội và bản thân cô sẽ không là gánh nặng của gia đình.
“Tôi bắt đầu ước mơ rằng: Không chỉ có thể nuôi sống được bản thân mình, tôi sẽ giúp đỡ được bố mẹ, phụ giúp được gia đình”, Hằng chia sẻ.
Năm 18 tuổi, sau từng ấy thời gian sống trong tự ti, mặc cảm, Lê Thuý Hằng xin bố mẹ thi vào đại học. Cô muốn bước ra khỏi vùng an toàn, bước ra khỏi sự chở che của bố mẹ, để bản thân trở nên mạnh mẽ hơn. Hằng chọn đương đầu với miệng lưỡi thế gian, với những khó khăn của cuộc đời.
“Tôi trúng tuyển vào khoa Kế toán, hệ cao đẳng, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Không phụ sự tin tưởng, ủng hộ và hi sinh của gia đình, tôi đã nỗ lực thật nhiều và 3 năm liền dành được học bổng cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc. Khi cầm tấm bằng cao đẳng trên tay, tôi chưa thỏa mãn. Tôi xin bố mẹ cho mình được học tiếp lên đại học. Không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, tôi quyết định tự mình kiếm tiền chi trả toàn bộ học phí và phí sinh hoạt hằng ngày”, cô gái khuyết tật kể.
Cô gái khuyết tật đã lấy chồng và sinh sống trên địa bàn phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội và cũng gắn bó với Hội Người khuyết tật quận Ba Đình từ đó.
Hằng kể, ngày Hội Người khuyết tật quận Ba Đình cần một kế toán, cô đã nhận lời mời về làm việc tại Hội. Cô nghĩ, phát huy chuyên môn của mình để giúp đỡ được mọi người, như vậy cuộc đời sẽ ý nghĩa hơn nhiều.
Khi được tham dự vào các hoạt động dành cho người khuyết tật như: Đào tạo dạy nghề, tập huấn các kỹ; được gặp gỡ nhiều hoàn cảnh, cô gái cảm thấy mình còn rất may mắn và cần sống có trách nhiệm hơn, không chỉ với bản thân mình, mà còn hỗ trợ thêm nhiều mảnh đời bất hạnh.
Cô gái khuyết tật Lê Thuý Hằng
Hằng xung phong, tích cực trong các hoạt động phong trào và được tín nhiệm là Chủ tịch Hội Người khuyết tật phường Cống Vị, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật quận Ba Đình, Phó ban Thanh niên Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội…
Với nhiều vị trí công tác, cô gái cùng Hội đã tổ chức nhiều buổi chia sẻ với các thanh niên khuyết tật trên địa bàn. Qua những buổi như thế, Hằng có thể hiểu rõ hoàn cảnh của từng người, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng, những đau đáu về bài toán kinh tế khó khăn... của các bạn.
Cũng bởi vậy, cô lên kế hoạch và tổ chức các hoạt động để các bạn thanh niên khuyết tật nâng cao kiến thức, kỹ năng, đào tạo nghề nhằm giúp họ tự tin; tìm được công việc phù hợp.
Không chỉ quan tâm đến thanh niên, cô còn chủ động đề xuất với Hội Người khuyết tật quận Ba Đình các hoạt động quan tâm đến trẻ em, con của người khuyết tật trên địa bàn. Cô gái chia sẻ: “Xuất phát từ mong muốn của bản thân, tôi muốn giúp 2 con của mình hiểu hơn về những khiếm khuyết, thiệt thòi của mẹ. Mong các em nhỏ thấu hiểu, có nhận thức đúng đắn và đồng cảm hơn với người khuyết tật; để không còn trẻ khuyết tật nào phải chịu tổn thương về mặt tinh thần như cô bé “Hằng thọt” khi xưa…”, Lê Thuý Hằng bày tỏ.