Nhớ những ngày thu ấy

18:22 15/08/2020        949



Lãnh tụ luôn có vai trò nổi bật, đặc biệt là trong những thời điểm quan trọng, mang tính bước ngoặt của mọi cuộc cách mạng. Đó cũng là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969) thể hiện rõ nét trong việc “vạch đường đi từng phút từng giờ” (thơ Tố Hữu) cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc ở nước ta.

Bác Hồ ở Hà Nội tháng 8-1945

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, việc Bác Hồ về nước mùa xuân năm 1941 để trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam là dựa trên sự tính toán khoa học về điều kiện thực tiễn trong nước cũng như quốc tế. Bên ngoài, chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) đang lan rộng, Pháp đầu hàng phát xít Đức, phát xít Nhật nhảy vào chiếm Đông Dương. Trong nước, các cuộc khởi nghĩa lớn như Bắc Sơn, Nam Kỳ và cuộc binh biến Đô Lương đều thất bại do lực lượng cách mạng còn hạn chế, chưa hội tụ đủ điều kiện về tổ chức và lãnh đạo. Tuy nhiên, ngay từ khi đó, Bác Hồ đã tiên liệu được thời điểm phát xít Đức sẽ thất bại, chiến tranh thế giới sẽ kết thúc, tạo thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam.

Trong thời gian sống và làm việc ở Pắc Bó (tỉnh Cao Bằng), Bác có viết một bài thơ đăng báo Việt Nam độc lập, phần đáng chú ý nằm ở chú thích cuối bài: “Năm 1945, cách mạng Việt Nam thành công”, thể hiện sự tiên đoán táo bạo của Người dựa trên cơ sở thực tiễn và sự phân tích, đánh giá chất lượng cuộc vận động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ngày 19-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hà Nội đã giành chính quyền thành công. Chỉ ít ngày sau đó, Thường vụ Trung ương Đảng bố trí lực lượng đưa Bác từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội để trực tiếp lãnh đạo chính quyền cách mạng mới được thành lập. Có một chi tiết rất đặc biệt là khi ấy Bác còn rất mệt do bị ốm nên không tự đi được, phải lên võng cáng. Tuy còn sốt nhưng Bác vẫn rất vui vì trên đường đi, thấy nhân dân phấn khởi chào đón cuộc sống mới và nhiệt tình ủng hộ Việt Minh làm cách mạng.

Chiều tối 23-8-1945, Bác cho dừng nghỉ ở nhà cụ Nguyễn Thị An, một cơ sở cách mạng thời kỳ 1941 - 1945 ở làng Phú Gia, còn gọi là làng Gạ, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là nhà số 6, ngõ 319 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ - năm 1996 được công nhận là di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ, năm 2019 được cấp bằng Di tích lịch sử cấp Thành phố). Tại đây, Bác đã nghe các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng là Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh báo cáo kết quả Tổng khởi nghĩa trong cả nước và cùng bàn bạc việc chuẩn bị ra mắt Chính phủ cách mạng tại Hà Nội.

Theo lời ông Công Ngọc Dũng, cháu nội cụ An, thì trong hai ngày, không ai trong nhà biết có Bác trong số “các cán bộ chiến khu” đang ở nhà mình (mà chỉ được biết sau ngày 2-9, do đồng chí Hoàng Tùng thông báo). Đến chiều 25-8-1945, Bác chào tạm biệt gia đình để “đi công tác”. Chiếc xe do đồng chí Trường Chinh bố trí đến đón Bác về nơi ở chính thức đã chạy theo đê Yên Phụ xuống Hàng Than, qua Hàng Giấy, Hàng Mã. Đến số nhà 35 Hàng Cân thì xe đi vào cổng sau ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, nơi được Thường vụ Trung ương Đảng chuẩn bị sẵn từ trước cho Bác. Đây là nhà của vợ chồng thương gia Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ, một cơ sở cách mạng. Ngôi nhà có 3 tầng, tầng 2 dành cho người của cách mạng. Khi Bác đến, chủ nhà không biết danh tính của Bác, chỉ sau này mới được biết. Tại tầng 2, chính giữa là chiếc bàn gỗ dài và to cùng 8 chiếc ghế tựa có đệm mềm được Bác dùng để làm việc với các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng. Người sử dụng chiếc bàn tròn nhỏ kê ở cuối phòng để ăn cơm. Khi làm việc, Bác sử dụng chiếc bàn vuông, bọc dạ màu xanh lá mạ, đặt ở sát tường góc trong phòng. Chiếc bàn này khá nhỏ, chỉ đủ để một tập giấy và chiếc máy chữ Người mang từ Việt Bắc về.

