16:15 07/08/2019 6326
Cách đây 55 năm, vào những ngày đầu tháng 8/1964, sau khi gây ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, Mỹ đã huy động máy bay mở đầu cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Cả nước căm phẫn trước tội ác của giặc Mỹ. Từ các trường học, công xưởng, nhà máy đến các nông trường, đường phố, cơ quan, tất thảy thanh niên đều thể hiện quyết tâm sẵn sàng cho cuộc đối đầu lịch sử.
Từ mảnh đất thiêng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” nhanh chóng lan rộng ra cả nước và trở thành cao trào cách mạng của tuổi trẻ - Nguồn: sưu tầm
Lúc bấy giờ Hà Nội nằm trong biển lửa, đó là ngọn lửa của tinh thần quyết chiến, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Đêm 7/8/1964, tại phòng họp của cơ quan Thành đoàn Hà Nội - Số 43 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội (nay là trụ sở Thành ủy Hà Nội), Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã họp bất thường và quyết định phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với các nội dung: Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội, hàng vạn thanh niên Thủ đô đã xuống đường diễu hành trên phố Hai Bà Trưng, vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm và tụ họp tại Quảng trường Nhà hát Lớn lên án hành động chiến tranh của đế quốc Mỹ, ghi tên tình nguyện “Ba sẵn sàng” và xung phong ra trận. Đêm 09/8/1964 đã đi vào lịch sử phong trào thanh niên Thủ đô như một dấu son tự hào của tuổi trẻ; hàng ngàn thanh niên Hà Nội đã xung phong ra trận; nhiều khẩu hiệu xuất hiện trên đường phố: “Đâu có giặc là ta cứ đi”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”...
Cả Hà Nội như rực lửa, tòng quân, đi TNXP trở thành nguyện vọng thiết tha của tuổi trẻ Thủ đô và trên mọi miền đất nước lúc bấy giờ. Đó là những ngày mà thanh niên Hà Nội không ai muốn ngủ, không ai muốn đứng ngoài, ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước. Những chàng trai, cô gái của Thủ đô dường như chỉ nghĩ duy nhất một việc: Xung phong ra trận, đánh đuổi giặc Mỹ, tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt.
Hình ảnh hàng ngàn chàng trai, cô gái Hà Nội hào hoa, duyên dáng giữa phơi phới tuổi xuân nửa đêm lên đường xuất quân tại Quảng trường Ngân hàng Trung ương, Quảng trường Nhà hát Lớn rực ánh lửa, âm vang tiếng cồng chiêng; tiếng những thanh niên dõng dạc đọc lời thề “Ba sẵn sàng” trong buổi tiễn đưa những chàng trai, cô gái Hà thành vào Nam chiến đấu, “chia lửa với miền Nam ruột thịt”, tiễn đưa các đội TNXP chống Mỹ cứu nước... là dấu ấn không thể xóa nhòa của tuổi trẻ Hà Nội trong một giai đoạn lịch sử rất đỗi vẻ vang, oanh liệt.
Từ đất thiêng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” đã nhanh chóng lan rộng ra cả nước và trở thành cao trào cách mạng của tuổi trẻ. Thậm chí, phong trào nhanh chóng vượt qua khỏi biên giới, nhiều thanh niên Việt Nam du học ở nước ngoài đã viết đơn xin về nước chiến đấu nếu Tổ quốc cần. Hàng trăm người chấp nhận tạm dừng việc học, kể cả ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh, nóng lòng mong được ra trận cầm súng chiến đấu. Đó là khao khát, là lý tưởng, là lẽ sống và danh dự của lớp thanh niên “Ba sẵn sàng”.
Từ thực tế đó, tháng 3/1965, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, với những nội dung được bổ sung và nâng cao. Lúc này, nhiệm vụ trung tâm của cả nước là tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ, vì vậy “Ba sẵn sàng” gồm cả chiến đấu, sản xuất, học tập, xây dựng cuộc sống.
Khi Trung ương Đoàn phát động phong trào “Ba sẵn sàng” trên toàn quốc thì phong trào như triều dâng thác đổ; hơn 26.000 đoàn viên thanh niên Thủ đô và hàng triệu thanh niên miền Bắc nhập ngũ. Phong trào đã khơi dậy và cổ vũ lớp lớp thanh niên miền Bắc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, gợi mở phong trào “Phụ nữ ba đảm đang” và phong trào “Năm xung phong” của tuổi trẻ miền Nam.
Hơn 26.000 đoàn viên thanh niên Thủ đô và hàng triệu thanh niên miền Bắc nhập ngũ - Nguồn: sưu tầm
Kể từ đó, “Ba sẵn sàng” đã trở thành một trong những phong trào hành động cách mạng lớn nhất của tuổi trẻ Thủ đô và tuổi trẻ Việt Nam trong thế kỷ XX, tạo nên một đội quân tình nguyện đông đảo nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Hơn 5 triệu lượt đoàn viên thanh niên tham gia, trong đó gần 1,5 triệu người con ưu tú đã ngã xuống, hiện đang yên nghỉ tại 265 nghĩa trang dọc chiều dài đất nước; hàng vạn thanh niên đã để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường khốc liệt.
Chính lớp thanh niên “Ba sẵn sàng” ra đi ngày ấy đã sát cánh chiến đấu quên mình cùng với lớp thanh niên “Năm xung phong” từ các vùng nông thôn, thành thị đã góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là dấu son trong lịch sử chiến đấu vẻ vang của thanh niên Hà Nội và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với những đóng góp to lớn, những hy sinh cống hiến của một thế hệ thanh niên “Ba sẵn sàng” cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) diễn ra khi đất nước vừa kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đại hội nhấn mạnh: “Một trong những bài học thành công của Việt Nam thời chống Mỹ là công tác thanh vận của Đảng thông qua phong trào “Ba sẵn sàng” của miền Bắc và phong trào “Năm xung kích” của miền Nam đã đưa hàng triệu thanh niên đi vào mũi nhọn của cuộc chiến đấu, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước”.
Phong trào “Ba sẵn sàng” là dấu son trong lịch sử chiến đấu vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam - Nguồn: sưu tầm
Ghi nhận những nỗ lực, cống hiến quan trọng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội trong phong trào “Ba Sẵn sàng”, năm 2014, nhân kỷ niệm 50 năm phong trào Ba Sẵn sàng, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là phong trào Ba sẵn sàng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố Hà Nội
Có thể nói, từ phong trào “Ba sẵn sàng” đến phong trào “Thanh niên tình nguyện” ngày nay do Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội phát động đã và đang giữ vai trò quan trọng trong những phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam ở mọi giai đoạn lịch sử: quá khứ, hiện tại và tiếp tục là tiền đề cho các phong trào trong tương lai.
Phong trào “Thanh niên tình nguyện” đã đi vào cuộc sống của thanh niên, lan tỏa trong cộng đồng xã hội; góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô và đất nước; xây dựng thế hệ thanh niên Thủ đô thời đại mới với 06 tiêu chí, đó là: Bản lĩnh vững vàng; Ứng xử văn hóa; Tuân thủ pháp luật; Tri thức phong phú; Sức khỏe dồi dào và Kỹ năng thành thạo; xứng đáng với lời căn dặn của Bác Hồ lúc sinh thời: “Đối với mọi công tác, Thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước”.
BTG