Bắt tay chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh vì một Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

16:17 02/05/2023        1837



 Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 30-12-2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một điểm đáng chú ý trong nghị quyết là sự liên thông, gắn kết giữa chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng về nội dung này.

Các nhà mạng đầu tư mạnh cho hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: VNPT Net.

- Xin ông cho biết mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong Nghị quyết về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh?

- Nghị quyết số 18/NQ-TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành, trước hết đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo cũng như phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành thành phố thực hiện chuyển đổi số gắn với xây dựng thành phố thông minh.

Nghị quyết cũng nêu rõ ba quan điểm chỉ đạo lớn của Thành ủy, trong đó nhấn mạnh đến vai trò các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy với việc đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Vì chuyển đổi số không chỉ là bài toán công nghệ đơn thuần mà bản chất là dựa trên công nghệ hiện đại, lực lượng sản xuất mới để thay đổi quan hệ sản xuất, hay cụ thể hơn là để xây dựng lại, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, cách thức vận hành của tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu năng quản lý nhà nước, nâng cao năng suất lao động. Những vấn đề này cũng đã được nêu cụ thể tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Nghị quyết cũng xác định chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh phải gắn chặt với công tác quy hoạch chung cũng như quy hoạch xây dựng phát triển Thủ đô. Đồng thời xác định việc chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh là sử dụng hiệu quả nguồn lực, tài nguyên để thực hiện có hiệu quả đem lại cuộc sống tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường đô thị thông minh, hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

- Thực tế thì Hà Nội đã triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh… Vậy, ông có thể đánh giá bước đầu về kết quả trong thời gian qua?

- Đến nay, việc triển khai chuyển đổi số thành phố bước đầu đạt một số kết quả. Chính quyền số từng bước được triển khai. Việc xây dựng hạ tầng số được quan tâm đẩy mạnh bảo đảm các điều kiện phục vụ nhiệm vụ phát triển nền tảng số, dữ liệu số và các hoạt động chuyển đổi số khác. Kinh tế số, xã hội số của Thủ đô phát triển khá mạnh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ đánh giá cao với vai trò là đơn vị làm điểm của cả nước.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh kết quả ban đầu, quá trình triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh của Hà Nội còn nhiều tồn tại, hạn chế. Điều này cũng được Nghị quyết thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá.

Song, như tôi đã nêu ở trên, việc Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU đã thể hiện quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra (Đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại; tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới); đồng thời còn là điểm tựa để các cấp, ngành thành phố triển khai theo kế hoạch với tinh thần quyết tâm cao nhất.

Hiện nay, thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai xây dựng Đề án về thành phố thông minh. Đề án sẽ bám sát quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để các sản phẩm về khuyến nghị chính sách cũng như danh mục nhiệm vụ mà đề án đề xuất sẽ đồng bộ với các định hướng, mục tiêu của các quy hoạch nêu trên.

Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh là mang lại tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.

- Trở lại với chủ đề thành phố thông minh, ông có thể thông tin với bạn đọc về hướng triển khai thành phố Hà Nội thông minh như thế nào?

- Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng thành phố thông minh có nghĩa là tích hợp công nghệ số để xây dựng thành phố đáng sống. Các giải pháp công nghệ phải gắn kết hợp với các giải pháp công trình và giải pháp quản lý mới có thể phát huy tối đa hiệu quả. 

Mô hình thành phố thông minh Hà Nội lấy người dân làm trung tâm, vừa là đối tượng phục vụ vừa là chủ thể xây dựng thành phố thông minh. Mô hình 6 trụ cột gồm 5 cấu phần: Hạ tầng kinh tế xã hội thông minh; hạ tầng kỹ thuật thành phố thông minh; hạ tầng thông tin thành phố thông minh; xây dựng thông minh; cộng đồng cư dân thông minh.

Trong đó, có các nội dung đáng chú ý như, xây dựng nền tảng kết nối-HanoiSmart và hệ thống trung tâm điều hành thông minh (IOC).

IOC cung cấp thông tin mọi lúc mọi nơi (có phiên bản mobile) cho các cấp quản lý, bảo đảm việc ra các quyết định dựa trên dữ liệu. IOC gồm hệ thống báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của tình hình từ các cấp chính quyền cơ sở, từ các sở, ngành. Hệ thống này gồm các chức năng đôn đốc báo cáo, đảm bảo dữ liệu định lượng được thu thập và tổng hợp, phân tích theo thời gian thực.

HanoiSmart, như một mạng xã hội định danh giúp kết nối các chủ thể trong thành phố với nhau và với các chủ thể bên ngoài (khách du lịch, nhà đầu tư, khách hàng…). Đồng thời HanoiSmart còn như một nền tảng ứng dụng giúp cho việc phát triển các ứng dụng thành phố thông minh liên quan đến người dân. Theo đó, mỗi người dân sẽ có duy nhất một tài khoản chính danh trên mạng HanoiSmart và sử dụng tài khoản này để tiếp cận với tất cả dịch vụ của thành phố và để trao đổi giao dịch với nhau.

- Đã rõ định hướng, vậy trong năm 2023, việc triển khai chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh sẽ có lộ trình cụ thể nào không, thưa ông?

- Trong năm 2023, thành phố sẽ đưa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính toàn trình mới vào hoạt động. Cùng với đó, thành phố hoàn thành xây dựng trung tâm dữ liệu mới của Thủ đô theo mô hình điện toán đám mây.

Các nội dung khác như hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai; công tác số hóa di tích lịch sử văn hóa; hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng được tăng tốc để sớm hoàn thành.

Thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, thành phố đổi mới, sáng tạo rất cần sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm của các cấp, ngành thành phố. Với tư cách là chủ trì tham mưu trong lĩnh vực này, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ làm hết sức mình cùng phối hợp với các đơn vị tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra.

- Xin cảm ơn ông về nội dung trao đổi!

Nguồn: Hà Nội mới

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC