09:44 12/08/2019 2696
Tháng 11/1999, xảy ra trận lũ lụt kinh hoàng ở miền Trung, đặc biệt là Thừa Thiên - Huế. Trước tình hình đó, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Phạm Xuân Cảnh đã quyết định phát động chương trình tình nguyện đột xuất, mang sức trẻ Thủ đô hỗ trợ người dân vùng lũ.
Nguyên Bí thư Đoàn ĐH Y Hà Nội giữ chiếc áo xanh tình nguyện có in dòng chữ: “Thanh niên tình nguyện HÀ NỘI" như một kỷ vật cuộc đời ẢNH: AN KHOA
Khám chữa bệnh trên xe xích lô
Đồng chí Phạm Xuân Cảnh triệu tập cuộc họp gấp với sự góp mặt của một số cán bộ Đoàn, trong đó có Bí thư Đoàn trường ĐH Y Hà Nội Trần Quang Mai. Đồng chí Trần Quang Mai được giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn tình nguyện y bác sĩ về vùng lũ khám chữa bệnh cho bà con nhân dân, khắc phục hậu quả môi trường sau lũ lụt.
Nguyên Bí thư Đoàn ĐH Y Hà Nội Trần Quang Mai kể: Trong 3 ngày chúng tôi phải tuyển chọn gấp 30 bác sĩ giỏi nhất lên đường vào 8 xã thuộc huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) và mang theo cơ số thuốc men do các hãng thuốc, xí nghiệp tài trợ để khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con. Trước khi lên đường, đoàn tình nguyện vào Lăng viếng Bác, hứa với Người sẽ nỗ lực hết mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Điều đặc biệt, trong suốt hành trình tình nguyện gian nan, đoàn tình nguyện luôn khoác trên mình chiếc áo màu xanh in dòng chữ “Thanh niên tình nguyện HÀ NỘI”. Bác Trần Quang Mai kể, đoàn mang theo nước lọc để uống, dọc đường đi không có gì để ăn, tất cả ngập trong biển nước. Khi chúng tôi đến nơi, cảnh tượng tan hoang hiện ra trước mắt, bùn lội ngang gối, xác động vật, xác người chết trôi nổi. Lúc lũ dâng cao không đáng sợ bằng lúc nước rút, nó để lại hậu quả môi trường khốc liệt, ô nhiễm, bệnh tật lây lan.
“Trong gần 10 ngày ở Phú Vang, với tinh thần tình nguyện quên mình, đoàn chúng tôi gần như không phút nghỉ ngơi. Chúng tôi làm việc không kể ngày đêm, có bệnh nhân là lên đường, kể cả lúc đó là 2-3 giờ sáng. Vất vả, hiểm nguy rập rình. Có khi vào nhà dân, vừa bước chân ra, nhà đã đổ sập sau lưng, thoát chết trong gang tấc. Nhưng tất cả chúng tôi không chút nề hà, ở đâu có người dân còn ốm đau, bệnh tật, vấn đề môi trường là chúng tôi tìm tới. Một trong kỷ niệm mà chúng tôi không thể quên, đó là hình ảnh nhà của các Mẹ Việt Nam Anh hùng bị ngập ngang mái, không ai còn nhà. Chúng tôi mượn xích lô, khám chữa bệnh cho người dân ngay trên xe xích lô luôn”, bác Trần Quang Mai kể lại.
Trong gần 10 ngày ở Phú Vang, đoàn tình nguyện khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho không biết bao nhiêu người. Bên cạnh đó là dọn dẹp, xử lý ô nhiễm, vệ sinh môi trường do xác động vật gây ra và thực hiện các công việc thiện nguyện khác.
Những việc làm thiết thực, cống hiến hết mình của đoàn bác sĩ áo xanh thanh niên tình nguyện Hà Nội thực sự gây dấu ấn đậm nét với bà con vùng lũ.
Kể về những năm tháng tình nguyện đầy sôi nổi của thanh niên Thủ đô, nguyên Bí thư Đoàn ĐH Y Hà Nội Trần Quang Mai không khỏi bồi hồi, xúc động mang chiếc áo xanh in dòng chữ “Thanh niên tình nguyện HÀ NỘI” ra khoe: “Đây là một kỷ vật vô giá, thỉnh thoảng tôi lại mang ra giặt”.
Bác Mai cho rằng, những năm tháng tình nguyện, rèn luyện trong môi trường Đoàn đã cho bản thân có được những trải nghiệm, cống hiến và trưởng thành. “Tôi mong rằng, các bạn thanh niên hôm nay hãy luôn xác định cho mình tư tưởng rằng, là thanh niên phải hiến dâng và hy sinh, sẵn sàng cống hiến. Cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi giúp ích cho xã hội, cho nhân dân nhất là thanh niên bây giờ được học hành được trang bị kiến thức đầy đủ”, nguyên Bí thư Đoàn trường ĐH Y Hà Nội Trần Quang Mai nhắn nhủ bạn trẻ.
Lan tỏa ngọn lửa tình nguyện
Hà Nội là một trong những địa phương khởi phát mạnh mẽ phong trào thanh niên tình nguyện nói chung, chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè nói riêng. Đoàn tình nguyện bác sĩ ĐH Y Hà Nội hỗ trợ bà con vùng lũ miền Trung là một trong những hoạt động tình nguyện tạo dấu ấn đậm nét của tuổi trẻ Thủ đô trong năm 1999.
Thanh niên Thủ đô xung kích trong mọi hoạt động tình nguyện, hướng về cộng đồng
Tháng 1/1999 Thành Đoàn Hà Nội chính thức phát động phong trào: “Thanh niên Hà Nội xung phong tình nguyện xây dựng Thủ đô và đất nước”, gọi tắt là “Phong trào Thanh niên tình nguyện”. Nguyên Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Phạm Xuân Cảnh (giai đoạn 1997 - 2002), người khởi xướng phong trào chia sẻ: Đây là phong trào thể hiện khát vọng, truyền thống của tuổi trẻ Thủ đô qua các thời kỳ, tiếp nối phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước” trong giai đoạn trước. Phong trào định hướng Thanh niên tình nguyện Thủ đô tập trung vào 3 nội dung: Thanh niên tình nguyện phát triển kinh tế; Thanh niên tình nguyện xây dựng môi trường đời sống văn hóa; Thanh niên tình nguyện phòng chống tệ nạn xã hội, tập trung phòng chống tệ nạn ma túy (thời điểm đó, ma túy là vấn nạn nhức nhối trong xã hội - PV). Phong trào thanh niên tình nguyện với điểm nhấn là Chiến dịch thanh niên tình nguyện Hè. Ngay sau khi Thành Đoàn Hà Nội phát động, phong trào lập tức được tuổi trẻ Thủ đô hưởng ứng rất sôi nổi.
Phong trào đã mở hướng đi mới trong thu hút, tập hợp, bồi dưỡng và phát huy sức mạnh của thanh niên. Mùa hè năm 1999, những thanh niên tình nguyện đầu tiên của Hà Nội tham gia chiến dịch tình nguyện Hè, lên Hà Giang khám chữa bệnh, cấp thuốc, dạy chữ, đào giếng,... giúp đồng bào vùng cao. Trong trận lũ lớn ở miền Trung cuối năm 1999, hình ảnh những thanh niên tình nguyện Thủ đô trong màu áo xanh và vành mũ tai bèo đến những vùng xa xôi, hẻo lánh khám, chữa bệnh, dựng nhà, sửa đường, giúp đồng bào khắc phục hậu quả lũ lụt thêm một lần khẳng định trách nhiệm, tinh thần xung kích, tình nguyện của thế hệ trẻ.
Nhớ về những ngày đầu đầy sôi nổi của phong trào thanh niên tình nguyện, bác Đặng Trần Mùi, nguyên Trưởng ban Công tác Thiếu nhi Thành đoàn, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội thành phố Hà Nội kể: “Như trăm dòng sông tràn về biển lớn, đoàn quân áo xanh của thanh niên Hà Nội và cả nước rầm rập lên đường, hành quân tới những công trường, hành quân vào nhà máy. Họ là những bác sỹ trẻ tình nguyện đi tới các tỉnh biên giới phía Bắc hay các tỉnh gặp bão lũ ở miền Trung để khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào. Họ là những tình nguyện viên sẵn sàng sẻ chia những giọt máu hồng của mình để mang đến niềm vui và sự sống cho biết bao bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… Tất cả các hoạt động đó đã khẳng định rằng: Phong trào thanh niên tình nguyện là ngôi trường để tuổi trẻ thành phố học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành”.
“Như trăm dòng sông tràn về biển lớn, đoàn quân áo xanh của thanh niên Hà Nội và cả nước rầm rập lên đường, hành quân tới những công trường, hành quân vào nhà máy. Họ là những bác sỹ trẻ tình nguyện đi tới các tỉnh biên giới phía Bắc hay các tỉnh gặp bão lũ ở miền Trung để khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào. Họ là những tình nguyện viên sẵn sàng sẻ chia những giọt máu hồng của mình để mang đến niềm vui và sự sống cho biết bao bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… Tất cả các hoạt động đó khẳng định rằng: Phong trào thanh niên tình nguyện là ngôi trường để tuổi trẻ thành phố học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành”. Bác Đặng Trần Mùi, nguyên Trưởng ban Công tác Thiếu nhi Thành Đoàn, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội TP Hà Nội |
Theo TPO.