Những ngày này là khoảng thời gian rất quan trọng của Bác. Chỉ sau một ngày về đây, Bác đã triệu tập họp Thường vụ Trung ương Đảng, bàn bạc và thông qua những chủ trương đối nội, đối ngoại. Ngày 27-8-1945, thư ký của Bác là Vũ Kỳ chính thức ra mắt lãnh tụ. Biết tên thật của đồng chí thư ký là Cần, Bác rất vui và nói rằng, cần là rất tốt, càng tốt khi cần đi với kiệm, liêm, chính và phải như thế. Đó cũng là điều sau này Bác luôn nhắc nhở, căn dặn cán bộ, đảng viên. Cũng tại đây, Bác nhanh chóng bắt tay vào việc soạn thảo, chỉnh sửa dự thảo Tuyên ngôn độc lập, chuẩn bị cho Ngày Quốc khánh 2-9, ngày tuyên bố đất nước độc lập, chính quyền cách mạng chính thức ra mắt quốc dân đồng bào. Lúc này, Bác vẫn yếu mệt nhưng hằng đêm vẫn thức khuya để làm việc.

Đến sáng 29-8-1945 thì Bác chuyển về làm việc ở Bắc Bộ phủ, tiếp tục chỉnh sửa dự thảo Tuyên ngôn độc lập, sang ngày hôm sau thì lấy ý kiến đóng góp của Thường vụ Trung ương Đảng.

Sáng 31-8-1945, Bác kiểm tra công tác tổ chức mít tinh ở Quảng trường Ba Đình. Người căn dặn phải bố trí ngay nơi vệ sinh cho đồng bào đi dự lễ. Người còn lưu ý kế hoạch dự phòng, nếu thời tiết không tốt (mưa to, gió lớn) thì sẽ kết thúc mít tinh sớm hơn dự định để bảo đảm sức khỏe cho đồng bào.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sự kiện đầu tiên sau Tuyên ngôn độc lập

Ngày 3-9-1945, Bác Hồ triệu tập phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Đây là sự kiện mang tính định hướng cho quá trình kiến quốc thành công.

Trong bối cảnh đất nước vừa tuyên bố độc lập chỉ một ngày, phiên họp được tổ chức theo phương châm nghiêm túc và thiết thực, không nghi thức rườm rà, không có cả diễn văn khai mạc mà vẫn tạo được không khí trang trọng. Đây là trường hợp hiếm có đối với một sự kiện chính trị mang tầm cỡ quốc gia.

Mở đầu cuộc họp, Bác nhấn mạnh: Giành chính quyền đã khó, nhưng không khó bằng giữ chính quyền! Thay mặt Hội đồng Chính phủ, Bác trình bày “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Người nêu 6 nhiệm vụ về chính trị, kinh tê - xã hội, là 6 nội dung ưu tiên của chính quyền mới. Một là: Phát động chiến dịch tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để chống nạn đói. Hai là: Mở chiến dịch chống nạn mù chữ. Ba là: Tổ chức sớm Tổng tuyển cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu; tổ chức chính quyền dân chủ nhân dân và thực hiện Hiến pháp dân chủ. Bốn là: Mở chiến dịch giáo dục lại tinh thần phục vụ nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; xóa bỏ tàn dư tư tưởng, lối sống thực dân, phong kiến. Năm là: Bãi bỏ ba thứ thuế bóc lột nặng nề là thuế thân, thuế chợ, thuế đò. Cấm hút thuốc phiện. Sáu là: Cho phép thực hiện tín ngưỡng tự do và thực hiện lương, giáo đoàn kết.

Nhằm phát huy trí tuệ tập thể, Bác đề nghị các thành viên Hội đồng Chính phủ cùng thảo luận, bàn bạc. Tuy nhiên, do các vấn đề đã được Người chuẩn bị kỹ lưỡng và trình bày mang tính trọng tâm, thiết thực nên sau khi xem xét, các thành viên Hội đồng Chính phủ đã đồng tâm nhất trí thông qua, coi đó là những vấn đề cấp bách, phù hợp với hiện tình đất nước, cần được thực hiện ngay. Diễn biến và kết quả các công việc do Chính phủ tổ chức thực hiện sau đó đã chứng tỏ tính đúng đắn trong kế hoạch và quyết tâm hành động của chính quyền cách mạng do Bác đứng đầu.

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC