Chàng trai Bách khoa đam mê khởi nghiệp với hy vọng ‘Để những điều giản dị không bị lãng quên'

15:50 22/06/2024        16



Phạm Minh Long Hải - sinh viên năm 4 Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Đam mê khởi nghiệp xuất phát từ sự thấu cảm và sẻ chia

“Đam mê khởi nghiệp của mình, thực sự, bắt đầu từ tình yêu cà phê và sự thấu cảm sâu sắc với người nông dân Việt Nam. Cà phê -với mình - không chỉ là một ly nước uống để khởi đầu ngày mới mà là cả một câu chuyện dài về mồ hôi, công sức, là những mùa vụ mà người nông dân kiên trì vun đắp với hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng thật xót xa, khi biết rằng đến 80% giá trị của hạt cà phê - phần bã còn lại sau khi pha thường bị bỏ phí, như thể công sức ấy dường như đang bị bỏ đi một cách quá lãng phí. Hơn thế nữa, chính lượng bã cà phê đó nếu không được xử lý đúng cách sẽ dẫn đến gây hại cho môi trường. Và mình tự hỏi, liệu có cách nào để biến điều tưởng như vô nghĩa đó thành nguồn năng lượng mới, để tất cả những gì bà con tạo ra không chỉ sống mãi trong một ly cà phê mà còn mang lại lợi ích bền lâu cho cuộc sống?” - Phạm Minh Long Hải chia sẻ khi được hỏi về niềm đam mê khởi nghiệp của mình.

Từ trăn trở về việc có thể làm gì để giải quyết những vấn đề môi trường đó, dự án khởi nghiệp của Hải ra đời nhằm gửi gắm lòng biết ơn đến những người nông dân đã cặm cụi trên từng luống cà phê, là lời khẳng định rằng những gì họ tạo ra không bao giờ vô nghĩa.

Long Hải giành Quán quân với dự án khởi nghiệp từ bã cà phê.

Phải đối mặt với muôn vàn khó khăn

“Bắt đầu từ hai bàn tay trắng, mình phải đối mặt với muôn vàn thử thách - thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, có những đêm mình thức trắng, có những lần kiệt sức đến mức chỉ muốn buông bỏ tất cả”- Long Hải chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong những giai đoạn đầu khi khởi nghiệp.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần công chức, tài chính không mấy khá giả. Bố mẹ luôn kỳ vọng Hải sẽ có một cuộc sống công chức bình thường như bố mẹ và không muốn bạn bước vào một môi trường bấp bênh như khởi nghiệp - luôn phải sẵn sàng để xử lý mọi vấn đề phát sinh và có khi dành hơn 14 tiếng một ngày cho công việc. Hải phải tranh luận rất nhiều với bố mẹ để thuyết phục được họ cho bạn theo đuổi ước mơ của mình. Áp lực từ gia đình, kiệt sức sau những chuỗi ngày dài lao động, Hải vẫn không từ bỏ, bạn vẫn kiên trì học hỏi, tích lũy, vì thế kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau cũng ngày càng trở nên đa dạng hơn. Bố mẹ nhìn thấy sự nỗ lực và khát khao của Hải nên phần nào cũng đã tạo điều kiện cho bạn.

Phạm Minh Long Hải (đứng ở giữa) tham gia cuộc thi khởi nghiệp cùng đồng đội.

Khó khăn thứ hai mà Hải gặp phải là việc cân bằng giữa việc học và vận hành dự án khởi nghiệp. “Môi trường Bách khoa là một môi trường học rất nặng và khắc nghiệt. Mình còn nhớ vào kỳ thứ nhất của năm 2 đại học là kỳ đầu tiên mình bắt tay vào dự án. Có những lúc mình muốn tạm dừng công việc học trên trường để tập trung hoàn thiện dự án. Kết quả của kỳ đó là mình rớt đến 3/10 môn học trong kỳ và suýt nữa thì phải nhận cảnh cáo học tập”- Hải chia sẻ lại. Điều này đã khiến Hải nhận thức rõ ràng được rằng không thể chỉ chăm chăm làm những thứ bên ngoài mà bỏ qua việc học trên trường. Hải cố gắng đi học đầy đủ, tập trung hơn, nhờ đó kết quả học tập cũng có sự cải thiện rõ rệt, bạn đã trả và cải thiện được phần lớn các môn học trong đợt đó. Hải cũng chia sẻ thêm rằng giá trị của việc học đại học là rất quan trọng, là bước đệm và là nền tảng để phục vụ những dự định sau này.

Cuối cùng, Hải cũng gặp phải những khó khăn mà bất kì một dự án khởi nghiệp nào cũng phải đối mặt: thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, không biết hướng đi đúng đắn,... Đối diện với những thử thách đó, Hải cho rằng nó là những khó khăn cố hữu và việc của mình là vượt qua bằng cách chăm chỉ làm việc, học hỏi thường xuyên, chủ động đi tìm các nguồn lực,...

Khởi nghiệp là hành trình vượt qua chính mình

Chia sẻ về động lực để có thể bản lĩnh vực dậy từ những khó khăn đó, chàng sinh viên 21 tuổi chẳng ngần ngại nói rằng: “Mỗi khi nghĩ đến lý do mình bắt đầu, nghĩ đến hình ảnh người nông dân và những giá trị mà mình muốn bảo vệ, mình lại đứng dậy, lại tiếp tục. Khởi nghiệp không chỉ là hành trình xây dựng sự nghiệp cá nhân, mà là hành trình vượt qua chính mình, để những điều giản dị và chân thật nhất trong cuộc sống này không bao giờ bị lãng quên.”

Sau những nỗ lực ấy, Phạm Minh Long Hải đã khẳng định được tài năng và bản lĩnh của mình thông qua những thành tích đáng nể như: Quán quân Cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Kawai 2023”; Quán quân SV Startup 2023 - cuộc thi khởi nghiệp quốc gia do bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; Quán quân cuộc thi “Khởi nghiệp công nghệ Hust -Techstart”; Quán quân cuộc thi “Bệ phóng khởi nghiệp- Start up LaunchPad”; Quán quân Solana Consumer Hack 15; Á quân cuộc thi “Khởi nghiệp trẻ”; Top 10 “Hành trình kinh doanh 2024”; Top 10 The Eyes 2030,...

Niềm đam mê khởi nghiệp vẫn chưa bao giờ dừng lại, Long Hải cho rằng để sống có ích cho xã hội, người trẻ cần không ngừng học hỏi và rèn luyện để tự phát triển bản thân, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng. Điều quan trọng nhất là phải có tinh thần vượt khó, kiên trì và không ngại thử thách.

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC