Chuyển đổi số để xây dựng thành phố thông minh

10:13 04/01/2023        343



Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết nêu rõ, chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là trách nhiệm, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài... Việc hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết đòi hỏi sự thay đổi nhận thức sâu sắc hơn nữa, sự vào cuộc quyết liệt, tăng tốc triển khai nhiệm vụ của các cấp, ngành thành phố.

Kỹ sư VNPT bảo dưỡng một trạm phát sóng tại quận Nam Từ Liêm, bảo đảm cho quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: Thanh Huyền

Mục tiêu gắn với lộ trình cụ thể

Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2025 thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại; tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số”.

Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của cơ quan nhà nước; phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một tài nguyên mới để phát triển kinh tế, xã hội.

Đối với từng lĩnh vực, Hà Nội xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số hiện đại, an toàn đáp ứng các nhiệm vụ về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Phấn đấu 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, trên nhiều phương tiện hiện đại. Hoàn thành từ 90% trở lên các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; chia sẻ dữ liệu cung cấp dịch vụ công; hình thành hệ sinh thái chính quyền số. Tỷ trọng kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn khoảng 30%; phủ mạng internet băng rộng cáp quang tới 90% hộ gia đình. Tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%...

Đến nay, chính quyền số từng bước được triển khai; hạ tầng số bảo đảm điều kiện phục vụ các nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động chuyển đổi số khác. Kinh tế số, xã hội số đang phát triển khá mạnh mẽ, tập trung vào lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Xếp hạng chỉ số thương mại điện tử của Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 78%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập internet băng rộng đạt 90%. Trong năm 2023, thành phố triển khai 3 hệ thống quan trọng là hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính liên thông 3 cấp (còn gọi là phần mềm "một cửa"); phần mềm quản lý văn bản; phần mềm quản lý đảng viên.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: Nguyễn Quang

Cần quyết liệt vào cuộc

Bên cạnh một số kết quả ban đầu, quá trình chuyển đổi số của Hà Nội cũng còn nhiều tồn tại, như dữ liệu số chưa hoàn thiện và khai thác hiệu quả, việc phân tích dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành chưa được triển khai; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số… Những tồn tại, hạn chế này cũng đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 18-NQ/TU. Góp ý với Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Công nghệ DTT Nguyễn Thế Trung đề xuất mô hình chính quyền như nền tảng đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, công nghệ số; số hóa hướng tới phát triển bền vững và phát huy văn hóa; phát triển kỹ năng số toàn dân thông qua mô hình giáo dục số.

Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên cho rằng, trong các nhiệm vụ, giải pháp, Hà Nội nên ưu tiên đặc biệt cho phát triển giáo dục. Nói cách khác là áp dụng tư duy công nghiệp trong giáo dục để tạo ra môi trường học tập, mở ra môi trường giao lưu từ nhiều nơi trên thế giới, làm tiền đề phát triển những lĩnh vực còn lại. Và đây sẽ là một ngành kinh tế đóng góp lớn cho mục tiêu phát triển kinh tế số mà Hà Nội đặt ra. Các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ số cũng cam kết triển khai hạ tầng số cùng các nền tảng, giải pháp số nâng cao năng lực quản trị, điều hành của thành phố Hà Nội.

Trong thời gian tới, sau khi UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch, chương trình triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TU, là cơ quan quản lý chuyên ngành, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao.

Hà Nội đã được xếp loại đô thị đặc biệt, chuyển đổi số cần được gắn chặt với xây dựng chính quyền đô thị theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Việc Thành ủy Hà Nội ban hành nghị quyết về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh không chỉ thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 52-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; mà còn thể hiện mạnh mẽ quyết tâm vào cuộc của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân, quyết tâm huy động nguồn lực của toàn xã hội, nâng cao nhận thức về tính cấp thiết của chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, xứng tầm vị thế Thủ đô.

Nguồn: Hà Nội mới

http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chuyen-doi-so/1054612/chuyen-doi-so-de-xay-dung-thanh-pho-thong-minh

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC