Cần làm gì để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Hà Nội?

09:55 01/06/2023        2919



Ngày 30-12-2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 18). Nghị quyết đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm hiện thức hoá các mục tiêu về chuyển đổi số trên 3 trụ cột.

Tiến sĩ Đặng Đức Mai - Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội, đã có cuộc chia sẻ với phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân Điện tử xung quanh vấn đề này.

PV: Từ góc độ chuyên gia, công tác chuyển đổi số của Hà Nội đang đứng trước những thuận lợi, khó như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Đặng Đức Mai: Với vai trò Thủ đô của cả nước, Hà Nội có lợi thế lớn là được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương và Chính phủ, cụ thể Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 15/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hà Nội cũng đã có đủ cơ sở vững chắc, sự nhận thức đầy đủ của các cấp lãnh đạo và quyết tâm cao của toàn Thành phố trong triển khai chuyển đổi số. Nghị quyết số 18 đã thể hiện rõ tầm nhìn, sự quan tâm chỉ đạo của cơ quan lãnh đạo cao nhất Thủ đô trong công tác chuyển đổi số.

Hà Nội cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn, nơi tập trung tầng lớp “tinh hoa” trong lĩnh vực khoa học - công nghệ - công nghệ thông tin, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để Hà Nội thực hiện chuyển đổi số. Hà Nội còn là “cái nôi” của đổi mới sáng tạo, FINTECH và các hệ sinh thái công nghệ số với rất nhiều trung tâm, viện nghiên cứu, vườn ươm về đổi mới sáng tạo với nguồn nhân lực cao. Nhờ việc tập trung nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, Hà Nội đứng đầu cả nước về tiềm lực thiết kế và triển khai các công nghệ số. Với hạ tầng viễn thông, mạng lưới internet và mạng di động phủ rộng trên toàn Thành phố, doanh nghiệp và người dân có thể dễ dàng truy cập vào các dịch vụ và ứng dụng kỹ thuật số.

Ông Đặng Đức Mai, Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội (nguyên Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính).

Bên cạnh các thuận lợi nêu trên, Hà Nội cũng gặp một số khó khăn trong triển khai chuyển đổi số, như: Vấn đề vốn đầu tư vào các hệ thống nền tảng của công nghệ số; dân số lớn và địa bàn rộng khiến việc triển khai các hệ thống nền tảng khó khăn hơn so với các địa phương khác...   

PV: Vậy Hà Nội cần làm gì để phát huy thuận lợi, vượt qua những khó khăn như ông vừa nêu, hiện thực hóa các mục tiêu cũng như 3 trụ cột chuyển đổi số mà Nghị quyết của Thành uỷ đã đề ra?

Tiến sĩ Đặng Đức Mai: Để đạt các mục tiêu năm 2025 thời gian không còn nhiều, Hà Nội cần tập trung nguồn lực để đẩy nhanh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra. Bên cạnh đó, cần xác lập một cơ chế giám sát chặt chẽ để việc triển khai các nhiệm vụ đảm bảo đúng tiến độ. Trong đó, năm 2023 là năm cơ bản chạy đà, khởi động  các dự án, nhiệm vụ chưa được khởi công, đảm bảo các dự án chạy và hoàn thành cán đích thành công vào năm 2025. Tiếp đó các nhiệm vụ, dự án sẽ tiếp tục được hoàn thiện nâng cấp đáp ứng các mục tiêu giai đoạn đến 2030.

Việc xây dựng phương án cân đối, bố trí nguồn kinh phí cho thực hiện chuyển đổi số của Hà Nội cần được nghiên cứu, xây dựng, phê duyệt theo từng lộ trình cụ thể. Trong đó, nghiên cứu các phương án điều hòa, kết hợp giữa nguồn kinh phí từ Trung ương (theo các đề án, dự án chuyển đổi số của các bộ, ngành mà Thủ đô là đơn vị được thụ hưởng) với nguồn kinh phí được bố trí từ ngân sách Thủ đô; thí điểm thực hiện các dự án/nhiệm vụ công nghệ thông tin, chuyển đổi số theo hình thức PPP.   

Đối với nhiệm vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật số, cần có mạng Hà Nội CLOUD (cloud riêng cho Hà Nội) để vận hành toàn bộ các dịch vụ công của Thành phố và các ứng dụng khác thuộc trụ cột kinh tế số và xã hội số. Tất cả các ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và chính quyền cần đáp ứng tiêu chí truy nhập và khai thác, sử dụng mọi lúc mọi nơi, tức là phải chạy trên nền tảng kỹ thuật là Hà Nội CLOUD này. Một hạ tầng mạng Hà Nội METROPOLIS network (mạng truyền thông riêng của Hà Nội) là rất quan trọng. Mạng này có kỹ thuật hiện đại với băng thông rộng, kết nối internet băng rộng – tức là tạo nên một mạng lưới “đường cao tốc số” kết nối toàn bộ các quận/huyện, phường/xã và toàn bộ các cơ quan ban ngành của thủ đô.

Để xây dựng thông tin và dữ liệu số cho cả 3 trụ cột, tránh việc xây dựng các hệ thống dữ liệu riêng dẫn tới khó kết nối, khó tích hợp, rất cần có bản thiết kế tổng thể dữ liệu số Hà Nội DIGITAL DATA BLUEPRINT, về kỹ thuật tuân thủ các công nghệ mới nhất về khoa học dữ liệu hiện hành. Đây là Quy hoạch tổng thể hệ thống dữ liệu và dữ liệu số, dữ liệu mở của Thủ đô, là nền tảng để thực hiện liên thông dữ liệu, liên thông quy trình nghiệp vụ, liên thông thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền của Thủ đô cũng như khai thác hiệu quả dữ liệu được lưu trữ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc nghiên cứu, xây dựng quy hoạch tổng thể và triển khai theo quy hoạch hệ thống dữ liệu số Hà Nội DIGITAL DATA là nền tảng quan trọng để đẩy nhanh hơn nữa quá trình thực hiện chuyển đổi số của Thủ đô.

Đặc biệt, môi trường số hiện nay rất phức tạp, hệ thống hạ tầng số, dữ liệu số của Hà Nội cần được bảo vệ vững chắc bởi một dự án bao trùm là dự án Hà Nội CyberSecurity.

Đối với nhiệm vụ xây dựng kinh tế số, xã hội số, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động hoàn toàn trên nền tảng số, tạo ra các sản phẩm số ứng dụng thành công. Triển khai các chương trình đào tạo miễn phí cho chủ doanh nghiệp quy trình chuyển đổi số; khuyến nghị các mô hình chuyển đổi số thành công để các doanh nghiệp vừa và nhỏ học tập và vận dụng trong doanh nghiệp mình. Lấy tiêu chí số lượng doanh nghiệp Hà Nội triển khai thành công chuyển đổi số trong doanh nghiệp làm thước đo chỉ tiêu phát triển kinh tế số Thủ đô. Tổ chức các Tổ công tác tình nguyện (học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên) đến các phường xã để hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số cho người dân, quan tâm người cao tuổi, tập trung vào hướng dẫn sử dụng các dịch vụ công thiết yếu do Chính phủ và Hà Nội cung cấp.  

Tuổi trẻ quận Long Biên hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: PHẠM LINH

Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo, xây dựng, thu hút được đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin có chất lượng tốt vào làm việc trong các đơn vị, cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Hà Nội. Nghiên cứu, chọn lựa một số đơn vị hành chính (từ cấp phường/xã tiến tới quận/huyện) để tập trung nguồn lực xây dựng đô thị thông minh kiểu mẫu. Các đô thị thông minh kiểu mẫu này sẽ đóng vai trò là “đòn bẩy” để thúc đẩy việc phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các “đô thị vệ tinh”. Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp công nghệ lớn và các nhà đầu tư khác tham gia vào dự án lớn của Thành phố. Những công ty này có thể đưa ra các giải pháp công nghệ thông minh, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu để giúp giải quyết các vấn đề thực tiễn của thành phố.

PV: Chuyển đổi số là thay đổi cách làm, cách vận hành, trong quá trình đó vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là vô cùng quan trọng. Ông có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề này?

Tiến sĩ Đặng Đức Mai: Đúng vậy! Tôi xin trích dẫn một phần bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói về sự khác nhau giữa công nghệ thông tin và chuyển đổi số: “Chuyển trọng tâm từ giám đốc công nghệ thông tin sang người đứng đầu, ... chuyển đổi số thì chuyển đổi cách làm, thay đổi cách vận hành tổ chức là chính nên người đứng đầu đóng vai trò quyết định. Phá hủy cái cũ, đưa vào cách làm mới thì chỉ một người làm được, đó là người đứng đầu. Người đứng đầu mà không muốn thay đổi cách làm thì sẽ không có chuyển đổi số. Người đứng đầu muốn thay đổi cách làm mà ủy quyền cho cấp phó làm chuyển đổi số thì cũng không có chuyển đổi số”.

Quyết tâm của người đứng đầu Thủ đô là rất cao, đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 18 và Chương trình về chuyển đối số của Uỷ ban nhân dân Thành phố. Đây là những văn bản rất quan trọng nhằm thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Thủ đô văn minh - văn hiến - hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 15/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhờ đó, chắc chắn Hà Nội sẽ hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra.

LINH SƠN (thực hiện)

 

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC