Bài thơ nổi tiếng của Bác Hồ căn dặn thanh niên được ra đời

18:33 17/09/2020        1587



Trung tuần tháng 9 năm 1950, chúng tôi được tin báo có đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) sẽ đến thăm đơn vị. Đêm hôm đó, chúng tôi tổ chức lửa trại trong rừng Nà Tu để đón khách. Vừa trông thấy ánh đèn pin thấp thoáng từ ngoài cửa rừng đi vào, đoán là khách đã đến, tôi cho anh chị em vỗ tay hoan hô: “Hoan hô đồng chí Trần Đăng Ninh”. Khách vào tới nơi, định thần nhìn lại, tất cả chúng tôi đều sững sờ trước niềm vinh hạnh phúc thật bất ngờ: Bác Hồ đến thăm. Hàng ngũ của chúng tôi trở nên xáo động…, nhưng do việc giữ bí mật đã ăn sâu vào ý thức từng người nên trong hàng ngũ cũng chỉ truyền đi những tiếng reo khe khẽ: “Bác Hồ! Bác Hồ!”. Rõ ràng Bác đang ở trước mắt mà chúng tôi cứ ngỡ như một giấc chiêm bao! Bác vẫn giản dị với bộ quần áo bà ba màu nâu, chiếc khăn quàng cổ che kín cả chòm râu. Đi bên cạnh Bác là đồng chí Trần Đăng Ninh.

Bác tươi cười nhìn chúng tôi và giơ tay ra hiệu:

- Các cháu ngồi cả xuống.

Chúng tôi đều răm rắp nghe theo lời Bác, im lặng ngồi xuống.

Những câu đầu tiên Bác hỏi chúng tôi là những lời hỏi thăm ân cần về tình hình đời sống của đơn vị.

Bác hỏi:

- Các cháu ăn uống có đủ no không?

- Thưa Bác có ạ!

- Các cháu có đủ muối ăn không?

- Thưa Bác đủ ạ!

- Quần áo, chăn màn, thuốc phòng bệnh chữa bệnh có đủ không?

- Thưa Bác đủ ạ!

Qua nụ cười hiền hậu trên nét mặt của Bác, chúng tôi thấy Bác biết thừa là chúng tôi nói dối để Bác vui lòng. Bác đã được đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp báo cáo đầy đủ về chế độ cấp phát lương thực, thuốc men, quân trang cho thanh niên xung phong còn thiếu thốn. Bác lại hỏi:

- Các cháu có biết Đảng Lao động Việt Nam không?

- Thưa Bác có ạ! 

- Sau đó Bác lại hỏi tiếp:

- Đảng Lao động Việt Nam với Đảng Cộng sản Đông Dương khác nhau ở điểm nào?

Một số người trong chúng tôi được Bác kiểm tra trực tiếp toát mồ hôi, nên trả lời rất lúng túng.

Sau đó bằng những câu ngắn gọn, Bác đã truyền đạt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ II vừa mới họp về việc đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương thành Đảng Lao động Việt Nam. Tiếp đó Bác nhắc nhở:

- Lần sau cái gì không biết các cháu phải nói không biết, không biết mà nói biết là giấu dốt.

Rồi Bác đột ngột hỏi tiếp:

- Đào núi có khó không?

Chúng tôi ai cũng dè dặt không dám trả lời ào ào như trước nữa. Thế là người trả lời: khó, người sợ nói khó bị cho là tư tưởng ngại khó nên trả lời không khó.

Trả lời xong mà cứ nơm nớp sợ Bác hỏi thêm. Bác chưa kết luận mà hỏi thêm chúng tôi:

- Có ai dám đào núi không?

Và chỉ định một đội viên gái ngồi ngay trước mặt Bác, đồng chí này mạnh dạn đứng lên thưa:

- Thưa Bác có ạ! Thanh niên xung phong chúng cháu ngày ngày vẫn đang đào núi để đảm bảo giao thông đấy ạ! (Hồi bấy giờ chúng tôi đào núi bằng cuốc, xẻng, không được cơ giới hoá như bây giờ). Nghe xong, Bác cười:

- Đào núi không khó là không đúng, nhưng khó mà con người vẫn dám làm và làm được. Chỉ cần cái gì?

Chúng tôi đã bình tĩnh, lấy lại được tinh thần và mạnh dạn hẳn lên, thi nhau giơ tay lên phát biểu, có người trả lời “cần quyết tâm cao” có người “cần kiên gan bền chí”, “cần vượt khó vượt khổ”, có người “cần xung phong dũng cảm”, toàn là những khẩu hiệu hành động của thanh niên xung phong chúng tôi hồi đó.

Bác động viên chúng tôi:

- Các cháu trả lời đều đúng cả: Tóm lại việc gì khó mấy cũng làm được, chỉ cần quyết chí. Tục ngữ ta có câu: “Có công mài sắt, có ngày lên kim”. Để ghi nhớ buổi nói chuyện của Bác cháu ta hôm nay, Bác tặng các cháu mấy câu thơ:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

 Quyết chí ắt làm lên.

Đọc xong mỗi câu thơ, Bác lại bảo chúng tôi đồng thanh nhắc lại. Cuối cùng Bác chỉ định nhắc lại cả bài thơ cho tất cả đơn vị nghe. Thật may mắn, tôi đã nhắc trôi chảy không sai chữ nào.

Giữa rừng đêm khuya, dưới ánh lửa bập bùng, Bác cùng chúng tôi hoà nhịp theo bài ca “Nhạc tuổi xanh”. Chúng tôi hát hào hứng, say mê. Đến khi bài hát được hát lại lần thứ hai, nhìn lại thì không thấy Bác đâu nữa! Bác xuất hiện và ra đi như một ông tiên trong chuyện cổ tích huyền thoại. Đám thanh niên chúng tôi ngẩn ngơ nuối tiếc hồi lâu.

Bài thơ nổi tiếng của Bác Hồ căn dặn thanh niên được ra đời như thế đó. Rất mộc mạc, giản dị nhưng lại vô cùng sâu sắc. Bài thơ là nguồn cổ vũ, động viên lớp lớp thanh niên xung phong  chúng tôi lao vào cuộc kháng chiến và kiến quốc. Sau này mỗi khi gặp khó khăn, hình ảnh của Bác Hồ và bốn câu thơ của Bác lại được tái hiện trong lòng chúng tôi, tiếp cho chúng tôi thêm sức mạnh để vượt qua.

Bài thơ rất mộc mạc giản dị nhưng mang một ý nghĩa vô cùng to lớn. Bác đã động viên khích lệ chúng ta: không có việc gì khó, chỉ cần có lòng quyết tâm và có ý chí nghị lực thì việc hì cũng có thể vượt qua, việc gì cũng có thể làm được. Bác tặng 4 câu thơ như một kim chỉ nam soi đường dẫn lối cho chúng ta mỗi khi gặp khó khăn, gian khổ, giúp chúng ta vững vàn hơn trong cuộc sống.

Qua câu chuyện kể trên còn để lại một bài học vô cùng sâu sắc. Bác dạy chúng ta “ cái gì không biết các cháu phải nói không biết, không biết mà nói biết là giấu dốt” “ đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Mỗi người chúng ta đều có những khuyết điểm riêng. Nếu cứ khư khư giữ lấy cái “tôi” của mình sẽ không bao giờ tiến bộ được.Nhưng nếu ta biết nhìn nhận ra những điểm còn yếu , còn thiếu sót để tự khắc phục thì chúng ta sẽ ngày càng tốt hơn, hoàn thiện bản thân mình hơn.

Bản thân đang công tác trong ngành y tế công việc vô cùng quan trọng, mỗi hành động của chúng ta đều ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người bệnh. Vì vậy chúng ta không những phải tu dưỡng đạo đức tốt mà cón phải rèn luyện kỹ năng công việc, học hỏi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ chuyên môn và nâng cao kỹ năng giao tiếp là những điều hết sức cần thức và quan trọng. Học tập và loàm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta phải sống xứng đáng với nghề nghiệp và trách nhiệm của một người Cán bộ Y tế “ Lương y như từ mẫu”.

Nguồn: “Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

FACEBOOK

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC