16:56 13/02/2020 1434
Ông Nguyễn Văn Đệ, sinh năm 1927 tại Nghệ An, tham gia cách mạng từ năm 1947, hoạt động trong nhiều tổ chức đoàn thể, trong đó có 15 năm ở cương vị Bí thư Trung ương Đoàn. Kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời ông là lần được gặp Bác Hồ và nghe những lời chỉ bảo ân cần của Người.
Đúng 6h45 phút ngày 12-7-1965, Văn phòng Trung ương Đoàn nhận được điện thoại từ văn phòng của Bác do đồng chí Vũ Kỳ (thư ký của Bác) gọi và báo cho biết đúng 7h, đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn, phụ trách Thanh niên xung phong lên gặp Bác.
Ông Đệ được đồng chí Vũ Quang (là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn) cử lên gặp Bác. Thực ra ông đã được gặp Bác nhiều lần, được nghe Bác nói chuyện nhưng đây là lần đầu tiên ông được trực tiếp báo cáo với Bác cho nên tâm trạng của ông lúc đó rất hồi hộp.
7h kém 5 phút, ông được vào phòng làm việc của Bác. Đúng 7h, Bác từ phía cửa sau đi vào, tay cầm một chiếc quạt lá cọ. Thấy Bác tới, ông liền đứng dậy chào, Bác bắt tay ông và nói: "Chú ngồi xuống đi, chú tên gì?"
Ông vừa trả lời những câu hỏi của Bác và báo cáo tình hình công việc. Nghe xong, Bác bảo: “Tốt! Chú uống nước đi rồi kể cho Bác nghe, các chú đã tổ chức thanh niên xung phong như thế nào? Các cháu gái, trai đi Thanh niên xung phong ra sao? Có hăng hái tự nguyện không?”. Nghe Bác hỏi xong, ông liền báo cáo với Bác, đại ý từ sau khi được Bác, Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã họp, ra nghị quyết giao cho các tỉnh, thành phố tuyển Thanh niên xung phong, độ tuổi từ 18 - 30, thành phần thì 50% nữ, 50% nam. Số thanh niên hăng hái đi tuyển rất đông nên vượt chỉ tiêu, nhất là nữ thanh niên ai cũng đòi đi cho nên việc giải thích cho người ở lại còn khó hơn là giải thích với người ra đi...
Nghe báo cáo xong thấy Bác rất vui và hỏi: “Thế các chế độ chính sách đối với thanh niên xung phong, các bộ, ngành các chú đã báo cáo cụ thể chưa? Đối với các cháu gái có chính sách gì cụ thể không?”. Nghe Bác hỏi đến đây, ông đỏ mặt lúng túng, vì khi bàn đến chế độ chính sách không đề cập vấn đề này. Nhưng ông trấn tĩnh và nói liều: Dạ thưa Bác, chúng cháu có bàn riêng vấn đề này, về vệ sinh cho chị em phụ nữ... Bác nói tiếp: “Các chú cùng các ngành lao động phải hết sức chú ý tới các đặc điểm riêng của các cháu gái. Trong công việc cũng không nên phân công cho các cháu gái làm việc quá nặng làm ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu sau này”.
Bác đứng dậy cười tươi đưa 2 tay lên trước bụng hỏi: “Còn cái này nữa, to ra thì các chú làm sao?”. Người nói: “Các chú phải giáo dục căn dặn các cháu gái phải biết tự trọng giữ mình, đấu tranh chống lại hành động không đúng đắn của các cháu trai. Các chú tổ chức cho thanh niên xung phong là việc hệ trọng, để đánh thắng giặc Mỹ cần có thanh niên dũng cảm, chịu đựng được gian khổ ở những nơi địch đánh phá ác liệt để sửa đường, sửa cầu, vận chuyển hàng hóa súng đạn. Thanh niên hăng hái đi là tốt, nhưng các cháu phải hết sức chú ý tới việc chăm lo giáo dục sức khỏe, học tập văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần của thanh niên... Các chú giáo dục động viên các cháu gái, trai làm việc tốt, học tập tốt, báo cáo thành tích cho Bác để Bác khen thưởng”.
Ngày 26-9-1966, sau hơn một năm, Bác đã gửi thư khen lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, thực hiện đúng lời hứa với thanh niên xung phong. Ngày 27-1-1969 Bác lại gửi thư khen đại đội Thanh niên xung phong 333, toàn là các nữ thanh niên đã lập thành tích xuất sắc...
Bác Hồ ngày đêm quan tâm tới những việc lớn lao của cách mạng, nhưng Người không quên những việc nhỏ, cụ thể liên quan tới đời sống thường ngày của nữ thanh niên xung phong. Lần gặp Bác tuy ngắn ngủi nhưng để lại trong ông Đệ biết bao kỷ niệm. Những lời dạy của Bác đã theo ông trong suốt cuộc đời.
Nguồn: Theo dấu chân Bác