10:40 20/08/2023 325
Mục tiêu tổng quát của Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội là phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh- Thông minh- Hiện đại” với chuyển đổi số là nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, đạt mục tiêu kép vừa phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu.
Để đạt được mục tiêu, Hà Nội đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trên 3 trụ cột chính là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.
Theo tôi, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Đây là yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số. Trong 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Hà Nội xác định chuyển đổi nhận thức là quan trọng nhất. Vì vậy, Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước và Thành phố về chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số để nâng cao nhận thức của các cơ quan, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Với mỗi trụ cột cụ thể, Thành phố tập trung, huy động tối đa các nguồn lực xã hội, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp: Kiến tạo thể chế, Phát triển hạ tầng và nền tảng số, Thông tin và Dữ liệu số, Hoạt động chuyển đổi số, An toàn, an ninh mạng, Đào tạo và phát triển nhân lực để chuyển đổi số, đảm bảo hiện thực hóa các mục tiêu trên.
Cụ thể, phát triển Chính quyền số với trọng tâm là phát triển các nền tảng số, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành của Thành phố, hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu; phục vụ người dân và doanh nghiệp; gắn kết các dịch vụ cung cấp cho Thành phố thông minh với các dịch vụ Chính quyền số.
Phát triển kinh tế số với trọng tâm là doanh nghiệp công nghệ số; phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của Thành phố. Phát triển Xã hội số giúp người dân trên địa bàn thành phố tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ thiết yếu được cung cấp trên nền tảng số.
Trong bối cảnh đại dịch Covid tiếp diễn phức tạp trong thời gian tới, Thành phố xác định chuyển đổi số là cơ hội để đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu phát triển, hướng tới Hà Nội trở thành 1 trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số vào năm 2025 và trở thành thành phố “Xanh- Thông minh- Hiện đại” vào năm 2030.
VNEconomy