10:56 11/11/2020 1806
Qua bao năm tháng bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tích lũy được vốn kiến thức rất uyên thâm, nhưng khi đến với cán bộ, quần chúng nhân dân, Bác đã chuyển hóa những kiến thức đó thành những câu chuyện nhẹ nhàng, dễ hiểu, rất bình dị và gần gũi.
Đầu năm 1946, có cuộc họp cán bộ từ trung ương đến các địa phương, Bác đến thăm và nói chuyện. Khi giải thích mối quan hệ giữa chính sách của chính phủ với nhân dân thông qua đội ngũ cán bộ địa phương, Bác dùng một tấm bìa hình tam giác cân. Bác quay đáy tam giác lên trên, hướng đỉnh xuống phía dưới và nói: “Nhưng những chủ trương đó qua nhiều cấp, nhiều cán bộ yếu kém đến khi xuống đến dân thì bé lại chỉ còn chường này”.
Sau đó, Bác lật tấm bìa cho đáy xuống dưới, đỉnh lên trên và giải thích: “chiều đáy là nguyện vọng của nhân dân được phản ánh từ cơ sở, có rất nhiều, rất phong phú, nhưng qua nhiều cấp, cán bộ thì chỉ còn bé chừng này”. Bác chỉ tay vào đỉnh trên. Bác kết luận: “Vậy thì chúng ta phải làm gì để cho Chính phủ gần dân?”. Ai dự họp cũng đều thấm thía lời dạy của Bác và tự tìm ra câu trả lời đúng với công việc của mình.
Cũng trong năm 1946, Nhà nước cách mạng non trẻ phải đối phó vời thù trong giặc ngoài, gây cho ta biết bao khó khăn, thách thức. Nhiều người yêu cầu Bác cho quét sạch chúng đi, Bác cười, bảo: “Các chú giữ sức đánh tây?”, rồi Bác giải thích: “dòng nước đang chảy có cây gỗ chắn ngang, làm rác rưởi, lá cây đọng lại, các chú cứ vứt từng cái rác, từng cái lá thì không xuể mà phải tìm cách gạt cây gỗ đi thì dòng nước sẽ thông thoát”.
Trong thời kỳ kháng chiến nhiều cán bộ đi tuyên truyền về đường lối “trường kì kháng chiến” cho nhân dân. Khi dân chất vấn: “Kháng chiến khi nào thành công?” nhiều người không giải thích được bèn về hỏi Bác. Bác bảo: “Các chú biết rằng đồng bào ta phần lớn là nông dân thì phải lấy hình ảnh cụ thể, để đồng bào dễ hiểu. Các chú cứ lấy chữ nghĩa, nào là “phụ thuộc”, “khách quan”, “chủ quan” thì dân ít người hiểu, mà phải lấy những ví dụ cụ thể như muốn có khoai ăn, lúa ăn cũng phải chờ đến 3 tháng hoặc 6 tháng mới có thu hoạch, người phụ nữ có thai cũng phải hơn 9 tháng mới sinh con…”. Khi đến với nhân dân, với đồng chí, Bác ở bên họ như người thân, không có sự cách biệt giữa lãnh tụ với dân. Con người Bác, phong cách Bác, tư tưởng Bác toát lên một chân lý dễ hiểu, dân dã mà thanh cao, cụ thể dễ hiểu mà vẫn uyên thâm, tinh túy.
Qua câu chuyện trên ta rút ra được bài học kinh nghiệm sâu sắc cho bản thân: Bác Hồ vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc ta dù là người học cao, hiểu rộng nhưng tư tưởng của Người luôn toát lên sự dân dã, lời nói của Người luôn là những chân lý dễ hiểu, cụ thể. Và những điều này không làm mất đi sự thanh cao, uyên thâm, tinh túy trong mỗi bài học của Người mà còn tôn lên vẻ đẹp của sự giản dị, hòa đồng trong cách sống và giao tiếp của Hồ Chủ Tịch với cấp dưới, với nhân dân.
Nguồn: Bệnh Viện Trưng Vương