18:38 30/09/2020 1266
Cũng như những lần trước, lần này chúng tôi hy vọng được gặp Bác Hồ. Lần ấy tôi được phân công phục vụ ở phòng họp của Chủ tịch đoàn. Tôi rất lo không làm tròn nhiệm vụ.
Tôi cố gắng chuẩn bị thật chu đáo nước nôi. Sáng hôm ấy, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã vào phòng họp, tôi đang lúi húi chuẩn bị phục vụ ở bàn nước cuối phòng.
Chuẩn bị xong, tôi mang nước cho đồng chí Trường Chinh. Lúc tới cạnh đồng chí Trường Chinh ngồi, tôi mới chợt thấy mái tóc bạc phơ của Bác. "Bác đã đến rồi!". Tôi đang lúng túng vì sơ suất của mình, không biết Bác vào mà chào Bác, mang nước cho Bác trước. Thấy tôi, Bác quay ra ngay, tươi cười:
- A cháu phục vụ, chào cháu!
Cốc nước trên tay tôi cứ rung lên sóng sánh. Cố gắng lắm tôi mới giữ được chiếc cốc không rơi. Lắp bắp mãi tôi mới nói được ra lời:
- Cháu… cháu chào Bác ạ!
Chào Bác xong rồi mà tôi cứ thổn thức mãi. Tôi cố nén không để nước mắt trào ra. “Tại sao mình chỉ là một nhân viên phục vụ bình thường lại để Bác chào trước?" Tôi cứ muốn quẩn quanh ở gần bên Bác để thưa với Bác cái điều sơ suất của tôi thì Bác lại bảo:
- Cháu đi mời nước các bác, các chú khác đi.
Sáng hôm ấy, sau mấy giờ làm việc, từ trong hội trường Bác đi ra, vừa tới cửa, Bác gặp hai vị đại biểu cao tuổi là cụ Thích Trí Độ và cụ Tôn Quang Phiệt, tôi lại thấy Bác chắp hai tay trước ngực, cúi đầu chào trước.
- Chào hai cụ.
Hai cụ chào lại Bác. Nhìn thấy thế, lúc này lại vắng người, không nén nổi nữa, tôi òa lên khóc. Tôi vẫn biết từ trước là Bác rất giản dị và khiêm tốn. Các cụ đại biểu cao tuổi đã đành. Còn tôi, một đứa cháu phục vụ bé nhỏ của Bác, Bác cũng chào trước nữa ư? Tôi ân hận mãi về điều sơ suất của mình.
Thường thường, các hội nghị lớn có Bác dự họp, Bác hay đến sớm, hoặc lúc Bác ra về, trông thấy chúng tôi thế nào Bác cũng hỏi chuyện và dạy bảo. Lần ấy Bác gặp đồng chí Hoàng Văn Kỳ, phụ trách sản xuất và pha chế bánh, nước ngọt. Cũng như mọi lần hỏi chuyện chúng tôi, Bác đều hỏi thêm đồng chí Kỳ về đời sống, gia đình, con cái và sức khỏe. Từng điều một, đồng chí Kỳ thưa lại với Bác. Bác hỏi tiếp:
- Cháu làm nghề này đã lâu chưa?
- Thưa Bác, cháu làm nghề này đã hơn 30 năm.
Bác bảo:
- Khi còn trẻ Bác cũng làm nghề này như chú. Nghề gì cũng quý. Phục vụ nhân dân thật tốt thì nghề gì cũng giá trị như nhau. Ngành ăn uống phục vụ miếng ăn, cái uống cho dân lại càng quan trọng, phải có trách nhiệm thật cao trông nom đến sức khỏe của dân, không được làm dối, làm ẩu, làm dối làm ẩu là có tội với dân.
- Chị em chúng tôi trước khi vào làm nghề này, có người từ công trường xây dựng về, có người là giáo viên sang, có người ở nông thôn ra, có người làm nghề đan len tới. Chúng tôi không mấy ai hiểu được ngay vị trí và giá trị của nghề nghiệp phục vụ này. Chúng tôi cũng chưa hiểu hết trách nhiệm của mình đối với đời sống và sức khỏe của nhân dân. Nghe Bác dạy, chúng tôi thấm thía và đau xót với những ý nghĩ, việc làm chưa tốt của mình.
Qua bài học trên chúng ta nhận ra rằng cách giao tiếp ứng xử trong công việc hàng ngày rất cần thiết với mọi người. Nếu giao tiếp tốt và ứng xử linh hoạt không chỉ giúp người mọi người xung quanh có ấn tượng tốt đẹp với bạn mà còn giúp bạn rất nhiều lợi ích trong công việc, trong các mối quan hệ.
Trong cuộc sống hay trong công tác khám chữa bệnh việc giao tiếp, ứng xử tốt đều mang lại lợi ích cho cá nhân và tập thể. Vì vậy, bản thân chúng ta cần chú trọng, quan tâm nhiều hơn đến các quy tắc ứng xử không chỉ trong phạm vi bệnh viện mà còn lan rộng khắp Ngành Y Tế nói chung.
Nguồn: Bệnh Viện Trưng Vương